Cầu Hàm Rồng lung linh bên bờ sông Mã
60 năm đã qua, vào dịp kỷ niệm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3-4/4/1965), chúng ta lại nhắc lại bài học lịch sử ấy để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Hàm Rồng là địa danh đã đi vào lịch sử với những chiến công mang tầm vóc thời đại trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ảnh: Gia Bảo
Từ xa xưa cho đến hôm nay cư dân đất Việt nhất là đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thuộc nằm lòng câu ca: "Thanh Hóa thắng địa là nơi/ Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi chân thành". Nơi đây còn là vùng danh lam thắng cảnh hội tụ tinh hoa của đất trời.
Từ trên sườn núi Cánh Tiên phóng tầm mắt nhìn về phía Đông, khu vực Quảng trường Hàm Rồng, Đồi C4 anh hùng nhất là cầu Hàm Rồng được trang trí lộng lẫy, đường đi lối lại sạch đẹp phong quang. Khu tượng đài Thanh niên xung phong được cải tạo, chỉnh trang gọn gàng sạch đẹp, trồng thêm cây xanh.
Nhìn từ chân cầu Hàm Rồng dọc đại lộ Nam Sông Mã xuôi về cầu Nguyệt Viên, đường, phố được chỉnh trang. Khu tưởng niệm niệm 64 giáo viên, học sinh các trường trung cấp Y, sư phạm hy sinh trên công trường đắp đê Nam sông Mã ngày 14/6/1972 đang gấp rút hoàn thành tượng đài tưởng niệm.
Hệ thống đèn chiếu sáng gần 3km được lắp đặt trên đường Kim Quy, đường Phượng Hoàng, đường dẫn lên tháp truyền hình. Đại lộ Nguyễn Hoàng, đường Bà Triệu, Nam Ngạn cùng nhiều tuyến đường, phố của thành phố Thanh Hóa được duy tu, sửa chữa, thảm nhựa, điểm xuyết các bồn hoa, cây cảnh, trồng thêm cây xanh để bộ mặt đô thị thêm phần hấp dẫn không chỉ trước mắt mà còn hướng đến lâu dài phục vụ người dân và khách du lịch.

Vùng thắng tích Hàm Rồng xứng đáng được các thế hệ người Việt mà trước hết là người dân xứ Thanh nâng niu, chăm sóc, tôn tạo, tu bổ các di tích, làm mới các các công trình, cảnh quan để Hàm Rồng lung linh tỏa sáng.

Hai chữ "QUYẾT THẮNG" uy nghi bên cầu Hàm Rồng. Ảnh: Gia Bảo
Tự hào 2 chữ "QUYẾT THẮNG"
Trước ngày kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965-3,4/4/2025, khu vực Hàm Rồng như một công trường. Đứng trên núi Cánh Tiên nơi có 2 chữ "QUYẾT THẮNG" được bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân tranh thủ những lúc máy bay địch ngừng đánh phá nhặt từng viên đá xếp nên đứng xa hàng chục km vẫn nhìn thấy rõ.
Trước ngày kỷ niệm, nơi đây đang khẩn trương trang trí, lắp đặt đèn chiếu sáng, chỉnh trang tươm tất.
Là một trong những người được trực tiếp chỉ đạo xây dựng lại hai chữ "QUYẾT THẮNG" trên núi Cánh Tiên cách nay tròn 35 năm, tôi đã nhiều lần qua lại khu vực Hàm Rồng.
Cứ mỗi dịp về lại Hàm Rồng tôi lại bồi hồi xúc động và hình dung ra những ngày đầu tháng 4/1965 rực lửa trong cuộc đánh trả máy bay giặc Mỹ. Hàm Rồng mảnh đất chứa đựng tầng tầng lớp lớp trầm tích của một vùng văn hóa lịch sử, vùng đất làm nên chiến công vang vọng khắp năm châu bốn biển.
Lần này cũng vậy, sau một vòng tự lái ô tô luồn lách đến chiều muộn khi ánh đèn trang trí cầu Hàm Rồng, trên núi Cánh Tiên nơi có 2 chữ quyết thắng được tạc vào sườn núi, lung linh trên các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sáng soi đường đi, lối lại, tôi trộm nghĩ sứ mệnh lịch sử sau 60 năm làm nên chiến công vẻ vang, 50 hòa bình dựng xây quê hương giờ đây được nạp thêm năng lượng vật chất và tinh thần để thành phố bên bờ sông Mã bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc.
Ngày 3-4/4/2025 là tròn 60 năm ngày quân dân Hàm Rồng làm nên chiến thắng oanh liệt, đánh trả hàng trăm máy bay Mỹ liên tục đánh phá ném xuống khu vực Hàm Rồng hàng ngàn tấn bom, đạn hòng đánh sập cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã trên tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Qua 2 ngày (3-4/4/1965) đương đầu với không lực Hoa Kỳ, quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực và 2 biên đội Mig 17 (én bạc) đã chiến đấu vô cùng quả cảm, khốc liệt, bắn rơi 47 máy bay làm nên chiến thắng vang dội làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Còn phía bên kia phải thốt lên "Những ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ".

Cầu Hàm Rồng - chứng nhân lịch sử. Ảnh: Gia Bảo


Lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Hàm Rồng và 64 giáo viên học sinh hy sinh trên công trường đắp đê Nam sông Mã 16.4.1972. Ảnh: Gia Bảo