Khúc ca hòa bình của Trịnh Công Sơn

'Nối vòng tay lớn' nằm trong số những ca khúc thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

15h chiều ngày 30/4/1975, Trịnh Công Sơn xuất hiện trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn, gửi thông điệp kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh rằng ngày thống nhất là giấc mơ của dân tộc suốt nhiều thập kỷ, đồng thời khuyến khích mọi người ở lại và cùng nhau xây dựng đất nước thay vì ra đi.

Sau đó, Trịnh Công Sơn cùng Nguyễn Hữu Thái (cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) và một số thanh niên hát Nối vòng tay lớn ngay trên sóng phát thanh. Nối vòng tay lớn trở thành ca khúc đầu tiên vang lên trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn trong ngày lịch sử này.

Sau này, bài hát đã được đưa vào dạy trong chương trình giáo dục phổ thông, xuất hiện trong sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 9.

Bài Nối vòng tay lớn trong sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 9.

Bài Nối vòng tay lớn trong sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 9.

Bài ca thống nhất

Bài hát có tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, mang âm hưởng hành khúc nhưng vẫn giữ được nét trữ tình đặc trưng của Trịnh Công Sơn. Với nhịp điệu dồn dập và lối hát mang tính cộng đồng, Nối vòng tay lớn thường vang lên ở các sự kiện tập thể, gợi lên cảm giác gắn kết và hào hùng.

Lời bài hát sử dụng những hình ảnh giản dị nhưng giàu sức gợi, mang biểu tượng, như “rừng núi giang tay nối lại biển xa” hay “ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”, qua đó thể hiện sự khao khát thống nhất ba miền Bắc - Trung - Nam, cũng như tinh thần hòa hợp dân tộc sau nhiều năm chia cắt.

 Bìa sách Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài. Ảnh: Neta.

Bìa sách Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài. Ảnh: Neta.

Frank Gerken, nhà nghiên cứu Đông Nam Á học người Đức yêu thích và thuộc rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn, chơi thân với tác giả trong những năm ở Việt Nam học tiếng Việt, nghiên cứu văn hóa Việt. Ông cho rằng không chỉ riêng bài hát này mà trong nhiều sáng tác khác, Trịnh Công Sơn đã hát lên về khát vọng lớn nhất của mình: Đất nước thống nhất, hòa bình và tình yêu đến với mọi người để cả dân tộc đoàn kết xây dựng lại một xã hội mới công bằng. Nhạc sĩ muốn chắc chắn rằng từ nay trên đất nước "không còn chiến tranh nữa, không còn sự chết chóc, không còn thù hằn, đau khổ".

Gọi Trịnh Công Sơn là con người của "ba miền", Bửu Ý muốn nghĩ về câu ấy "một cách toàn vẹn hơn cả, một cách tràn đầy ý thức hơn cả". Ông lý giải rằng khi một cá nhân nghĩ mình không phải của một địa phương mà của toàn cõi đất nước, người ấy "có một đầu óc rộng mở, sẵn sàng đón nhận và suy nghĩ ở tầm mức cao, sẵn sàng tan hòa cái ta vào cái toàn thể".

Không phải ai cũng vui lòng quên quê hương nhỏ của mình mà nghĩ về quê hương với một ý nghĩa lớn lao, bao trùm hơn, nhưng Trịnh Công Sơn vượt qua được nhiều giới hạn. Do hoàn cảnh gia đình, từ bé nhạc sĩ họ Trịnh đã sinh sống nhiều nơi từ Daklak, rồi Huế, rồi Sài Gòn, và sau này là làm quen với Đà Lạt, với Hà Nội. "Những phương trời xa cách nhau, khác nhau nhiều mặt đã tạo cho anh một khả năng hòa hợp", Bửu Ý viết trong Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài.

Thi sĩ của tình yêu và hòa bình

Với Gerken, Trịnh Công Sơn là "con người đa diện", "kẻ du ca hát về quê hương, tình yêu và số phận con người", "thi sĩ của tình yêu và hòa bình", "một người có lương tâm vô cùng". Qua những ca khúc đề tài chiến tranh viết về "sự bất công, cái đau khổ về những mặt khốc liệt đến mức kinh khủng ở chiến trường cũng như về sự đau khổ của những người mất đi người yêu, người chồng và bạn bè của mình", Trịnh Công Sơn lên án kẻ gây ra chiến tranh bất công cho dân tộc Việt Nam mà không cần gọi tên trực tiếp hay nêu ra ai.

"Chính vì thế Trịnh Công Sơn đã trở thành biểu tượng của những người yêu nước, yêu hòa bình, của những sinh viên tham gia phong trào chống Mỹ và chế độ cũ", Gerken viết.

Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001) là nhạc sĩ, nhà thơ và họa sĩ, được biết đến là một trong những tên tuổi lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sinh tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, nhưng quê gốc ở huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.

Trịnh Công Sơn đã sáng tác hơn 600 ca khúc đa dạng chủ đề, về con người, tình yêu, tình bạn, lòng yêu đời... Trong đó những nhạc phẩm nổi tiếng của ông là Diễm xưa, Hạ trắng, Tuổi đá buồn, Gia tài của mẹ, Để gió cuốn đi... Âm nhạc của ông không chỉ phổ biến trong nước mà còn được biết đến rộng rãi trên thế giới, với khoảng 2 triệu băng đĩa nhạc đã bán ra tại Nhật Bản.

Tác giả John C. Schafer so sánh ông với tượng đài âm nhạc nước Mỹ trong các cuốn sách Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Một đối chiếu về tôn giáo, chiến tranh và tình yêuTrịnh Công Sơn và Bob Dylan - Như trăng và nguyệt? Năm 2019, Trịnh Công Sơn là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh thông qua Google Doodle.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/khuc-ca-hoa-binh-cua-trinh-cong-son-post1542381.html