Câu hỏi khó cho Mỹ

Nhiều nhà phân tích lâu nay cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không sẵn sàng đối thoại nghiêm túc chừng nào chưa hoàn thành tham vọng hạt nhân

Sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 hôm 29-11, Triều Tiên tuyên bố đã làm chủ khả năng tấn công hạt nhân và trở thành một quốc gia hạt nhân - một khẳng định lập tức đối mặt với nhiều nghi ngờ.

Thực tế khó khăn

Dù vậy, bằng cách chứng tỏ tên lửa mình có thể vươn tới bất kỳ đâu tại đại lục Mỹ - dù vẫn chưa rõ liệu nó có thể mang đầu đạn hạt nhân hay không - Bình Nhưỡng đã bước thêm một bước nữa đến mục tiêu nói trên.

Vụ thử tên lửa mới nhất cũng dấy lên một câu hỏi mà Mỹ và các đồng minh sớm muộn gì cũng phải trả lời: Phải chăng đã đến lúc chấp nhận thực tế rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận để ngăn kho vũ khí này phát triển hơn nữa? Mỹ cho đến giờ vẫn bác bỏ đề xuất của Nga và Trung Quốc, theo đó nước này và Hàn Quốc dừng tập trận chung để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân.

Thay vào đó, Washington vẫn tiếp tục duy trì chiến lược thúc đẩy cộng đồng quốc tế tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.

Điều này thể hiện rõ qua lời thúc giục mọi quốc gia cắt quan hệ ngoại giao, thương mại với Triều Tiên được bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau vụ thử hôm 29-11. Bà Haley cũng nói cứng rằng Mỹ không muốn xung đột vũ trang với Triều Tiên nhưng nếu chiến tranh xảy ra, Bình Nhưỡng sẽ bị "hủy diệt hoàn toàn".

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngưng cung cấp dầu cho Triều Tiên trong lúc Bộ Tài chính Mỹ đang soạn thảo những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng.

Nếu tuyên bố trên chính xác, theo tờ The New York Times, Triều Tiên về lý thuyết có thể hài lòng với việc trở thành nhà nước hạt nhân và dừng hoạt động nghiên cứu vũ khí ở đó, hứa hẹn dẫn đến cơ hội đối thoại. Giới chức Mỹ và nhiều nhà phân tích lâu nay cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không sẵn sàng đối thoại nghiêm túc chừng nào chưa hoàn thành tham vọng hạt nhân.

Theo họ, ông Kim Jong-un muốn Triều Tiên được công nhận là một cường quốc hạt nhân với mong muốn có thể thu về những nhượng bộ, như giảm trừng phạt, để đổi lấy việc đóng băng kho vũ khí hạt nhân.

Ảnh chụp tên lửa Hwasong-15 được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố hôm 30-11 Ảnh: REUTERS

Ảnh chụp tên lửa Hwasong-15 được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố hôm 30-11 Ảnh: REUTERS

Cơ hội đối thoại?

"Ông ta (Kim Jong-un) chọn cách tuyên bố chiến thắng, nghĩa là ông có thể dừng khiêu khích với kỳ vọng Trung Quốc hoặc Mỹ, sẽ có những đề xuất xuống thang căng thẳng, thay vì phi hạt nhân hóa" - ông Daniel R. Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á, nhận định với tờ The New York Times. Vì thế, giờ có thể là lúc chính quyền ông Donald Trump kiểm tra xem liệu có cơ hội nào cho đối thoại nghiêm túc với Triều Tiên hay không.

Dù vậy, về mặt chính trị, thật khó để Mỹ và các đồng minh chấp nhận đàm phán với Triều Tiên lúc này bởi điều này có nghĩa họ sẽ rời xa chính sách không phổ biến hạt nhân được thực thi trong nhiều thập kỷ qua, cũng như đe dọa khơi mào cuộc đua vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á.

Washington lâu nay vẫn đòi hỏi Bình Nhưỡng dỡ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân theo cách thức có thể xác minh được. Trong trường hợp đối thoại diễn ra, theo ông Russel, Bình Nhưỡng sẽ yêu cầu nới lỏng trừng phạt để đổi lấy cam kết bớt khiêu khích hơn.

Mặt khác, giới phân tích ở Hàn Quốc không tin Triều Tiên phát đi tín hiệu sẵn sàng thảo luận về chuyện đóng băng chương trình hạt nhân. Thay vào đó, họ cho rằng Bình Nhưỡng đang nói quá về năng lực tên lửa, hạt nhân để câu giờ và tiến hành thêm các vụ thử nhằm đạt được những gì mình muốn. "Với Bình Nhưỡng, việc leo thang khiêu khích, không phải nhượng bộ, mới là cách dỡ bỏ trừng phạt" - ông Lee Sung-yoon, chuyên gia tại Trường ĐH Tufts (Mỹ), nhận định và nói thêm Triều Tiên có thể hưởng lợi từ việc chọc giận Trung Quốc và Mỹ lúc này.

Việt Nam quan ngại

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 30-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam hết sức quan ngại trước việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày 29-11, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên; kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an và đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới, vì lợi ích của người dân".

D.Ngọc

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cau-hoi-kho-cho-my-20171130203009614.htm