Câu hỏi lớn sau vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ gây chấn động thế giới
Vụ bắt giữ Jack Teixeira, một binh nhất của Lực lượng Phòng không Quốc gia bang Massachusetts, hôm 13/4 làm dấy lên một cuộc tranh luận về quyền tiếp cận tài liệu mật ở Mỹ.
Tại sao một thành viên 21 tuổi của Vệ Binh Quốc gia Mỹ lại có quyền truy cập vào các tài liệu tuyệt mật, New York Times đặt câu hỏi.
Vụ bắt giữ kịch tính hôm 13/4 đối với Jack Teixeira, một binh nhất thuộc đơn vị tình báo của Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia bang Massachusetts, phản ánh số lượng lớn người có quyền tiếp cận một loạt tài liệu an ninh quốc gia mà chính phủ phân loại là tối mật.
Teixeira - nghi phạm chính trong vụ rò rỉ tài liệu mật - bị FBI bắt giữ ở Dighton, Massachusetts, vào hôm 13/4.
Từ các thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại các căn cứ ở Massachusetts, các tướng lĩnh tại trụ sở NATO ở Brussels cho đến các quan chức Mỹ trên khắp thế giới, rất nhiều người có quyền tiếp cận tài liệu tuyệt mật ở mức độ đặc biệt.
Với quyền này, họ có thể xem các cuộc họp giao ban tình báo hàng ngày, bản đồ tình hình và phân tích chi tiết về tình hình thế giới,... dưới góc nhìn của cộng đồng tình báo Mỹ.
Các thành viên quân đội Mỹ với quyền tiếp cận tài liệu tối mật bao gồm gần như tất cả trong số hơn 600 tướng lĩnh trong các quân chủng khác nhau.
Quá nhiều người có thể tiếp cận tài liệu tối mật
Tuy nhiên, quyền tiếp cận đó cũng mở rộng cho một số phụ tá quân sự của họ, nhiều đại tá làm việc trong Lầu Năm Góc, thuyền trưởng tàu hải quân, một loạt sĩ quan cấp thấp.
Thậm chí, trong trường hợp của Teixeira, những thành viên làm việc trong các đơn vị tình báo của quân đội cũng có thể tiếp cận.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết số người có quyền truy cập như vậy là hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng chục nghìn.
Ngay dưới họ, những người có quyền tiếp cận tài liệu mật bao gồm gần như tất cả nhân viên làm việc cho Lầu Năm Góc hoặc các cơ quan an ninh quốc gia khác. Nhà thầu quân sự và thậm chí cả một số nhà phân tích cho các tổ chức cố vấn cũng có thể tiếp cận một số tài liệu mật.
Vụ việc này đã đặt ra những câu hỏi lớn hơn về việc liệu thuật ngữ “tuyệt mật” có thực sự là bí mật hay không và liệu các cơ quan an ninh quốc gia có để cho quá nhiều người tiếp cận tài liệu nhạy cảm của họ.
“Rõ ràng là có quá nhiều người được tiếp cận với quá nhiều thông tin tuyệt mật” mà họ không cần biết, Evelyn Farkas, quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định.
Vào ngày 13/4, Lầu Năm Góc đã bối rối với khả năng kẻ gây rò rỉ tài liệu mật có thể không phải là các quan chức cấp cao phụ trách về tình báo quân sự và dữ liệu an ninh quốc gia nhạy cảm.
Thay vì tìm ra người tiết lộ thông tin trong văn phòng của Bộ Tham mưu Liên quân, giới chức Mỹ lại đột kích vào nhà của Teixeira.
Bà Farkas cho biết vụ bắt giữ Teixeira là lời cảnh báo cho những gì đang chờ đợi những kẻ lạm dụng thông tin mật.
Bên cạnh đó, trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Jack Reed, đảng viên Dân chủ và là Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang, nhận định “đây là một vi phạm an ninh lớn không thể được phép xảy ra lần nữa”.
“Bất kỳ ai có quyền tiếp cận tài liệu nhạy cảm phản bội đất nước của họ bằng cách cố ý xử lý sai tài liệu mật hoặc tiết lộ tài liệu mật đều phải chịu trách nhiệm”, ông nói thêm.
Câu hỏi lớn
Trong khi đó, một số quan chức quân đội lại ủng hộ thông lệ cấp quyền tiếp cận tài liệu nhạy cảm cho các thành viên quân đội bất kể tuổi tác của họ. Họ lập luận rằng nếu ai đó đủ tuổi để chết vì đất nước, họ cũng đủ lớn để được tin tưởng giao những bí mật của nó.
Giới chức an ninh quốc gia Mỹ nhận định vụ việc đã nhấn mạnh những điểm yếu và lỗ hổng trong quy trình cấp quyền tiếp cận tài liệu an ninh, mặc dù đã có những thay đổi kể từ vụ việc Edward J. Snowden, cựu nhà thầu tình báo Mỹ, làm rò rỉ nhiều thông tin mật.
“Những cải cách đó rõ ràng là không đủ hiệu quả”, Javed Ali, cựu quan chức chống khủng bố cấp cao của Mỹ, nhận định.
Mặc dù Teixeira chưa có nhiều thâm niên trong quân ngũ, anh lại có quyền truy cập vào thông tin tình báo được bảo mật cao, thông qua Hệ thống Liên lạc Tình báo chung Toàn cầu (JWICS) của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Hệ thống này cho phép Teixeira có thể xem được, và thậm chí in ra những tài liệu mật, dù có những chỉ dẫn để xử lý tài liệu theo luật định.
New York Times cho biết tới nay vẫn chưa rõ mức độ của quyền tiếp cận tài liệu nhạy cảm mà Teixeira có. Tuy nhiên, một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Teixeira, thuộc đơn vị tình báo 102 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts, có thể đã được tiếp cận với tài liệu tối mật.
Glenn Gerstell, cựu Tổng cố vấn của Cơ quan An ninh Quốc gia, đặt câu hỏi về việc tại sao một người ở cấp bậc tương đối thấp này lại có thể tiếp cận không chỉ một số bí mật quan trọng nhất của quốc gia, mà cả một lượng lớn như vậy. Và những tài liệu đó thậm chí còn không liên quan đến công việc của anh ta, ông nói thêm.
Hai thay đổi lớn trong cách xử lý thông tin tình báo trong quá khứ đã giúp tạo tiền đề cho những rò rỉ gần nhất.
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, các cơ quan tình báo bắt đầu chia sẻ tài liệu rộng rãi hơn trong chính phủ.
Sau thất bại trong đánh giá tình báo rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt, các cơ quan tình báo bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về nguồn thông tin và sự tin tưởng về độ tin cậy đối với tài liệu.
Ông Gerstell cho biết những thay đổi đó được thực hiện với những lý do chính đáng, nhưng chúng đã đi quá xa. Giờ đây, việc truy cập vào một số bí mật đã được áp dụng đối với số lượng người nhiều “đến mức khó tin”, ông cho biết.
Theo ông, họ đã cho quá nhiều người quyền truy cập tài liệu nhạy cảm “một cách thuận tiện và dễ dàng vì chúng tôi không bao giờ muốn ở vị trí phải nói rằng chúng tôi có thể đã ngăn chặn điều gì đó, giá như chúng tôi chia sẻ thông tin này”.
“Chúng tôi có nguyên tắc chỉ cung cấp thông tin trên cơ sở ‘cần biết’, nhưng trên thực tế, chúng tôi không thực sự tuân theo nguyên tắc đó”, ông nói.