Câu hỏi tiếng Anh kỳ thi đại học Hàn Quốc khiến sĩ tử đau đầu vì quá 'hack não'
Mới đây, hai câu hỏi trong đề thi môn tiếng Anh thuộc kỳ thi tuyển sinh đại học Hàn Quốc năm 2025 đã khiến mạng xã hội 'xôn xao' vì mức độ khó.
Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Hàn Quốc vốn nổi tiếng khắc nghiệt với tỷ lệ cạnh tranh cao và áp lực từ xã hội, các sĩ tử thường phải học tập không ngừng nghỉ, thậm chí hy sinh cả giấc ngủ và thời gian cá nhân. Đây không chỉ là kỳ thi tuyển sinh mà còn là “cuộc chiến” khốc liệt mang tính “sống còn” trên toàn quốc vì kết quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của mỗi sĩ tử.
Ngày 14/11 vừa qua, kỳ thi Đại học Quốc gia Hàn Quốc (CSAT) 2025 đã chính thức diễn ra với 6 bài thi bao gồm Quốc ngữ, Toán, tiếng Anh, Lịch sử Hàn Quốc, các môn phụ và ngoại ngữ thứ hai (gồm nhiều lựa chọn như tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Nhật,…).
Nhìn chung, tổng thể đề thi môn tiếng Anh năm nay có phần nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái nhưng lại vô tình “gây bão” với hai câu hỏi siêu khó khiến nhiều sĩ tử cũng phải bó tay. Ngay sau khi đề thi được công bố, câu 33 và câu 37 trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn học thuật vì “đọc đi đọc lại vẫn không chắc đáp án nào đúng”.
Cụ thể, câu 33 xoay quanh một đoạn văn về nền kinh tế chú ý (attention economy) - một khái niệm không phải ai cũng quen thuộc. Đọc qua thì tưởng dễ, nhưng loạt từ vựng “cao cấp” cùng các đáp án “na ná” nhau đã làm không ít sĩ tử bối rối. Đây là một dạng câu hỏi kiểm tra khả năng đọc hiểu toàn đoạn và tư duy phản biện - một kỹ năng khó mà “cày đề” trước có thể giúp ích.
Đáp án chính xác được đưa ra là câu (2) the real product being sold is you (Sản phẩm thực sự được bán chính là bạn). Câu hỏi này không chỉ yêu cầu học sinh phải hiểu rõ nghĩa toàn bài, mà còn đòi hỏi phải suy luận sâu sắc về ý nghĩa ẩn dụ. Rất nhiều thí sinh chia sẻ rằng họ dễ bị đánh lừa bởi các đáp án còn lại, vì đáp án nào cũng… có vẻ đúng nếu không đọc kỹ.
Nếu câu trên khiến các sĩ tử đau đầu vì từ vựng “đao to búa lớn”, thì câu 37 lại thử thách khả năng tư duy logic. Ở đây, thí sinh phải xếp lại thứ tự các đoạn văn để tạo thành một bài hoàn chỉnh. Nội dung bài viết nói về hành vi lây lan cảm xúc (emotional contagion) ở loài chim khi chúng phát hiện nguy hiểm.
Tuy nhiên, cấu trúc rời rạc của các đoạn văn khiến việc ghép nối trở nên rối rắm hơn bao giờ hết. Để ra được đáp án đúng là (3) (B) - (C) - (A), sĩ tử cần nắm bắt được logic và mối liên hệ giữa các đoạn.
Hiện nay, đề thi vẫn đang nhận về nhiều sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng dù kỳ thi đã kết thúc. Một số bình luận không kém phần “dí dỏm” của netizen:
- “Ghép xong ba đoạn văn mà tôi thấy như vừa giải mã xong một vụ án hóc búa trong phim trinh thám!”
- “Câu 33 và 37 chắc chắn là thử thách siêu cấp, nhưng ít nhất thì đề năm nay không đến mức khiến tôi muốn khóc giữa phòng thi như năm ngoái!”