Câu hỏi về chủ quyền công nghiệp của châu Âu

Quyết định mới đây của liên doanh Automotive Cells Company (ACC) hợp tác với một đối tác Trung Quốc nhằm giải cứu dây chuyền sản xuất pin tại Pháp đã làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Sản xuất pin lithium-ion tại doanh nghiệp ở châu Âu. Ảnh: NTU

Sản xuất pin lithium-ion tại doanh nghiệp ở châu Âu. Ảnh: NTU

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực xây dựng năng lực sản xuất pin – trụ cột chiến lược cho ngành công nghiệp ô tô điện, quyết định của liên doanh Automotive Cells Company (ACC) hợp tác với một đối tác Trung Quốc nhằm giải cứu dây chuyền sản xuất tại Pháp đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Đây là dấu hiệu của sự “thức tỉnh thực tế” hay là bước lùi trong tham vọng chủ quyền công nghiệp pin của châu lục này?

Theo báo La Tribune của Pháp, đối mặt với khó khăn trong dây chuyền sản xuất, nhà sản xuất pin ACC, sản phẩm liên doanh giữa các tập đoàn Stellantis, Mercedes-Benz và TotalEnergies trong lĩnh vực pin, thông báo đã hợp tác với một nhà sản xuất Trung Quốc có kinh nghiệm để tăng tốc độ vận hành siêu nhà máy (gigafactory) tại Pas-de-Calais.

Thông tin được Giám đốc điều hành ACC, ông Yann Vincent, chia sẻ tại sự kiện Batteries Event ở Dunkerque: “Chúng tôi đã thiết lập một quan hệ đối tác với một nhà sản xuất pin Trung Quốc để hỗ trợ tăng tốc độ sản xuất”. Thông tin này đề cập đến siêu nhà máy tại Billy-Berclau (Pas-de-Calais), chuyên sản xuất pin lithium-ion. Đây là nhà máy biểu tượng cho nỗ lực tự chủ về công nghệ pin của châu Âu. Trước câu hỏi về khả năng cạnh tranh của ngành pin châu Âu so với các đối thủ châu Á, ông Vincent trả lời ngắn gọn nhưng đầy hàm ý: “Hãy nhờ những người giỏi nhất giúp đỡ”.

Mặc dù ACC từ chối tiết lộ tên đối tác Trung Quốc và khẳng định đó không phải là nhà sản xuất pin hàng đầu CATL – đối tác cung cấp pin LFP cho Stellantis – song việc mở cửa cho một doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu vào dây chuyền sản xuất vẫn khiến dư luận châu Âu lo ngại. Đây có thực sự là hỗ trợ kỹ thuật thuần túy hay là dấu hiệu của một sự lệ thuộc mới?

Ông Mathieu Hubert, Tổng Thư ký ACC nói: “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn học hỏi” và “trong giai đoạn dài và khó khăn hơn dự kiến này, sự hỗ trợ từ một đối tác giàu kinh nghiệm có thể giúp ích”.

Ngoài hợp tác chính thức, công ty còn cho biết có một số cựu nhân viên của các “ông lớn” châu Á như CATL, BYD và Samsung đang làm việc tại gigafactory.

Khoảng cách thực tế giữa các đối tác

Theo tiết lộ từ nguồn tin nội bộ, gigafactory đang đối mặt với tỷ lệ lỗi rất cao ở hai công đoạn then chốt trong quy tình sản xuất pin lithium-ion: phủ vật liệu và cán mỏng. Đây là những công đoạn có độ chính xác cực cao. Công đoạn đầu tiên yêu cầu phủ lớp vật liệu lên lớp foil nhôm mỏng chỉ 6 micron – mỏng hơn 10 lần so với lá nhôm thông thường. Sau đó, lớp phủ này được nén và nung nóng bằng các trục cán.

Một nguồn tin cho biết sản lượng hiện tại của nhà máy chỉ bằng 1/30 công suất dự kiến, khiến dây chuyền vận hành “trong một tháng chỉ sản xuất được lượng pin lẽ ra phải hoàn tất trong một ngày”. ACC phủ nhận con số này và tuyên bố vẫn đang đáp ứng được các đơn hàng cho Stellantis, đồng thời đặt mục tiêu tăng sản lượng gấp 20 lần vào cuối năm 2025.

“ACC là nhà sản xuất đầu tiên ở châu Âu cung cấp pin ‘made in France’ cho xe điện sản xuất hàng loạt”, ông Hubert nhấn mạnh, đề cập đến các mẫu xe Opel Grandland và Peugeot 3008.

Tuy nhiên, ACC đã buộc phải điều chỉnh mạnh mẽ kỳ vọng: thay vì 100.000 bộ pin như kế hoạch ban đầu cho năm 2025, mục tiêu hiện chỉ là 50.000 bộ – tương đương sản lượng trang bị cho 50.000 xe điện. Năm 2024, con số này chỉ là 3.000 xe. Trong khi đó, mục tiêu dài hạn của nhà máy là đạt công suất 800.000 bộ pin/năm.

Với nhiều chuyên gia, những khó khăn này không có gì bất ngờ và phản ánh tình trạng chung của cả ngành. Theo một chuyên gia trong ngành, tỷ lệ lỗi trong sản xuất pin ở Pháp lên tới 80%, so với mức 50% ở Hàn Quốc và chỉ 5% ở Trung Quốc. Đó là khoảng cách của một thập kỷ kinh nghiệm và kỹ thuật.

Khi châu Âu vẫn chỉ là “học trò” trên sân chơi pin toàn cầu

“Người châu Âu vẫn là học trò, còn người châu Á là thầy giáo”, một lãnh đạo ACC thừa nhận thẳng thắn. Sự thật này phần nào lý giải việc công ty tuyển dụng nhiều cựu kỹ sư từ các tập đoàn lớn như CATL, BYD hay Samsung để củng cố năng lực kỹ thuật nội bộ.

Về phía Chính phủ Pháp, một quan chức Bộ Công nghiệp thừa nhận: “Không có gì đáng ngạc nhiên nếu việc hợp tác này mang lại lợi ích về việc làm và kỹ năng”. Nhưng đằng sau sự công nhận ấy là một dấu hỏi lớn về chiến lược dài hạn: liệu châu Âu đang tự xây dựng năng lực, hay đang hình thành một sự phụ thuộc kiểu mới.

Chiến lược đào tạo và chuyển giao công nghệ: Mắt xích yếu nhất

Theo ông Ludovic Leroy – giảng viên tại IFP Training, chương trình đào tạo nhân lực cho ngành pin hiện nay của châu Âu còn quá sơ sài, chủ yếu là các khóa ngắn hạn cho người lao động quay lại thị trường, thiếu chiều sâu kỹ thuật và kiến thức hệ thống. Điều này khiến các kỹ thuật viên khó có thể làm chủ được dây chuyền phức tạp và hiện đại, vốn chủ yếu được cung cấp bởi các nhà sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Leroy nhấn mạnh: “Tại nhiều nhà máy, các chuyên gia đến từ châu Á điều khiển thiết bị, còn kỹ sư châu Âu chỉ đứng quan sát vì không hiểu rõ quy trình. Rào cản ngôn ngữ và văn hóa khiến việc chuyển giao công nghệ trở nên khó khăn và thiếu hiệu quả”.

Hiện chuyên gia này đang nỗ lực để IFP Training trở thành bên trung gian hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho gigafactory. Ông lý giải, việc chuyển giao cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo cả về hiệu suất và an ninh thông tin, bởi một số máy móc có thể bị điều khiển từ xa bởi nhà sản xuất.

Câu hỏi về chủ quyền công nghiệp và nguy cơ tụt hậu

Việc ACC bất ngờ hủy kế hoạch xây dựng nhà máy tại Đức và Italy trong bối cảnh nhu cầu xe điện sụt giảm, cùng với thông báo cắt giảm nhân sự hành chính vào tháng 3/2025, càng củng cố thêm mối lo ngại về sự bền vững của chiến lược pin châu Âu.

Ủy ban châu Âu (EC) từng công bố gói hỗ trợ 1,8 tỷ euro (2,04 tỷ USD) cho ngành pin, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ này đến quá muộn so với tốc độ phát triển và áp lực cạnh tranh toàn cầu. “Để nhận được trợ giúp, trước hết chúng tôi phải sống sót”, ACC cảnh báo.

Câu hỏi đặt ra là: liệu châu Âu có thể duy trì tham vọng về chủ quyền công nghiệp trong một lĩnh vực mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã đi trước cả thập kỷ, hay sẽ phải tiếp tục học hỏi trong thế bị động và phụ thuộc?

Đào Dũng (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cau-hoi-ve-chu-quyen-cong-nghiep-cua-chau-au/369727.html