Câu hỏi về sự chi phối của tiền kho bạc tới thanh khoản thị trườngCâu hỏi về sự chi phối của tiền kho bạc tới thanh khoản thị trường
Nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) từ nhiều năm qua đã và đang chi phối thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tác động của nó tới thị trường thậm chí còn mạnh hơn khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai hút ròng nội tệ qua kênh tín phiếu kể từ năm 2016. Quy định mới về các loại tiền gửi của KBNN sẽ có thể tháo gỡ sự lệch pha giữa tài khóa và tiền tệ, song vẫn còn nhiều câu hỏi về tác động của khoản tiền này tới thanh khoản thị trường liên ngân hàng.
Không còn khoản tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc
Bộ Tài chính đã ban hành liên tiếp hai thông tư quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại ngân hàng thương mại (NHTM), gồm Thông tư 58 và Thông tư 64. Hai thông tư này sẽ hiệu chỉnh đáng kể hệ thống tiền gửi của KBNN tại NHTM sau khi chứng kiến sự trồi sụt thanh khoản liên ngân hàng những năm qua gắn liền với biến động từ các khoản tiền gửi này.
Thông tư 58 quy định các khoản tiền gửi không kỳ hạn của các đơn vị KBNN và KBNN trung ương, với mục đích chuyên thu hay thanh toán các khoản chi của ngân quỹ nhà nước, sẽ được điều về Sở Giao dịch NHNN vào cuối ngày. Như vậy, thay vì để số dư tại tài khoản thanh toán trên NHTM thì kho bạc sẽ điều hết khoản tiền này về Sở Giao dịch NHNN hàng ngày. Các khoản tiền gửi không kỳ hạn có thể vẫn đi qua hệ thống NHTM, song sẽ không duy trì quá một ngày. Thêm vào đó, với sự biến động mạnh từ các khoản thu, chi ngân sách, thì việc NHTM sử dụng khoản tiền gửi này nhằm mục đích dự trữ hay đầu tư sinh lời là điều không thể.
Với Thông tư 64 quy định về các khoản tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại các NHTM, có thể thấy lượng vốn nhàn rỗi của ngân quỹ nhà nước sẽ tiếp tục ở lại NHTM nhưng với một quy định cụ thể, minh bạch hơn về kỳ hạn, lãi suất và khối lượng. Theo đó, KBNN sẽ gửi văn bản tới các ngân hàng về việc gửi tiền có kỳ hạn tới các NHTM đủ điều kiện về quy mô tổng tài sản, chất lượng tín dụng, tăng trưởng lợi nhuận,... Sau đó, NHTM nằm trong danh sách sẽ thực hiện chào lãi suất và kỳ hạn tiền gửi cho KBNN. Các kỳ hạn gồm 1, 2, 3 tháng và KBNN căn cứ vào mức lãi suất NHTM chào để đưa ra khối lượng tiền gửi, kỳ hạn gửi tiền tới các ngân hàng.
Như vậy, điều này sẽ làm các khoản tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại NHTM trở nên minh bạch, rõ ràng hơn. Thị trường sẽ nắm được lịch đáo hạn các khoản tiền gửi, đồng thời có phản ứng phòng vệ thanh khoản tốt hơn khi các khoản tiền gửi này chuẩn bị đáo hạn.
Nhưng thanh khoản vẫn phụ thuộc vào tiền gửi của Kho bạc
Nhìn lại bảng cân đối kế toán quí 3-2019 của những ngân hàng gốc quốc doanh, nhóm ngân hàng chính KBNN gửi tiền, tổng lượng tiền gửi của KBNN là gần 260.000 tỉ đồng, trong đó ước tính lượng tiền gửi có kỳ hạn vào khoảng 200.000 tỉ đồng. Con số này gấp khoảng 2,5-4 lần lượng tiền mà NHNN hút ròng qua phát hành tín phiếu trong một tuần. Nó cũng bằng lượng nội tệ mà NHNN bơm ra thị trường qua mua ngoại tệ trong nhiều tháng liên tiếp. Điều này có nghĩa là, khi số dư tiền gửi này biến động, ngay cả khi thị trường biết trước điều đó thì cũng rất khó để NHNN bơm tiền củng cố thanh khoản cho hệ thống ngay lập tức và thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến lãi suất tăng mạnh. NHNN sẽ phải bơm tiền qua thị trường mở và chấp nhận mức lãi suất neo cao, điều mà nhà điều hành không hề muốn.
Thêm một vấn đề nữa, hiện tại giải ngân đầu tư công đang tắc nghẽn nên ngân sách có xu hướng thặng dư. Chính phủ đang có động thái chỉ đạo tháo gỡ và đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, nên xu thế trong tương lai, ngân sách sẽ trở lại thâm hụt. Điều này có thể khiến lượng tiền gửi của KBNN giảm sút để bù đắp cho phần giải ngân đầu tư công tăng. Nếu thâm hụt tiếp tục gia tăng, việc phát hành trái phiếu chính phủ, mà NHTM là chủ thể mua trái phiếu này nhiều nhất, sẽ mở rộng. Tiền gửi suy giảm cùng với nguồn vốn bị rút về KBNN thông qua mua trái phiếu sẽ khiến thanh khoản hệ thống eo hẹp một cách nhanh chóng.
Chưa kể tới, theo quy định tại Thông tư 64 thì NHTM sẽ chuyển toàn bộ tiền gốc và lãi vào tài khoản của KBNN vào ngày đáo hạn, hay KBNN rút trước hạn để bù đắp ngân quỹ nhà nước thiếu hụt tạm thời, điều này khiến thanh khoản ngân hàng trồi sụt bất ngờ.
Đã có những thay đổi cụ thể trong quy định về các khoản tiền gửi của KBNN để hạn chế tầm ảnh hưởng của nó tới thanh khoản hệ thống. Đáng chú ý là loại bỏ được ảnh hưởng của các khoản tiền gửi không kỳ hạn tới sự ổn định thanh khoản, song số dư các khoản tiền gửi này tại ngân hàng thương mại không lớn.
Như vậy, có thể thấy thanh khoản của NHTM sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tiền gửi có kỳ hạn tương đối lớn của KBNN trong thời gian tới. Và có lẽ ngoài các thông tư đã ban hành vừa qua, NHNN và Bộ Tài chính cần có thêm sự phối hợp để đảm bảo sự “ăn khớp” giữa tài khóa và tiền tệ, nhằm duy trì ổn định lãi suất và thanh khoản liên ngân hàng. Bởi lẽ, nếu thanh khoản ngân hàng sụt giảm thì KBNN cũng sẽ khó khăn hơn trong việc tìm đối tác mua trái phiếu chính phủ.
NHNN cũng có thể tính tới chuyện điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ để bơm thanh khoản kịp thời cho hệ thống khi cần. Ví dụ, có thể tính tới việc giảm thêm lãi suất NHNN cho vay qua kênh mua kỳ hạn giấy tờ có giá (lãi suất repo) để thu hẹp độ chênh giữa lãi suất tín phiếu và lãi suất repo trên thị trường mở nhằm hạn chế sự biến động lãi suất đột ngột, kiềm chế lãi suất trong thời kỳ thanh khoản căng thẳng, đồng thời duy trì lãi suất thấp trong giai đoạn thanh khoản dư thừa.
Tuy nhiên, hạ lãi suất repo liên quan nhiều tới mục tiêu lạm phát. Nếu lãi suất repo không chênh nhiều so với lãi suất tín phiếu, NHTM có thể tăng sử dụng vốn vay liên ngân hàng để đầu tư, hay cho vay lại trên thị trường 1 (cho cá nhân, tổ chức kinh tế vay) với lãi suất cao hơn, do họ hoàn toàn có thể vay NHNN với lãi suất repo thấp. Thanh khoản trở nên eo hẹp và NHTM sẽ vay NHNN nhiều hơn. Việc này có thể coi là vay NHNN để kinh doanh, chứ không dừng lại ở bù đắp thiếu hút thanh khoản. Hệ lụy là cung tiền tăng cao gây áp lực cho lạm phát.
Tuy nhiên việc giảm thêm 0,25 điểm phần trăm lãi suất repo trong bối cảnh chính sách tiền tệ thế giới vẫn thiên về nới lỏng như hiện nay hoàn toàn có thể cân nhắc, bởi lẽ repo vẫn là kênh bơm vốn chủ động nhất của NHNN so với kênh tỷ giá và tín phiếu, trong khi dự trữ bắt buộc là phương án quá mạnh.
Về phía NHTM, có lẽ cần giảm lệ thuộc vào nhóm ngân hàng có tiền gửi của KBNN và phát triển thị trường mua kỳ hạn các loại giấy tờ có giá liên ngân hàng để đa dạng hóa nguồn cung vốn.
Phạm Long