Câu lạc bộ bài chòi: Gắn kết đam mê, giữ gìn di sản
Sự biến động của đời sống đương đại đã làm cho loại hình nghệ thuật bài chòi có nguy cơ bị mai một. Để giữ gìn nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, nhiều địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thành lập câu lạc bộ (CLB) bài chòi. Những lời ca mượt mà, thấm đẫm tình quê, gắn kết yêu thương đang được giữ gìn bởi những người tâm huyết, đã và đang trao truyền đến thế hệ trẻ.Trao truyền cho thế hệ trẻ
Tạo sân chơi bổ ích
Mới đây, nhân dịp đầu năm mới, huyện Nghĩa Hành đã thành lập CLB dân ca bài chòi, với gần 30 thành viên tham gia. Câu lạc bộ ra đời đã góp phần kết nối những người có cùng đam mê, tâm huyết với bài chòi để tạo sân chơi bổ ích. Các thành viên đã tham gia biểu diễn nhiều tiết mục dân ca bài chòi đặc sắc đầu xuân mới thu hút sự quan tâm của công chúng.
Các thành viên Câu lạc bộ dân ca bài chòi huyện Nghĩa Hành tham gia biểu diễn. Ảnh: KIM NGÂN
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết: "Huyện Nghĩa Hành là địa phương thứ 5 thành lập CLB bài chòi. Đây là mong mỏi của chính quyền và nhân dân, nhằm góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thành lập các nhóm nhỏ tại một số xã để duy trì, phát triển hoạt động bài chòi ở địa phương. Đồng thời tổ chức cho các nghệ nhân bài chòi tham gia trình diễn thông qua cuộc thi, liên hoan dân ca; phát động rộng rãi phong trào sáng tác, đặt lời mới cho bài chòi...”.
Nông dân Mai Văn Thuận, ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) chia sẻ: “Vốn đam mê bài chòi từ bé, nên tôi đăng ký tham gia sinh hoạt CLB để ca hát và truyền dạy lại cho lớp trẻ để giữ gìn cái hay, cái đẹp của bài chòi”.
Theo Chủ nhiệm CLB dân ca bài chòi huyện Nghĩa Hành Nguyễn Vĩnh Phúc, các thành viên trong CLB mỗi người mỗi công việc, nhiều độ tuổi, trong đó có nhiều nông dân, nhưng tất cả có điểm chung là đam mê hát bài chòi. “Chúng tôi sẽ sinh hoạt CLB định kỳ và thường xuyên mở lớp để truyền dạy và tổ chức các chương trình biểu diễn để tạo sân chơi cho mọi người cùng tham gia trổ tài, phát huy năng khiếu và tìm kiếm, phát hiện thêm các nhân tố mới để phát triển phong trào tại các xã, thị trấn”, ông Phúc nói.
Chung tay giữ gìn
Tại huyện Mộ Ðức, sau 2 năm thành lập, CLB đã trở thành nơi gắn kết 57 thành viên. Ðây chính là lực lượng nòng cốt tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, góp phần giữ gìn và truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật bài chòi đến với công chúng, nhất là giới trẻ. Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Mộ Ðức Võ Việt Cường, để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện đã mở các lớp truyền dạy hát, cách thức tổ chức chơi bài chòi cho người dân trên địa bàn huyện.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, là giáo viên âm nhạc Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức), đã gắn bó với CLB bài chòi từ ngày đầu thành lập. Chị Hằng chia sẻ: “Tôi vốn đam mê bài chòi nên việc tham gia sinh hoạt CLB thời gian qua thực sự là cầu nối giúp tôi giao lưu với các thành viên có cùng đam mê. Mới đây, tôi cũng đã thành lập CLB bài chòi tại Trường THCS Nguyễn Trãi, để truyền đam mê cho học sinh, góp phần giữ gìn bài chòi”.
Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phan Ðình Ðộ cho biết: Sở VH-TT&DL hiện đã xây dựng Ðề án Bảo tồn và phát huy di sản bài chòi Quảng Ngãi trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tập trung nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá tổng thể giá trị di sản Bài Chòi để phát hành rộng rãi đến công chúng; đào tạo những giáo viên dạy âm nhạc, người có năng khiếu ca hát thành hạt nhân hát bài chòi; hình thành và phát triển thêm các đội, nhóm, CLB hát bài chòi ở các địa phương, gắn kết nghệ thuật này với phát triển du lịch. Ngoài ra, sẽ tổ chức truyền dạy bài chòi trong trường học thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy âm nhạc...