Câu lạc bộ Nộc Khảm khắc thị trấn Na Sầm: Góp phần lan tỏa phong trào hát then, đàn tính trong cộng đồng
'Câu lạc bộ (CLB) Nộc Khảm khắc thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng là một trong những lá cờ đầu trong số các CLB của Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn. Không chỉ có đóng góp quan trọng trong bảo tồn dân ca tại cơ sở mà các thành viên CLB còn tích cực trong công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng'- Đó là nhận xét của ông Phùng Văn Muộn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn.
CLB Nộc Khảm khắc thị trấn Na Sầm được thành lập ngày 1/8/2014 theo quyết định thành lập của Hội Bảo tồn dân ca tỉnh, duy trì đến nay với trên 20 hội viên ở các độ tuổi (từ 12 đến 75 tuổi).
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Thúy, Chủ nhiệm CLB Nộc Khảm Khắc thị trấn Na Sầm cho biết: Trong tiếng Tày tên gọi của CLB mang ý nghĩa là tên một loài chim. Loài chim này có tiếng kêu “Khảm khắc” thường sống trên núi cao và có tiếng hót lảnh lót vang xa. Tựa như những chú chim Khảm khắc, các thành viên CLB sẽ thể hiện những lời ca, tiếng hát hay và ý nghĩa, góp phần tích cực vào việc gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bằng tình yêu mãnh liệt với then, đàn tính, mỗi thành viên trong CLB đều nỗ lực vượt khó khăn, trở ngại ban đầu để học cách chơi đàn, học hát. Đến nay, các thành viên CLB đều biết đánh đàn tính, hát then... và ai cũng “chắc tay đàn, ngọt giọng hát”.
Tại CLB, kể từ năm 2016 đến nay, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Thúy vừa là chủ nhiệm, vừa là người trực tiếp truyền dạy các bài then cho hội viên CLB. Đồng thời, bà còn sáng tác gần 20 bài then lời mới dựa trên các làn điệu then với đề tài ca ngợi quê hương Văn Lãng, điển hình như bài: Văn Lãng quê em, Hội hồng vành khuyên, Mái trường PTTH Hội Hoan, Văn Lãng tươi đẹp… Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Thúy còn trực tiếp dàn dựng các tiết mục tham gia biểu diễn. Tính đến nay, hội viên CLB có thể biểu diễn gần 200 bài then, sli, lượn, phong slư, múa chầu.
Bà Lê Thị Minh Khôi, hội viên CLB Nộc Khảm khắc thị trấn Na Sầm cho biết: Tôi là một trong những thành viên đầu tiên của CLB. Khi mới tham gia, tôi rất bỡ ngỡ vì lần đầu cầm đàn, hát then. Tôi cũng như các hội viên với niềm đam mê của mình luôn chăm chỉ rèn luyện, cố gắng, đến nay, chúng tôi đều thuần thục cách đánh đàn và hát một số làn điệu, tự tin tham gia biểu diễn ở nhiều sân khấu trong và ngoài tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, CLB đã tham gia biểu diễn gần 400 chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của thị trấn, của huyện và các chương trình giao lưu, hội diễn, hội thi trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tại hầu hết các hội thi, hội diễn, CLB đều có tiết mục đạt giải cao, tiêu biểu như: "Hợp tác bản em" đạt giải A tại Liên hoan các CLB văn nghệ quần chúng tỉnh năm 2014; giải A Liên hoan hát then, hát dân ca lần thứ nhất huyện Văn Lãng năm 2018; tiết mục "Khẩu tu mè mụ" đạt giải A Liên hoan hát then, đàn tính các CLB tỉnh mở rộng lần thứ nhất năm 2019; trích đoạn "Lễ cầu bjóc" đạt giải nhất tại Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất năm 2020...
Cùng với đó, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên phối hợp với CLB thực hiện quay trên 30 chương trình trình ca nhạc dân tộc, học hát dân ca trên sóng truyền hình. Ngoài ra, các tiết mục của CLB còn được những người yêu dân ca quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội và được nhiều người biết đến.
Bà Nông Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện Văn Lãng cho biết: CLB Nộc Khảm khắc thị trấn Na Sầm là CLB văn hóa văn nghệ đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện. Trong quá trình hoạt động, CLB luôn có sự phát triển, đổi mới về nội dung, hình thức biểu diễn. Thời gian qua, với CLB thường xuyên tham gia biểu diễn trong các sự kiện phục vụ các nhiệm vụ chính trị, lễ hội truyền thống của huyện, đại diện cho huyện tham gia nhiều hội thi, hội diễn và đạt thành tích cao.
Với những đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn và gìn giữ các làn điệu dân ca, các thành viên và tập thể CLB nhiều lần được các cấp, ngành ghi nhận và tặng bằng khen, giấy khen.