Câu lạc bộ STEM kích hoạt ý tưởng sáng tạo của học trò
Hiện nay, các trường học đang tích cực đẩy mạnh xây dựng câu lạc bộ STEM để học sinh có môi trường ứng dụng lý thuyết vào thực hành...
Đặc biệt, qua câu lạc bộ này, các em cũng tìm thấy khả năng nghiên cứu, phát triển các ý tưởng của mình cùng với sự hỗ trợ, cố vấn của thầy cô.
Cùng kiến tạo môi trường sáng tạo
Với mong muốn sau mỗi giờ học học trò có môi trường thực hành thuận lợi để thỏa thích nghiên cứu cũng như biến các ý tưởng của mình thành sản phẩm, thầy Nguyễn Công Minh - giáo viên môn Toán, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) đã đề xuất nhà trường thành lập câu lạc bộ STEM.
Thầy Minh chia sẻ: “Câu lạc bộ sẽ là môi trường giúp học trò được học tập trải nghiệm, thực hành kiến thức các môn học và rèn luyện kỹ năng phối hợp khi làm việc nhóm. Qua đó, học sinh sẽ cảm nhận, tự khám phá được điều mình thích, đam mê và hiểu, dần dần hình dung để hướng tới những nghề nghiệp có liên quan”.
Còn theo cô Trần Minh Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội): “Thông qua các hoạt động tại câu lạc bộ STEM, học sinh được học tập nâng cao trình độ, bước đầu bắt tay triển khai các dự án nghiên cứu, tìm hiểu ngành nghề thuộc lĩnh vực STEM.
Đặc biệt, học trò có môi trường thực hành thuần thục kỹ năng các thí nghiệm trong sách giáo khoa, phát triển những kỹ năng - kiến thức một cách sáng tạo không còn đơn thuần là các tiết học chay trên lớp, qua đó thúc đẩy trí tưởng tượng, tiếp sức cho nguồn cảm hứng để đưa ra giải pháp cho các vấn đề trong đời sống”.
Cô Tuyết cũng cho rằng, khi tham gia câu lạc bộ STEM thì dù ở lứa tuổi nào, học trò cũng được trải nghiệm phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”. Với định hướng giảm tải lý thuyết, các hoạt động của câu lạc bộ được thiết kế chủ yếu tập trung vào ứng dụng, mô hình STEM, nhờ đó tạo ra một sân chơi trí thức đúng nghĩa cũng như nâng cao hiệu quả định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Để câu lạc bộ STEM hoạt động hiệu quả, Trường THPT Xuân Phương đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, phòng trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện khung thời gian hợp lý để nhiều học sinh được tham gia hoạt động. Nhà trường phân công thầy giáo dạy môn Công nghệ và thầy giáo dạy môn Tin học cùng phụ trách câu lạc bộ, các thầy sẽ giúp nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể theo tuần, học kỳ, năm học.
“Các em được khuyến khích sáng tạo thường xuyên trong quá trình học và có những chuyên đề chuyên sâu do chuyên gia hướng dẫn. Lịch hoạt động được Ban giám hiệu nhà trường phê duyệt và kiểm tra, giám sát và các kết quả các em đạt được sẽ được ghi nhận, đánh giá và khen ngợi động viên. Hiện tại, các thành viên đăng ký tham gia ngày càng đông lên theo các năm học”, cô Tuyết cho biết.
Ở Trường THPT Xuân Phương, giáo viên tham gia vào câu lạc bộ có vai trò là người định hướng và tạo điều kiện để học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Các thầy cô là hạt nhân tạo động lực và niềm tin cho học sinh, kết nối học sinh đến với các lĩnh vực mà các em yêu thích, truyền cảm hứng sáng tạo. Sự đồng hành, tương tác và gắn kết này diễn ra từ lúc bắt đầu cho đến khi các em tạo ra được các sản phẩm như mong đợi, góp phần khơi gợi trong các em khát vọng được tìm kiếm, được nỗ lực, được cống hiến nhiều sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.
STEM kích hoạt phát triển tư duy tích hợp
Theo TS Phạm Ngọc Anh Huy - Phó Tổng Giám đốc Phenikaa School (Hà Nội): “Bản chất của STEM là giúp học trò phát triển năng lực tiếp cận khoa học và tư duy liên môn tích hợp và truyền cảm hứng trong học tập, giúp các em thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức với các vấn đề thực tế.
Các câu lạc bộ STEM trong trường là nơi các em được sáng tạo, tiếp cận, trải nghiệm các vấn đề, lĩnh vực khác nhau. Mô hình hoạt động này giúp các bạn trẻ hiểu biết hơn về công nghệ, đồng thời hiểu sâu hơn các khái niệm về khoa học, công nghệ và hiểu được cách mà môn học mở ra cánh cửa sự nghiệp tương lai”.
Đánh giá cao về giáo dục STEM trong trường học, nhiều năm qua ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT Văn Quan (Lạng Sơn) đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị xây dựng các câu lạc bộ trong đó có STEM Robotics. Các câu lạc bộ này mỗi tháng sẽ xây dựng hai chủ đề cụ thể cho học sinh đăng ký tham gia.
Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT Văn Quan, cho biết: “Chúng tôi còn ban hành văn bản đôn đốc các đơn vị đầu tư, chuẩn bị cho các cuộc thi trong năm học ngay từ tháng 8, trong đó có Hội thi giao lưu câu lạc bộ STEM giữa các cơ sở hoặc cụm trường nhằm thúc đẩy niềm đam mê khoa học, phát triển được phẩm chất năng lực sáng tạo cá nhân của học sinh.
Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh phong trào dạy học STEM và có những bài giảng, sản phẩm STEM chất lượng. Các nhà trường triển khai tổ chức ngày hội STEM, hội thảo STEM giữa các lớp. Đây là cơ hội để giáo viên, học sinh có thể tập trung trí tuệ, đầu tư cho sản phẩm dự thi, được thể hiện khả năng của mình. Các câu lạc bộ STEM trong nhà trường nhờ đi đúng hướng nên đã thu hút được nhiều học sinh tham gia.
“Giáo dục STEM có thể hiểu là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, không nặng tính lý thuyết mà thiên về vận dụng, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Thay vì học các lĩnh vực tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp thành một mô hình học tập gắn kết, được học theo chủ đề, dự án”, TS Phạm Ngọc Anh Huy - Phó Tổng Giám đốc Phenikaa School nhận định.