Câu lạc bộ Tiếng Việt - nơi gắn kết tình bạn đẹp của sinh viên Việt - Lào

Không chỉ là nơi rèn luyện tiếng Việt, câu lạc bộ Tiếng Việt QNU (thuộc Hội Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn) còn là cầu nối gắn kết tình bạn đẹp giữa sinh viên hai nước Việt - Lào; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sẻ chia trong sáng, chân thành của sinh viên hai nước.

Vui học tiếng Việt

Thành lập vào tháng 3-2025, câu lạc bộ Tiếng Việt QNU (CLB) hiện là “mái nhà” của khoảng 80 sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Quy Nhơn. Trong đó, nhiều bạn vừa mới sang Việt Nam, đang trong giai đoạn học tiếng Việt và chưa được phân ngành học cụ thể. Nhằm hỗ trợ các bạn làm quen nhanh hơn với tiếng Việt và môi trường sống, từ đầu tháng 6-2025, CLB đã tổ chức lớp học tiếng Việt định kỳ vào tối thứ Tư hằng tuần.

Mỗi buổi học kéo dài hơn 60 phút với hơn 20 sinh viên Lào tham gia. Để hỗ trợ tốt hơn, mỗi nhóm nhỏ 4-5 bạn Lào sẽ có 1 bạn Việt hoặc 1 bạn Lào có vốn tiếng Việt tốt hơn theo sát hỗ trợ, cùng luyện tập và giải thích những nội dung chưa hiểu rõ.

Không khí lớp luôn rộn ràng, sôi nổi, bởi đội ngũ hướng dẫn đã sáng tạo những cách làm vui nhộn để khích lệ tinh thần học tập cho các bạn Lào. Chẳng hạn, nếu xung phong trả lời câu khó, phát biểu tự tin, các bạn Lào sẽ được tặng 1-2 dấu tích, đủ số lượng dấu, người học có thể đổi lấy những phần quà nho nhỏ; hoặc đôi khi, đó là “phần quà bí mật” được giấu trong lớp học, đợi các bạn Lào khám phá vào cuối buổi…

 Sinh viên Lào phấn khởi "khoe" những dấu tích để đổi quà. Ảnh: D.L

Sinh viên Lào phấn khởi "khoe" những dấu tích để đổi quà. Ảnh: D.L

Buổi học gần đây nhất vào tối 16-7 với chủ đề “Một vòng Việt Nam” đã để lại nhiều ấn tượng. Mở đầu, các bạn được xem clip giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Đà Lạt - thành phố ngàn hoa, Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới

Sau đó, các lớp luyện phát âm, học viết tên các địa danh, tham gia trò chơi “Con số may mắn” để ghi nhớ thông tin và luyện kỹ năng nghe, nói. Có bạn đọc nhầm tên địa danh, cả lớp lại vỗ tay cổ vũ. Sự động viên đó đã giúp những người bạn Lào dần tự tin hơn, không ngại xung phong phát biểu.

 Sinh viên Lào hào hứng xung phong phát biểu. Ảnh: D.L

Sinh viên Lào hào hứng xung phong phát biểu. Ảnh: D.L

Không chỉ là nơi học tiếng Việt, lớp học còn là “bước đệm” để sinh viên Lào mới đến Việt Nam bớt bỡ ngỡ, quen dần với việc thay đổi môi trường sống, kết nối thêm bạn bè mới và vơi đi nỗi nhớ nhà. Trong giờ giải lao, các bạn hay rủ nhau chụp ảnh, nghe nhạc cả 2 nước, kể chuyện quê hương bằng những từ ngữ đơn giản. Chính những phút giây ấy đã nuôi dưỡng tình bạn không khoảng cách.

 Không giới hạn bởi nội lớp học, các thành viên trong CLB thoải mái trò chuyện về sở thích và những dự định cá nhân. Ảnh: D.L

Không giới hạn bởi nội lớp học, các thành viên trong CLB thoải mái trò chuyện về sở thích và những dự định cá nhân. Ảnh: D.L

Soukamphone Souvanhnasouk (SN 2006), mới sang Việt Nam được 6 tháng, chia sẻ: “Lúc mới đến, tôi nói tiếng Việt vẫn chưa rõ, phát âm sai suốt. Nhưng ở lớp này, các bạn trợ giảng nhẹ nhàng sửa lỗi, tôi thấy mình tiến bộ nhiều, quan trọng nhất là bản thân trở nên tự tin hơn, cởi mở hơn và ngày càng yêu tiếng Việt”.

Không chỉ người học, người đứng lớp cũng nhận lại nhiều niềm vui. Xung phong làm trợ giảng hơn 1 tháng nay, Trần Thị Thanh Lam (lớp Giáo dục Tiểu học K45) đã có những trải nghiệm đáng nhớ. Vốn có kinh nghiệm 2 năm làm gia sư, tuy nhiên, nhờ “đứng lớp” Lam mới hiểu rõ việc hướng dẫn các bạn Lào học tiếng Việt sẽ rất khác so với dạy người Việt.

“Mỗi buổi, tôi chuẩn bị bài như dạy học thực thụ: từ nội dung, hình ảnh, video đến trò chơi; vừa phải hấp dẫn, dễ hiểu, vừa giúp các bạn nhớ được từ mới, cấu trúc câu đơn giản. Nghe thì đơn giản nhưng cũng 3-4 tiếng để làm xong. Bù lại, các bạn Lào rất thân thiện, ham học, hợp tác nên sau buổi dạy là… kết bạn Facebook liền”, Lam “bật mí”.

 Lam (đứng) hướng dẫn các bạn sinh viên Lào ghi chép từ vựng tiếng Việt mới. Ảnh: D.L

Lam (đứng) hướng dẫn các bạn sinh viên Lào ghi chép từ vựng tiếng Việt mới. Ảnh: D.L

Mở lòng, gắn kết ngoài giờ học

Bên cạnh lớp học tiếng Việt, CLB còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm nhằm tạo không gian giao lưu, gắn kết sinh viên Việt - Lào. Mỗi tháng 1 lần, sân trường lại rộn ràng với trận bóng đá giao hữu do CLB tổ chức, với sự tham gia của sinh viên cả 2 nước. Không xem trọng thắng thua, bạn nào cũng chạy hết mình, cười thật to bởi hiểu rằng: Niềm vui không đến từ kết quả mà đến từ sự gắn kết bởi có thêm những người bạn cùng sở thích.

 Sinh viên Việt - Lào giao lưu bóng đá tại trường. Ảnh: ĐVCC

Sinh viên Việt - Lào giao lưu bóng đá tại trường. Ảnh: ĐVCC

Ngoài ra, trong thời gian học tập và sinh hoạt ở trường, các sinh viên Lào còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trải nghiệm do trường và tỉnh tổ chức, như: Mùa hè Xanh, vẽ tranh bích họa, giao lưu văn nghệ, ẩm thực Việt - Lào…

Soysavanh Keokhamdy (SN 2006) tâm sự: “Tôi quen nhiều bạn Việt nhờ các hoạt động ngoài lớp học. Có bạn rủ cùng ăn vặt, chỉ cho tôi đường đi chợ, giới thiệu những điểm du lịch nổi tiếng ở đây… Nhờ vậy, tôi thấy Việt Nam, thấy trường học thân thuộc hơn nhiều, không còn bỡ ngỡ như ngày đầu mới qua”.

Tương tự, là thành viên tích cực của CLB, Nguyễn Thị Tuyết Trinh (lớp Văn học K47) cho rằng, ngoài hỗ trợ các bạn Lào rành tiếng Việt hơn thì chính bản thân các bạn Việt Nam cũng được học nhiều điều thú vị từ sinh viên nước láng giềng.

Trinh chia sẻ: “Tham gia CLB giúp tôi hiểu hơn về suy nghĩ, khó khăn và văn hóa của các bạn Lào. Có khi, các bạn còn quay lại dạy tiếng Lào cho tôi nữa! Tôi thấy đó là sự trao đổi văn hóa rất tự nhiên và mang ý nghĩa: Chúng tôi không giống nhau về ngôn ngữ nhưng giống nhau ở sự chân thành và mong muốn xây dựng 1 tình bạn đẹp”.

 Gian hàng bán các món ăn truyền thống của sinh viên Lào tại ngày hội “Chào tân sinh viên K47" của Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: D.L

Gian hàng bán các món ăn truyền thống của sinh viên Lào tại ngày hội “Chào tân sinh viên K47" của Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: D.L

Nói về kế hoạch phát triển CLB trong thời gian tới, Phạm Đặng Thùy Trang (lớp Sư phạm Tiếng Anh K45C), Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Song song với việc duy trì lớp dạy tiếng Việt, CLB sẽ phối hợp với nhà trường để đưa các bạn Lào đi thăm những điểm đến hấp dẫn, giới thiệu một cách sinh động những nét đẹp văn hóa, lịch sử của miền đất Võ; đồng thời tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa để các bạn thật sự cởi mở, hòa nhập tốt hơn trong môi trường đại học”.

Về phía Hội Sinh viên nhà trường - đơn vị quản lý CLB, anh Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết, CLB đã phát huy đúng vai trò là cầu nối giữa sinh viên 2 nước; có sự chủ động trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động dành cho hội viên, góp phần hỗ trợ sinh viên Lào trong giai đoạn đầu khi mới sang Việt Nam học tập.

“Thời gian tới, Hội Sinh viên Trường sẽ định hướng để CLB phát triển thêm một số hoạt động. Trong đó, trọng tâm là triển khai mô hình “2 sinh viên Việt Nam hỗ trợ 1 sinh viên Lào”, không chỉ về tiếng Việt mà còn đồng hành trong học tập, rèn luyện và đời sống sinh hoạt”, anh Tuấn Anh thông tin thêm.

DƯƠNG LINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cau-lac-bo-tieng-viet-noi-gan-ket-tinh-ban-dep-cua-sinh-vien-viet-lao-post560994.html