Cầu lớn nhất đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh trước giờ hợp long
Ghi nhận trên công trường xây dựng cầu Nhơn Trạch ngày 11-9, hơn 300 kỹ sư, công nhân khẩn trương thi công với tinh thần 'vượt nắng thắng mưa', đưa dự án về đích vượt tiến độ 4 đến 5 tháng so với kế hoạch đề ra ban đầu.
Cầu Nhơn Trạch vượt sông Đồng Nai nối thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, thuộc dự án thành phần 1A, xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) trên tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài 8,2km, với hai gói thầu xây lắp, gồm: Gói CW1 xây dựng cầu Nhơn Trạch đã đạt 84% khối lượng và gói CW2 xây dựng đường dẫn hai đầu cầu (37% khối lượng).
Theo nhà thầu Kumho E&C, đơn vị thực hiện gói thầu CW1, từ ngày 12 đến 15-9, dự kiến hợp long hai nhịp đầu tiên cầu Nhơn Trạch (dài 2,6km). Cuối năm 2024, hợp long 4 nhịp còn lại, đến đầu năm 2025 các nhịp cầu sẽ được kết nối toàn bộ, hoàn thành đúng vào dịp 30-4-2025.
Cùng ngày, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư, thuộc Bộ Giao thông Vận tải) Trần Văn Thi đánh giá cao nỗ lực của các nhà thầu, đơn vị thi công trong suốt thời gian qua. Để công trình về đích đúng hẹn, ông Trần Văn Thi đề nghị các nhà thầu, đơn vị thi công tiếp tục tập trung triển khai theo kế hoạch đã đặt ra...
Cầu Nhơn Trạch là cây cầu lớn nhất đường Vành đai 3 thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm ở phía Nam.
Theo chủ đầu tư, dự án được khởi công tháng 9-2022. Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án gồm hai gói thầu xây lắp, trong đó, gói thầu cầu Nhơn Trạch (CW1) do Công ty Kumho E&C (Hàn Quốc) thực hiện. Còn gói thầu xây dựng đường dẫn 2 đầu cầu dài 5,6km (CW2) do liên danh nhà thầu Dongbu Corporation (Hàn Quốc) - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (Việt Nam) thi công.
Tổng mức đầu tư hơn 6.955 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.250 tỷ đồng (tỉnh Đồng Nai 651,3 tỷ đồng và thành phố Hồ Chí Minh hơn 1.599 tỷ đồng) do các địa phương tự thực hiện và bố trí vốn; chi phí xây dựng và các chi phí khác hơn 4.704 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn thiện tuyến đường có 8 làn xe, vận tốc 100km/h; đường song hành hai bên bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp.
Sau khi dự án thành phần 1A của đường Vành đai 3 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tăng tính kết nối, đồng bộ hạ tầng giao thông giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.