'Cầu nối' bạn đọc với tòa soạn

Phát hành báo chí là một trong những việc làm rất quan trọng mà bất cứ cơ quan báo nào cũng đặc biệt quan tâm. Một tờ báo dù có nội dung, hình thức hấp dẫn đến mấy cũng không thể phát huy hiệu quả nếu không được phát hành rộng rãi. Khi tờ báo được in ra, người làm nhiệm vụ phát hành phải đưa đến được tận tay bạn đọc là các tầng lớp nhân dân. Từ đó khẳng định: Phát hành báo chí là cầu nối giữa cơ quan báo và người đọc, mối quan hệ ấy gắn bó mật thiết với nhau.

Viết về truyền thống của báo chí cách mạng tỉnh Sông Bé trước đây và Bình Phước, Bình Dương ngày nay mà không đề cập đến vai trò, hiệu quả của công tác phát hành báo là sự thiếu sót lớn và chưa đầy đủ.

Kinh nghiệm từ Báo Sông Bé

Tỉnh Sông Bé được thành lập ngày 2-7-1976, có diện tích 9.576km², lớn nhất so với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó các huyện phía Bắc (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay) cách xa trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Thủ Dầu Một) hàng trăm kilômét. Ngay sau khi Báo Sông Bé ra số đầu tiên, Ban Biên tập đã triển khai kế hoạch đưa báo về các xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh.

Thời kỳ đó, cơ quan Báo Sông Bé chỉ có hơn chục người, điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, gian nan, vất vả, nhất là phương tiện đi lại, nhưng họ đã khắc phục và vượt qua tất cả. Các đồng chí nguyên lãnh đạo cơ quan Báo Sông Bé kể lại: Khi đưa báo về cơ sở, người phát hành phải chở báo bằng xe đạp đến các huyện ở phía Bắc của tỉnh như Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng… Thế nhưng, đường về các huyện này chủ yếu là đất đỏ, nắng bụi, mưa lầy, ổ voi, ổ gà đi lại rất khó khăn. Gian nan là vậy nhưng lòng nhiệt tình và tình yêu nghề của thế hệ những người làm báo đầu tiên của tỉnh đã đặt nền móng vững chắc để tờ báo định hình, phát triển và thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền lúc bấy giờ.

Đại diện Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) và Bưu điện tỉnh ký kết phát hành Báo Bình Phước năm 2024 - Ảnh: Nguyễn Ngân

Điểm đặc biệt của Báo Sông Bé trong thời kỳ đầu là có khá nhiều cộng tác viên ở cơ sở tại các huyện, nên việc phát hành tương đối thuận lợi. Ngoài ra, cơ quan báo còn có những người rất nhiệt tình trong lĩnh vực phát hành. Tiêu biểu là ông Trần Hoàng, vừa là phóng viên kiêm luôn việc phát hành. Chiếc xe Mogrit do ông cầm lái đã vượt qua bao chặng đường đất đỏ với nhiều ổ voi, ổ gà, len lỏi mang tờ báo đến những vùng xa nhất của Phước Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Bù Đăng, vào tận sóc Bom Bo, các xã Đăng Hà, Đắk Ơ… Sau khi ông Hoàng qua đời, đến lượt ông Lưu Vi lại đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm để phát hành báo. Ở thị xã Thủ Dầu Một, việc phát hành báo trong thời kỳ này còn có đội ngũ trẻ em cùng tham gia bán báo dạo trong dịp hè. Đây là “đội quân” có những tiếng rao mời mua báo mà ngày nay chỉ còn lại trong ký ức mọi người. Có những con người nhiệt tình như vậy trong lĩnh vực phát hành nên Báo Sông Bé đã phát triển mạnh mẽ, đạt số lượng ngày càng cao, báo đến tay người đọc nhanh chóng. Thời kỳ cao điểm (1993-1994), Báo Sông Bé đạt con số kỷ lục 80.000 bản/kỳ, trong khi dân số toàn tỉnh hồi ấy mới chỉ hơn 940.000 người. Những năm trước khi chia tách tỉnh Bình Dương và Bình Phước (1994-1997), Báo Sông Bé đã có thể tự hạch toán, không phải nhận ngân sách của tỉnh cấp.

…đến phát hành Báo Bình Phước

Sau ngày chia tách tỉnh, Báo Bình Dương đã có nền móng của việc phát hành trước đây nên khá thuận lợi; còn đối với Báo Bình Phước thì gần như phải làm từ đầu. Ngay trong sáng 1-1-1997, số báo Bình Phước đầu tiên với 2.000 tờ được xuất bản, in tại Bình Dương và cùng với đoàn cán bộ khung đầu tiên của cơ quan báo “hành quân” về Đồng Xoài dự lễ công bố quyết định về việc tái lập tỉnh Bình Phước và ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Khi đến địa phận tỉnh Bình Phước, những người dân ra đón đoàn xe đều được tặng 1 tờ báo Bình Phước số đầu tiên. Cũng từ số báo đầu tiên được tặng đó, tại trung tâm xã Tân Hòa (Đồng Phú) cạnh bên ĐT741 đã có một người nhận làm công tác phát hành cho Báo Bình Phước. Đó là anh Thành - một y sĩ, phụ trách trạm y tế xã. Sau này, cứ mỗi lần báo đưa từ Thủ Dầu Một về, đại lý phát hành này là nơi có Báo Bình Phước đầu tiên.

Ngày 28-12-1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW “Về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng”. Chỉ thị yêu cầu: “Tổng cục Bưu điện tăng cường tổ chức phát hành báo chí của Đảng, xem xét việc giảm giá cước phát hành báo và giá cước truyền Báo Nhân Dân…”. Từ sau khi có chỉ thị này, công tác phát hành báo chí theo hệ thống bưu điện bắt đầu phát triển mạnh, nhất là đội ngũ bưu tá ở các xã có nhiệm vụ đưa thư, báo từ các điểm bưu điện đến người dân. Nhiều bưu tá ngoài vận chuyển thư, báo còn trở thành những người tuyên truyền nhiệt tình để có thêm nhiều độc giả đặt mua báo. Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bình Phước cũng đã có văn bản chỉ đạo và yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện tốt nhiệm vụ này. Ngày 7-5-2015, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 44-CT/TU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng”, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW. Những văn bản nêu trên đã hỗ trợ tích cực và rất thiết thực cho việc phát hành báo Đảng ở địa phương. Không những thế, tỉnh Bình Phước còn có chủ trương cấp báo địa phương cho các đảng viên 45 năm tuổi Đảng trở lên. Đại biểu HĐND 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) cũng được tặng Báo Bình Phước.

Song song với hệ thống phát hành báo được thực hiện chủ yếu tại Bưu điện tỉnh và các bưu cục huyện, xã, cơ quan Báo Bình Phước còn triển khai phát hành bán lẻ tại các sạp báo tư nhân. Tại Đồng Xoài do nhân viên Phòng Hành chính phụ trách với ít nhất có từ 3-5 điểm bán các loại báo chí, trong đó Báo Bình Phước được đặt nơi trang trọng nhất. Trong những năm đầu tái lập tỉnh, tôi là Trưởng phòng Bạn đọc nên được Tổng Biên tập giao nhiệm vụ đi về huyện xây dựng điểm bán báo tại các thị trấn. Chúng tôi đặt làm những tấm biển khá lớn với dòng chữ, đại ý: “Báo Bình Phước, nhiều thông tin bổ ích” đặt ngay tại các điểm bán báo. Những người làm nhiệm vụ phát hành báo tại các huyện có chế độ ưu đãi do Ban Biên tập quy định. Hằng tháng, nhân viên Phòng Hành chính về làm việc với đại lý, thanh toán tiền rồi đưa những tờ báo còn lại về tòa soạn. Mặc dù tại những điểm phát hành lẻ ở các huyện bán được không nhiều nhưng cũng đã giúp không ít người dân có thể mua được tờ báo tỉnh nhanh chóng, tiện lợi. Đây cũng là việc làm góp phần tích cực đưa báo đến với bạn đọc, giúp người dân gắn kết hơn với tờ báo tỉnh nhà. Nhờ thực hiện đồng bộ công tác phát hành trên cả chiều rộng và chiều sâu, số lượng Báo Bình Phước không ngừng tăng lên, có thời cao điểm đạt trên dưới 12.000 bản/kỳ.

Báo, tạp chí của Đảng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, gắn bó với quá trình hoạt động của tổ chức đảng. Tiến bộ về hoạt động thông tin tuyên truyền ở địa phương có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của những người làm công tác phát hành báo chí. Trong dòng chảy của lịch sử báo chí tỉnh Sông Bé trước đây và Bình Phước, Bình Dương ngày nay cũng không thể bỏ sót những con người đã làm nhiệm vụ vinh quang này.

Mỗi chi bộ đảng, mỗi ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân xã, phường, mỗi cơ sở Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong cả nước đều có Báo Nhân Dân (hằng ngày) và các báo của đảng bộ địa phương mình. Mỗi đảng bộ cơ sở đều có ít nhất một tạp chí cộng sản. Có các hình thức phù hợp để đảng viên, đoàn viên và nhân dân thường xuyên đọc, nghiên cứu báo và tạp chí của Đảng, hiểu rõ, nắm vững và thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước…”.

Trích Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 28-12-1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII)

Tiến Bình

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/161595/cau-noi-ban-doc-voi-toa-soan