Cầu nối 'chắp cánh' cho sản phẩm OCOP vươn xa
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh. Thông qua các hoạt động này, các chủ thể sản phẩm OCOP đã nắm bắt cơ hội, tăng cường quảng bá, đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị để sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy quảng bá, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của tỉnh Sóc Trăng.
Quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền
Mới đây, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng và đặc sản vùng miền năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp khẳng định, hội chợ không chỉ tạo hiệu ứng về mặt kinh tế, mà còn là cầu nối để các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp vùng miền đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác và tiêu thụ sản phẩm OCOP, những sản phẩm chủ lực, đặc sắc vùng miền, qua đó, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Hội chợ có quy mô hơn 350 gian hàng của hơn 250 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, có khoảng 100 gian hàng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, miền Trung-Tây nguyên và các tỉnh phía Bắc tham gia trưng bày các sản phẩm nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP của các vùng miền trong cả nước. Cùng với đó là hơn 250 gian hàng của hơn 180 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại tổng hợp trong và ngoài tỉnh. Hội chợ có nhiều hoạt động phong phú và đa dạng như: Triển lãm, giới thiệu thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Sóc Trăng; các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực các vùng miền của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong khuôn khổ hội chợ còn có nhiều hoạt động bên lề như: Tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối của các tỉnh, thành phố; tổ chức Hội thi bình chọn Gian hàng đẹp có nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú tạo nhiều ấn tượng đẹp. Hội chợ còn bố trí các khu trưng bày gắn với nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tổng hợp của các doanh nghiệp như thời trang, may mặc, hóa mỹ phẩm, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, giống cây trồng; khu ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật làm bánh dân gian với những món ăn truyền thống, hấp dẫn mang nhiều sắc thái dân tộc vùng miền...
Tại Hội chợ, ông Nguyễn Hữu Công, chủ cơ sở chanh leo ngọt Sáu Công, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện, thương hiệu chanh leo ngọt Sáu Công của chúng tôi đã có mặt hầu hết thị trường trong nước. Đây là niềm tự hào của nông dân khi sản phẩm của mình được nhiều người tiêu dùng biết đến”.
Tích cực kết nối cung - cầu
Có thể nói, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng luôn đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, đồng thời, gắn với kết nối cung - cầu, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, chắp cánh cho sản phẩm “made in Sóc Trăng” ngày càng vươn xa. Hiện, Sóc Trăng có 242 sản phẩm OCOP, trong đó, có 17 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 225 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao của 140 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Để các sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, tỉnh tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể là, hằng năm, UBND tỉnh đều triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử. Sự kiện Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng và đặc sản vùng miền năm 2024 là một minh chứng cho thấy, ngoài việc tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa thì hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, thậm chí nước ngoài cũng được tỉnh tổ chức thường xuyên, đều đặn. Các chương trình được tổ chức đa dạng như hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm, ngày hội đặc sản...
Từ đầu năm đến nay, tỉnh tham gia khoảng trên 70 sự kiện giao thương, hội chợ triển lãm tại tỉnh và tại các tỉnh, thành phố khác, thu hút hàng trăm lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia. Mỗi chương trình đều góp phần quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng.
Điển hình, tháng 5/2024 vừa qua, tỉnh Sóc Trăng tham gia Diễn đàn, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, gồm 4 gian hàng phục vụ cho triển lãm hình ảnh, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của 12 doanh nghiệp với 55 mặt hàng như bánh pía, lạp xưởng, hành tím, yến sào... Trong thời gian 5 ngày diễn ra sự kiện, các gian hàng của các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã đón tiếp trên 1.500 lượt khách tham quan; trong đó, đón 8 đoàn khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Ấn Độ; 300 khách hàng thương mại trong nước và 1.200 khách hàng công chúng.
Ngoài ra, để tích cực kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, trở thành hàng hóa thường xuyên trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, chợ nông sản..., Trung tâm Xúc tiến Thương mại Sóc Trăng đã tổ chức đoàn công tác xúc tiến thương mại tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Đắk Lắk vào tháng 8/2024; tổ chức Chương trình Tuần lễ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 10/2024.
Điểm nhấn tại Tuần lễ lần này chính là không gian trưng bày, giới thiệu hơn 80 mặt hàng là đặc sản, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, gồm: Gạo ST25, hành tím Vĩnh Châu, bánh pía, lạp xưởng, bánh kẹo các loại, củ cải muối ngọt, trà mãng cầu, trà đọt ổi, mật ong, mắm các loại, các sản phẩm chế biến khác, hàng thủ công mỹ nghệ, đan lát, trái cây (bưởi, vú sữa, dưa lưới, chanh leo ngọt)... của hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản có tiềm năng cung ứng cho các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu. Kết quả, có 5 doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng ký kết 10 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Trà Vinh; 5 bản ghi nhớ được ký trực tiếp tại lễ khai mạc và 12 bản ghi nhớ được ký trực tuyến cho chương trình tại thành phố Hồ Chí Minh.