Cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với người dân

Với vai trò là cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân, mới đây, Trung tâm KH&CN Phú Yên vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật giúp người dân vùng sâu, vùng xa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, từng bước cùng địa phương xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng.

Đông đảo nông dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) tham gia tập huấn quy trình trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Ảnh: LỆ VĂN

Đông đảo nông dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) tham gia tập huấn quy trình trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Ảnh: LỆ VĂN

Chuyển giao nhiều quy trình kỹ thuật

Mới đây, Trung tâm KH&CN Phú Yên phối hợp với Hội Nông dân huyện Đồng Xuân tổ chức các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật: Trồng nấm ăn và nấm dược liệu, sa nhân tím cho 60 hội viên nông dân ở thị trấn La Hai và xã Xuân Sơn Nam.

Tại buổi tập huấn, các kỹ sư trung tâm đã truyền đạt kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm dược liệu, sa nhân tím; cách chuẩn bị đất, chuẩn bị cây giống, bón lót và trồng cây; kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước; cách phát hiện, xử lý sâu bệnh thường gặp, các biện pháp quản lý sâu bệnh an toàn và cách thu hoạch để làm dược liệu đạt hiệu quả cao nhất… Đây là hoạt động nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quảđểnâng cao năng suất, chất lượng nông sản cho người dân.

Theo ông Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm KH&CN Phú Yên, để phát huy tốt vai trò là cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân, trung tâm đã phân công cán bộ kỹ thuật xuống tận cơ sở để tư vấn, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” và triển khai những kỹ thuật sản xuất mới phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân. Đồng thời chủ động tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật dựa trên cơ sở đề xuất của các địa phương và người dân.

“Sau các lớp tập huấn này, từ đây đến cuối tháng 8, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức 18 lớp tập huấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật như: Trồng hoa lily và hoa cúc, trồng bắp lấy cây làm nguyên liệu ủ chua, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng cà gai leo; quy trình kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi heo, bò thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh; quy trình kỹ thuật xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi heo, bò bằng chế phẩm vi sinh Pymic; quy trình kỹ thuật vỗ béo bò bằng thức ăn ủ chua từ cây bắp cho người dân ở TX Sông Cầu, TX Đông Hòa, các huyện Sông Hinh, Phú Hòa…”, ông Nguyễn Trọng Lực cho hay.

Cũng theo ông Lực, việc tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao các quy trình kỹ thuật này nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, đồng thời vận động, khuyến khích hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của kinh tế nông nghiệp.

Hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

Ông Võ Thắng (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) có mặt từ sớm tại buổi tập huấn về quy trình kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi heo, bò thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh Pymic do Trung tâm KH&CN Phú Yên và Hội Nông dân huyện tổ chức vừa qua.

Ông Thắng chia sẻ, tham gia tập huấn, ông và nhiều người dân hiểu, nắm được quy trình kỹ thuật xử lý mùi hôi bằng chế phẩm sinh học để ứng dụng trong chăn nuôi tại gia đình, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. “Quy trình thực hiện khá đơn giản, các hộ nông dân như tôi có thể tự làm tại nhà”, ông Thắng nói.

Theo ông Nguyễn Công Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, việc đơn vị phối hợp với trung tâm tổ chức các lớp tập huấn nhằm đưa ứng dụng tiến bộ KH&CN hướng đến nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả, đồng thời đồng hành cùng người dân trong việc triển khai các mô hình canh tác hữu cơ. Trong đó chú trọng liên kết với nhà khoa học xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các chế phẩm vi sinh; đẩy mạnh truyền thông để giúp người dân nâng cao nhận thức về việc sử dụng phân bón vi sinh và các quy trình sản xuất theo xu hướng bền vững. Qua đó tạo đà cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, không chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất. Việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ tạo sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển KT-XH địa phương”, ông Hòa nói.

Thời gian đến, khi xây dựng mô hình và hướng dẫn chuyển giao quy trình kỹ thuật về trồng trọt cho nông dân, trung tâm sẽ xác định nhu cầu và lợi thế của mỗi địa phương để chuyển giao những kỹ thuật, quy trình phù hợp nhất. Cùng với đó, mỗi cán bộ trung tâm phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để có thể tiếp cận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến với nông dân.

Ông Nguyễn Công Nhật, Giám đốc Trung tâm KH&CN Phú Yên

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/318739/cau-noi-dua-khoa-hoc-ky-thuat-den-voi-nguoi-dan.html