Cầu nối đưa những giá trị văn hóa - lịch sử đến với giới trẻ
Việc cho ra đời những tác phẩm bổ ích, những công trình nghiên cứu công phu là nỗ lực của NXB Tổng hợp TP.HCM nhằm góp phần bồi đắp thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.
Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, một hội viên Hội Xuất bản Việt Nam, trong hơn 4 thập kỷ qua vẫn luôn giữ vững vai trò, sứ mệnh bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử. Bên cạnh đó, đơn vị còn cho thấy sự sáng tạo, đổi mới không ngừng nhằm bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ số, lan tỏa văn hóa đọc và đưa văn hóa - lịch sử đến gần hơn với đối tượng độc giả trẻ.
Thúc đẩy sáng tạo và bảo tồn văn hóa
Hơn 2 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1977, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM được thành lập. Trong suốt 45 năm hoạt động, trải qua nhiều lần tái cơ cấu, phân chia rồi lại hợp nhất… Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vẫn giữ vững hình ảnh của một đơn vị hoạt động sáng tạo, lưu giữ và bảo tồn các giá trị, các công trình văn hóa trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh mảng sách thế mạnh về khai thác dòng sách lịch sử - văn hóa Việt Nam, lịch sử truyền thống cách mạng, trong những năm qua, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã đầu tư nhiều tâm sức để phát triển dòng sách về vùng đất Nam Bộ, với điểm nhấn là Sài Gòn - TP.HCM.
Nhiều bộ sách có giá trị được độc giả quan tâm trong thời gian gần đây có thể kể đến: Địa chí văn hóa TP.HCM; Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020); Chế độ Thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954); Điện thần và Nghi thức Hầu Đồng Việt Nam - Thánh Mẫu linh tiêm; Lịch sử các chế độ báo chí Việt Nam;…
Chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cho biết đơn vị có lợi thế là sự đồng hành, gắn bó của nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Tư, Bùi Đình Phong, Nguyễn Duy Chính… các tác giả uy tín ở nhiều lĩnh vực như học giả An Chi, luật sư Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Đỗ Hồng Ngọc…
“Nguồn lực từ các tác giả, cộng tác viên cộng với đội ngũ biên tập viên vừa có chuyên môn, vừa được tích lũy kinh nghiệm là những thuận lợi của nhà xuất bản. Song, cũng đã xuất hiện các biên tập viên trẻ tiếp nối”, bà Đinh Thị Thanh Thủy chia sẻ.
Nhà xuất bản cũng chủ động đặt hàng, khuyến khích các tác giả viết nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, văn chương của vùng đất này. Nhờ đó, nhiều tựa sách thuộc chủ đề lịch sử truyền thống cách mạng và lịch sử văn hóa Nam Bộ đã được giới thiệu tới bạn đọc. Với bà Thanh Thủy, việc cho ra đời những tác phẩm bổ ích, những công trình nghiên cứu công phu là nỗ lực của đơn vị nhằm góp một phần nhỏ bé bồi đắp thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.
“Sự thiết tha, trân trọng các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, tinh thần làm việc nghiêm túc của đội ngũ cán bộ, biên tập viên, nhân viên nhà xuất bản đã góp phần vào sự ra đời của các ấn phẩm, qua đó thúc đẩy các tác giả tiếp tục viết về mảng đề tài này. Đó cũng là một phần của thúc đẩy sáng tạo và bảo tồn văn hóa”, bà chia sẻ.
Nỗ lực bắt kịp xu hướng công nghệ số
Bên cạnh những lợi thế của một đơn vị lâu năm như nhân sự, kinh nghiệm… bà Thanh Thủy cho biết đơn vị cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh mới.
Xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, những bước tiến đáng kinh ngạc và liên tục của khoa học và công nghệ đã đặt các đơn vị xuất bản đứng trước thời cơ lẫn những thách thức không hề nhỏ. Trước tiên là vấn đề kịp “chuyển mình” để thích ứng với những thay đổi to lớn của thời đại, để không bị tụt hậu.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 35 năm thành lập, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã cho ra mắt trang sách điện tử sachweb. Đến năm 2019, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM trở thành một trong những nhà xuất bản đầu tiên chính thức đăng ký xuất bản số.
Năm 2021, sau khi hợp nhất Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cũng bắt đầu chú trọng hơn đến các tác phẩm văn học và dòng sách thiếu nhi. Đây cũng là thời điểm đơn vị có nhiều thay đổi, các tựa sách đa dạng hơn, từ đó mở rộng đối tượng độc giả hướng đến bạn đọc trẻ.
Nói đến vai trò của ngành xuất bản trong lĩnh vực văn hóa, bà Thanh Thủy cho rằng không thể không nói đến khía cạnh truyền bá văn hóa. Bởi theo bà, mỗi cuốn sách chứa đựng trong nó những suy tư, tình cảm của tác giả và những giá trị văn hóa của cả một cộng đồng, bên cạnh đó, nhà xuất bản có vai trò là người bắc nhịp cầu nối giữa tác giả và bạn đọc.
Với sứ mệnh đó, cùng sự đồng hành của Hội Xuất bản trong hoạt động khuyến đọc, phát triển văn hóa đọc, những năm gần đây Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã thực hiện nhiều hoạt động sôi nổi bao gồm tọa đàm ra mắt sách, giao lưu cùng tác giả, nhà nghiên cứu… Từ Đường sách TP.HCM, Đường sách TP. Cao Lãnh cho đến chuỗi hoạt động tại các trường học, các chủ đề từ văn học, kinh tế, kỹ năng sống, và cả những chủ đề chuyên sâu như chính trị, văn hóa, lịch sử… dần được độc giả quan tâm hơn.
Nếu như trước đây, độc giả chủ yếu của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM chủ yếu là người thuộc độ tuổi trung niên vốn đã gắn bó với đơn vị thông qua các đầu sách nghiên cứu, thì trong thời gian gần, theo bà Thanh Thủy nhận thấy, đã xuất hiện thêm nhóm đối tượng bạn đọc trẻ say mê nghiên cứu lịch sử - văn hóa.
“Qua những hoạt động này, hiệu quả lớn nhất mà chúng tôi hướng tới là lan tỏa văn hóa đọc, từ đó khẳng định thương hiệu và phát triển doanh thu từ phát hành sách, các dịch vụ từ sách cũng được nâng cao”, bà Đinh Thị Thanh Thủy cho biết.
Bà cũng cho biết trong tương lai, mục tiêu của đơn vị là làm sao để giữ vững thương hiệu, làm sách hay, tử tế và kinh doanh hiệu quả, với tinh thần “Tri thức thay đổi thế giới”. Bên cạnh đó, Hội Xuất bản Việt Nam không chỉ là đơn vị đồng hành, gần gũi với hội viên trong các hoạt động khuyến đọc, mà còn góp thêm tiếng nói với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý xuất bản, cơ quan chủ quản xuất bản để thật sự hiểu, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các đơn vị xuất bản, phát hành phát huy nội lực để phát triển thật sự.