Cầu nối giữa Quốc hội và cử tri
Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV vừa qua tiếp tục ghi nhận những đóng góp và hoạt động tích cực, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh trong các phiên thảo luận tại tổ, hội trường, chất vấn… Những ý kiến phát biểu của các ĐBQH không chỉ thể hiện tâm huyết, mang tính xây dựng cao… mà còn chuyển tải kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri Hà Tĩnh tới diễn đàn Quốc hội.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc tích cực
Để có những hoạt động thiết thực đóng góp vào thành công của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có nhiều đổi mới. Cụ thể, Đoàn đã tổ chức tiếp xúc với cử tri để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Đối với những ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, Đoàn đã chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đồng thời, Đoàn tổ chức nhiều hội nghị và làm việc trực tiếp với các ngành hữu quan của tỉnh để lấy ý kiến đóng góp xây dựng các dự án luật được thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp; làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh để nghe tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như những khó khăn, bất cập, kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Trung ương... Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh việc lấy ý kiến chuyên gia tham gia vào những nội dung quan trọng của các dự án Luật, có ảnh hưởng rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân để làm cơ sở cho ĐBQH trong Đoàn tham gia phát biểu ý kiến tại kỳ họp.
Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bước vào Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV với một lượng thông tin phong phú, mang đậm tính thực tiễn được ghi nhận từ chính quá trình vận hành, chuyển động, phát triển tại địa phương. Các ĐBQH tỉnh tham gia tích cực vào các hoạt động, với nhiều ý kiến đóng góp thể hiện tâm huyết, trách nhiệm…
Đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tại kỳ họp, các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia đầy đủ tất cả các phiên họp, các hoạt động của các cơ quan Quốc hội và của Đoàn tổ chức. Cụ thể, tại 24 buổi thảo luận tại hội trường, 7 buổi thảo luận tổ, 2 buổi thảo luận Đoàn, đã có 35 lượt ý kiến của các ĐBQH trong Đoàn phát biểu, tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; tham gia ý kiến góp ý các dự án luật và nghị quyết, các nội dung đều được chủ tọa kỳ họp đánh giá cao… Nhiều bài phát biểu tham gia góp ý kiến của các ĐBQH trong đoàn được Quốc hội, cử tri đánh giá cao.
Theo chia sẻ của cử tri Lê Văn Xế (huyện Đức Thọ), những hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần vào sự thành công chung của kỳ họp; các ĐBQH đã thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thật sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh.
Thể hiện trách nhiệm cao với cử tri và Nhân dân
Trò chuyện với chúng tôi, đa số cử tri và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi thấy các đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tham gia đóng góp nhiều nội dung quan trọng; truyền tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành…
Đơn cử như tại kỳ họp, bày tỏ thống nhất cao với 12 nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn đặc biệt quan tâm đến giải pháp gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời, đề nghị nâng cao nhận thức của ngư dân và các cơ quan quản lý về thực trạng các ranh giới biển; đẩy mạnh việc đàm phán, hoạch định vùng biển chồng lấn với các nước liên quan; kịp thời trao đổi rõ ràng với Ủy ban Châu Âu và các tổ chức quốc tế khác có liên quan về thực trạng bất đồng, tranh chấp trên biển Đông.
Hay như trong phiên thảo luận tại tổ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng cũng cho rằng: Cùng với tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức thì cần phải chú ý tăng phụ cấp cho cán bộ thôn, tổ dân phố vì hiện nay phụ cấp bồi dưỡng theo quy định của Nghị định 34 là quá thấp; có chính sách chống già hóa dân số; đưa ra khung khổ pháp lý để quản lý, định hướng thông tin, nhất là thông tin trên các mạng xã hội… Bên cạnh đó, cần có giải pháp chiến lược dài hạn về phòng, chống thiên tai; xây dựng cơ chế riêng cho hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức không chuyên thực hiện; tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam.
Cùng với đó, việc tham gia thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội; góp ý vào các dự án luật… của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với cử tri và Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nội dung các đại biểu nêu đã truyền tải những nguyện vọng chính đáng của cử tri trong tỉnh tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành… Đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và nhiều ĐBQH trong Đoàn đã kiến nghị sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng xe ô tô công phục vụ hoạt động công vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật trong xây dựng cơ bản, giải pháp chuyển đổi công năng sử dụng của các trụ sở công dôi dư sau sắp xếp hoặc chuyển đổi địa điểm…
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), trong phiên thảo luận tại Hội trường, ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh về việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm tính răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình và tạo ra hành lang pháp lý an toàn, bảo vệ người bị bạo lực gia đình… Đồng thời cho rằng, Luật cần hướng tới mục tiêu phòng ngừa không để hành vi bạo lực xảy ra hoặc biện pháp xử lý là để các thành viên trong gia đình ý thức trách nhiệm của mình với các thành viên khác, quan tâm, yêu thương, gắn kết với nhau hơn để đạt được mục đích xây dựng gia đình ngày càng ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.
Chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp và hiệu quả của Quốc hội và đã được các ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát huy tối đa. Các đại biểu trong Đoàn cũng đã chuẩn bị câu hỏi chất vấn trên một số lĩnh vực như nội vụ, thông tin truyền thông, thanh tra, xây dựng... Bên cạnh đó, liên quan đến các báo cáo công tác của cơ quan tư pháp, các đại biểu cũng đã đề nghị xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký cho Tòa án các cấp đặc biệt là thẩm phán sơ cấp, trung cấp; tiếp tục trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, phòng xét xử tại điểm cầu trung tâm tòa án và điểm cầu thành phần tại các trại giam; tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp trụ sở Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, trại tạm giam công an các tỉnh.
Ngoài việc tham gia các hoạt động chính trong nội dung Kỳ họp thứ Tư, các ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh còn dành thời gian tham dự các hoạt động, như: Hội thảo “Tham vấn ý kiến ĐBQH về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)” do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức;… Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tranh thủ tham gia gặp gỡ, trao đổi, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành; trao đổi kinh nghiệm với một số địa phương để thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV thành công tốt đẹp với những kết quả quan trọng được cử tri đánh giá cao. Góp chung vào thành công ấy có sự đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, thể hiện trách nhiệm cao với cử tri và Nhân dân. Sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến những nội dung của kỳ họp tới đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh… Bên cạnh đó, Đoàn sẽ tiếp tục lắng nghe những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri để gửi đến các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết kịp thời.