Cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, nhân dân cả nước

Chuyên trách đưa tin hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, nhóm phóng viên Báo Công Thương đã có nhiều cuộc trao đổi với các đại biểu về mối quan hệ Quốc hội - báo chí để thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm, những điều được, chưa được nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông.

Kênh thông tin quan trọng

Đọng lại trong nhiều cuộc trao đổi là những lời khen về vai trò, vị trí, tác động rất tích cực của cơ quan báo chí trong việc lan tỏa thông tin hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đến với cử tri và nhân dân cả nước. Thậm chí, có đại biểu đã hình tượng hóa phóng viên nghị trường là những người "truyền thần" của Quốc hội với những nét vẽ thật kỳ công để xã hội tôn trọng, tiếp nhận, cùng hưởng ứng, cùng hướng tới những giá trị tốt đẹp; kênh giúp đại biểu Quốc hội có cơ sở nắm chắc tình hình, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật trong quản lý nhà nước.

"Thông tin báo chí hết sức cần thiết cho đại biểu, cử tri và người dân về tình hình chung của đất nước, tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc…" - đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói và đánh giá, thời gian qua, các cơ quan báo chí nói chung, phóng viên đưa tin Quốc hội nói riêng xứng đáng là "cánh tay nối dài" trong hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Báo chí đưa tin chân thực, khách quan về hoạt động của Quốc hội

Báo chí đưa tin chân thực, khách quan về hoạt động của Quốc hội

Với từng cá nhân, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng để cử tri, nhân dân xem xét, đánh giá các vị đại biểu Quốc hội mà mình bầu ra đã thực thi trách nhiệm như thế nào. Ở chiều ngược lại, đại biểu Bùi Văn Phương chỉ rõ, không chỉ phản ánh thông tin một chiều từ Quốc hội đến cử tri mà báo chí còn giúp đưa những ý kiến, kiến nghị, bức xúc của cử tri, nhân dân vào nghị trường Quốc hội.

"Các thông tin ấy rất hữu ích đối với Quốc hội, đại biểu Quốc hội, không chỉ trong việc đề nghị giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân và còn là nguồn "tư liệu quý" để Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao…" - đại biểu Phương chia sẻ.

Trong khi đó, đến từ địa phương miền núi, đại biểu Chu Lê Trinh (đoàn Lai Châu) đưa thực tế, cử tri miền núi, vùng sâu, vùng xa rất khó nắm bắt thông tin hoạt động của Quốc hội mà họ quan tâm nếu không có các cơ quan thông tấn, báo chí.

"Trong một năm, số lượng những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu không nhiều và không thể gặp gỡ, ghi nhận hết ý kiến của cử tri. Do đó, chính các cơ quan truyền thông đã giúp rút ngắn khoảng cách vùng miền, rút ngắn khoảng cách giữa Quốc hội với cử tri, nhân dân cả nước" - đại biểu Trinh khẳng định.

Những chia sẻ chân thành, thẳng thắn

Nói về mối quan hệ giữa báo chí và Quốc hội, giữa đại biểu Quốc hội và phóng viên chuyên trách, trong những cuộc trao đổi với chúng tôi, các đại biểu đã thẳng thắn, vì nhiều nguyên nhân nên không ít trường hợp, báo chí đưa tin chưa toàn diện, nếu không muốn nói là thiếu chính xác. Trong khi đó, cũng có đại biểu Quốc hội chưa chuyên nghiệp về kỹ năng và chưa chủ động tiếp cận, cung cấp thông tin cho báo chí.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông hai chiều, các đại biểu Quốc hội cho rằng, không còn cách nào khác là các đại biểu tích cực hợp tác với báo chí và báo chí chủ động tiếp cận, trao đổi thông tin, thậm chí nêu quan điểm, ý kiến của đại biểu vì mục tiêu chung là chuyển tải thông điệp đến với cử tri cả nước nhanh, chính xác nhất.

Phóng viên Báo Công Thương (thứ hai từ trái sang) phỏng vấn đại biểu Quốc hội

Phóng viên Báo Công Thương (thứ hai từ trái sang) phỏng vấn đại biểu Quốc hội

Làm rõ hơn, đại biểu Chu Lê Trinh phân tích, ngoài báo chí chính thống, ngoài những thông tin đã được kiểm chứng, thì trên nhiều mạng xã hội, thông tin không được kiểm chứng. Vì vậy, người viết cần chắt lọc, phân tích thận trọng trước khi đưa thông tin đến với cử tri.

"Báo chí khi đưa những phát ngôn của đại biểu Quốc hội – những phát ngôn mang tính chất chính trị - phải chính xác. Người làm báo phải có trách nhiệm về mặt thông tin khi tuyên truyền" - đại biểu Trinh nói và mong muốn, dù có những đại biểu hiểu chưa hết, chưa sâu, truyền đạt vấn đề chưa kín kẽ, ảnh hưởng đến người đón nhận thông tin, tạo sự lan tỏa không tốt, nên với vai trò là "bộ lọc", báo chí cần có những đối chiếu, phân tích, chắt lọc trước khi đưa tin.

Trong khi đó, chia sẻ với báo giới, đại biểu Lưu Đức Long (đoàn Vĩnh Phúc) tâm sự, ông hiểu rằng trong bối cảnh mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet phát triển mạnh mẽ, báo chí đang đứng trước rất nhiều áp lực. Nhưng, giữa "biển cả" thông tin của mạng xã hội, báo chí chính thống được coi là một kênh thông tin chính thức, tin cậy để nhân dân, cử tri, cán bộ, công chức, viên chức và kể cả đại biểu Quốc hội nắm bắt kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội… và cũng rất quan trọng, là hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Mỗi lần kết thúc kỳ họp Quốc hội về lại địa phương, cử tri thường tâm sự với tôi về những thảo luận, câu hỏi chất vấn trước Quốc hội mà họ tâm đắc. Nhưng tôi hiểu sâu xa hơn, đó chính là báo chí đã làm cầu nối để họ đón nhận thông tin sớm, chính xác và hoàn thiện nhất.

Hoàng Châu - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cau-noi-giua-quoc-hoi-voi-cu-tri-nhan-dan-ca-nuoc-121236.html