Cầu nối giúp người dân thoát nghèo

Thời gian qua, các tổ chức hội, đoàn thể tại xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc đã và đang đóng vai trò quan trọng như những 'cầu nối' giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Thông qua sự phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Lộc, nhiều gia đình khó khăn đã có cơ hội thoát nghèo, cải thiện đời sống, từng bước phát triển kinh tế bền vững.

 Bà con vay vốn để tạo việc làm tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Lộc

Bà con vay vốn để tạo việc làm tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Lộc

Anh Hồ Văn Bia, người dân tộc Bru-Vân Kiều tại bản Phúc Lộc là một trong những hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Lập gia đình năm 2022, vợ chồng anh thuộc diện hộ cận nghèo. Nhờ vay 40 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo, anh đầu tư mô hình nuôi lợn rừng.

“Mới đầu, tôi mua 5 con lợn rừng. Nhờ chăm sóc tốt và có sự hướng dẫn của Chi hội Nông dân bản Phúc Lộc, đến nay đàn lợn của tôi đã tăng lên 15 con. Cuối năm nay, tôi dự định bán 5 con để trả một phần nợ gốc 8 triệu đồng và tiếp tục tái đầu tư”, anh Bia phấn khởi chia sẻ.

Nhờ sự giúp đỡ của Chi hội Nông dân bản Phúc Lộc và Hội Nông dân xã Xuân Lộc, gia đình anh Bia đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo, thu nhập ổn định hơn.

Với sự phối hợp chặt chẽ, các hội, đoàn thể tại xã Xuân Lộc đã thực hiện hiệu quả việc nhận ủy thác từ NHCSXH. Các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đã được triển khai. Hoạt động kiểm tra, giám sát được tổ chức thường xuyên, giúp giải quyết các vướng mắc và tuyên truyền chính sách đến các hội viên một cách kịp thời.

Tính đến ngày 18/11/2024, tổng dư nợ ủy thác tại xã Xuân Lộc đạt trên 31,3 tỷ đồng, với 741 hộ vay vốn, tăng 3,6 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, cả 9/9 tổ TK&VV trên địa bàn được đánh giá hoạt động tốt, không có tổ yếu kém.

Anh Hồ Văn Phin, Tổ trưởng Tổ TK&VV bản Phúc Lộc cho biết: “NHCSXH huyện đã ủy nhiệm một số hoạt động tín dụng thông qua các Tổ TK&VV. Nhờ thế, nguồn vốn này đã đến đúng đối tượng thụ hưởng và sử dụng vốn hiệu quả. Đây là động lực quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện an sinh xã hội tại địa phương”.

Được biết đến là một Tổ trưởng điển hình, anh Hồ Văn Phin luôn tận tụy trong công việc. Anh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các tổ viên để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.

“Với trách nhiệm của mình, tôi trực tiếp giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh và việc trả nợ ngân hàng của tổ viên. Trường hợp tổ viên sử dụng vốn sai mục đích hoặc thay đổi nơi ở, tôi báo cáo kịp thời để có hướng xử lý”, anh Phin bộc bạch.

Nhờ sự nghiêm túc trong công việc, Tổ TK&VV bản Phúc Lộc không có nợ quá hạn. Tỷ lệ thu lãi đạt 100%, không để xảy ra tình trạng nợ bị chiếm dụng.

Ông Bùi Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lộc đánh giá: “Sự tận tâm và trách nhiệm của anh Phin đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế. Các thành viên trong tổ luôn hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi. Tổ TK&VV luôn thực hiện đạt các tiêu chí mà Hội Nông dân xã và NHCSXH giao”.

Ông Chiến nhấn mạnh, nhờ sự đồng hành của các tổ TK&VV, chương trình tín dụng chính sách không chỉ giúp cải thiện đời sống của các hộ dân, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bài, ảnh: DIỆP CHI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/cau-noi-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-148435.html