Doanh nghiệp sẽ khó xuất khẩu nếu không có kế hoạch giảm lượng khí thải carbon

Nếu các doanh nghiệp sản xuất không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường, gặp rào cản cả về chi phí thuế và cả vấn đề uy tín. Ngoài ra, chính sách định hướng và người tiêu dùng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh.

Sáng nay (26/11), tại khách sạn Pullman, Hà Nội diễn ra "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu".

Diễn đàn do Báo Điện tử VOV tổ chức, cùng sự đồng hành của các đơn vị: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex, Tổng Công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico).

Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn

Tham luận tại diễn đàn, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách - Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trên tăng trưởng GDP cao trong khu vực Châu Á. Trong đó các lĩnh vực về năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm phát thải khí nhà kính.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách - Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tại diễn đàn

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách - Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tại diễn đàn

Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải CO2 bằng 0% vào năm 2050 và để đạt được điều này, cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã xác định mục tiêu, giải pháp nâng cao vai trò và đóng góp của tăng trưởng xanh. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh năm 2024 khoảng 1,8% GDP, tạo cơ sở để tiến tới mục tiêu 3,3–3,5% GDP vào năm 2030.

Để phát triển kinh tế xanh, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trước hết cần giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay Bộ Công thương đang có những chương trình để tính toán mức độ phát thải của từng ngành, từng lĩnh vực, để từ đó đưa ra các chỉ số giảm phát thải cần đạt cho mỗi ngành, hướng tới chuyển đổi sản xuất, xanh hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Trong bối cảnh toàn cầu chú trọng phát triển kinh tế xanh, chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn từ các rào cản thương mại như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

“Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư Việt Nam cho biết, nếu Việt Nam không có chính sách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn không chỉ về xuất khẩu và còn có nguy cơ làm thu hẹp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nếu các doanh nghiệp sản xuất không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường, gặp khó khăn cả về chi phí thuế và cả vấn đề uy tín. Bên cạnh đó, các chính sách định hướng và người tiêu dùng cũng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang cần giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh thực hành đầy đủ các yếu tố ESG bao gồm cả trách nhiệm xã hội và các hành động bảo vệ môi trường”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Từ những thực tế trên, chuyên gia này cho rằng, các chiến lược chung đến các chính sách của bộ ngành cũng cần hướng đến phát triển xanh cũng như thích ứng với những rào cản quốc tế.

TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh rằng, chính cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cũng đang tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, mở rộng thị trường, tiếp cận các thị trường khó tính hơn, cũng như nâng cao khả năng tích hợp công nghệ sạch. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít thách thức cần vượt qua như chi phí tăng cao, thuế carbon và áp lực tài chính lớn. Việc tuân thủ khí nhà kính cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, quy trình và quản lý mới.

Còn theo ông Hà Đông Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh lại băn khoăn rằng, khi giải quyết tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam vẫn chưa chưa có “kiến trúc sư trưởng” cho một công trình vô cùng lớn. Để thực hiện hiệu quả kinh tế xanh, trước tiên cần xác định rõ đề bài từ đầu, trả lời câu hỏi muốn đi đâu, cần làm gì?

Ông Hà Đông Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, khi giải quyết tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam vẫn chưa chưa có một "kiến trúc sư trưởng"

Ông Hà Đông Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, khi giải quyết tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam vẫn chưa chưa có một "kiến trúc sư trưởng"

Ông Hà Đông Sơn cho rằng, với câu chuyện về tăng trưởng xanh, net zero, áp lực lớn sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải “bơi” và tìm cách “bơi” thế nào cho đúng. Tuy nhiên, nếu làm kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với tinh thần đối phó thì khó có thể thành công. Trước mắt, việc phát triển nền kinh tế xanh có thể đòi hỏi những công nghệ cao, vốn đầu tư cao hơn, song sau 3-5 năm nhìn lại sẽ thấy được những giá trị thực sự to lớn.

Nguyễn Trang-Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-se-kho-xuat-khau-neu-khong-co-ke-hoach-giam-luong-khi-thai-carbon-post1138131.vov