Câu nói khiến nhiều người Hàn sợ hãi
Theo Chosun, 'Gọi cho tôi' tưởng như là lời nói vô thưởng vô phạt, nhưng có thể khiến nhiều người lo lắng, sợ hãi khi vốn chỉ quen với việc nhắn tin qua điện thoại.
Không ít người mô tả rằng tim họ sẽ đập thình thịch, cơ thể toát mồ hôi lạnh mỗi khi nghe tiếng chuông điện thoại. Một số người thậm chí chỉ có thể gọi điện cho người khác sau khi soạn sẵn kịch bản nói chuyện.
Telephobia hay hội chứng sợ gọi và nghe điện thoại đang trở nên phổ biến hơn trên khắp thế giới. Ca sĩ IU gần đây thừa nhận điều đó trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Cô cho biết mình chỉ có thể nói chuyện điện thoại với người bạn thân nhất không quá 3 phút và cảm thấy lo lắng ngay cả khi mẹ gọi điện đến.
Khóa học chỉ cách nói chuyện điện thoại
Một số người Hàn Quốc đang tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà trị liệu để vượt qua nỗi sợ nói chuyện điện thoại. Hội chứng telephobia đã gây ra các vấn đề trong công việc và cuộc sống hàng ngày của họ.
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm cuộc gọi điện thoại di động đầu tiên được thực hiện bởi một nhà nghiên cứu của Motorola ở New York. Kể từ đó, công nghệ truyền thông di động đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, nhưng vì một số lý do, chúng cũng làm trầm trọng thêm sự lo lắng của nhiều người.
Ở Hàn Quốc, có những trung tâm chuyên dụng hỗ trợ mọi người đối phó với hội chứng kỳ lạ này.
Tại một trung tâm như vậy ở Seoul vào đầu tháng này, những người ở độ tuổi 20-30 đang làm công việc tư vấn viên, nhân viên tiếp thị và giáo viên đã thực hành nói chuyện qua điện thoại với sự giúp đỡ của người hướng dẫn.
Mỗi lớp học kéo dài khoảng 90 phút và 8 buổi học có giá khoảng 600.000-700.000 won (450-520 USD).
Các học viên bao gồm người đứng đầu công ty cỡ vừa, chính trị gia, chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp và người tìm việc.
Tất cả viết ra một kịch bản nói chuyện phù hợp với nghề nghiệp của mình. Người hướng dẫn giúp học viên thực hiện các cuộc gọi điện thoại mô phỏng và đưa ra các mẹo.
Kang Min Jung, người đứng đầu trung tâm, cho biết: "Thay vì dạy các kỹ năng nói chuyện điện thoại đơn giản, chúng tôi dành thời gian hướng dẫn cách xây dựng mối quan hệ giữa con người với nhau để học viên có thể hiểu được tâm lý của người bên kia đầu dây".
Giải pháp
Sự gia tăng của việc nhắn tin có thể là thủ phạm chính khi ngày càng có nhiều người không còn cảm thấy cần thiết phải nói chuyện với người khác. Các cuộc thảo luận trên Internet chứa đầy những bình luận cho thấy mọi người gặp khó khăn như thế nào khi nói chuyện điện thoại.
Những lời phàn nàn bao gồm từ việc khó nhớ những gì đã nói trong một cuộc điện thoại đến việc không biết cách truyền đạt cảm xúc hoặc ý định chỉ bằng giọng nói.
Nỗi ám ảnh đó được khuếch đại khi điện thoại đổ chuông. Người nghe bối rối vì cuộc gọi đến bất ngờ và không biết người ở phía bên kia đầu dây có thể nói gì.
Những người sợ nói chuyện điện thoại thường sẽ chọn từ chối trả lời cuộc gọi từ người lạ.
Oh Dae Jong, người làm việc tại Bệnh viện Kangbuk Samsung, cho biết telephobia có thể được giải quyết nếu mọi người nói chuyện thường xuyên với gia đình và bạn bè, những người sẽ không khiến bạn khó xử nếu mắc lỗi. Bạn cũng có thể bắt đầu gọi điện cho người khác với kịch bản soạn sẵn và sau đó cố gắng nói chuyện mà không cần viết ra mọi thứ, khi cảm thấy thoải mái hơn.
"Một trong những điều khó khăn khi nói chuyện qua điện thoại là mọi người nghĩ rằng mình cần phải trả lời ngay lập tức. Nhưng thực tế nếu cảm thấy khó đưa ra phản hồi ngay lúc đó, bạn có thể chỉ cần nói: 'Tôi sẽ phải suy nghĩ thêm về điều này'", Kang, người đứng đầu trung tâm dạy cách nói chuyện điện thoại, đưa ra lời khuyên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-noi-khien-nhieu-nguoi-han-so-hai-post1432376.html