Cầu nối với các đối tượng bảo trợ xã hội

Cần mẫn tuyên truyền chính sách của Nhà nước, kết nối những tấm lòng hảo tâm nhằm giúp những phận đời, hoàn cảnh đặc biệt có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đó là công việc thầm lặng mà những người làm nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang làm.

Đại diện một doanh nghiệp tặng quà cho hộ nghèo ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa qua kết nối của cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Ảnh: KIM CHI

Đại diện một doanh nghiệp tặng quà cho hộ nghèo ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa qua kết nối của cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Ảnh: KIM CHI

Để thực hiện tốt công tác xã hội (CTXH) góp phần đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống, thời gian qua, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên, cộng tác viên (CTV) làm CTXH trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng.

Nhn ni, tn tâm

Đội ngũ nhân viên, CTV làm CTXH là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội… Thực hiện nhiệm vụ, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, chỉ cần nhận được thông tin phản ánh có người cần giúp đỡ là họ lập tức lên đường, đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh của đối tượng cần trợ giúp.

Hơn 10 năm nay, chị Sô H’Tý, CTV CTXH xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) đã làm cầu nối giúp hơn 100 người yếu thế trên địa bàn xã miền núi đặc biệt khó khăn này được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Biết trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, chị trực tiếp đến gia đình xác minh, hướng dẫn kê khai hồ sơ, khi hoàn thiện hồ sơ thì trình hội đồng xét duyệt ở xã, sau đó gửi lãnh đạo huyện ra quyết định cho họ hưởng trợ cấp.

Ông Kpă Thanh (65 tuổi, ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi) hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vợ chồng ông thường xuyên ốm đau nhưng không có điều kiện đi bệnh viện chữa trị. Nương tựa nhau để sống qua ngày đã khó, vợ chồng ông Thanh còn phải chăm lo cho đứa con gái bị tật bẩm sinh từ nhỏ. Ông nói: “Thời gian qua, nếu không có cán bộ CTXH như chị H’Tý thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, tư vấn các chính sách cho hộ nghèo, khuyết tật…, chúng tôi không thể biết mình có quyền được hưởng các chế độ của Nhà nước như thế”.

Chị Sô H’Tý chia sẻ: “Đã chọn nghề CTXH, tiếp xúc người yếu thế nên tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức, nhẫn nại, bình tĩnh để chăm sóc, giúp đỡ họ trong cuộc sống. Bà con ở đây hầu hết là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp nên rất cần được nhân viên CTXH hỗ trợ”.

Theo chị Nguyễn Thị Thừa, CTV CTXH xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), với những người làm nghề CTXH, nếu không vì cái tâm thì khó có thể cống hiến hết mình cho cộng đồng. “Trên địa bàn xã hiện có nhiều hoàn cảnh thương tâm, tôi cùng một số công chức, cán bộ các đoàn thể tìm hiểu và hướng dẫn, kết nối các tấm lòng hảo tâm để hỗ trợ họ vượt qua nghịch cảnh, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”, chị Thừa chia sẻ.

Tng bưc xã hi hóa

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Hiện nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Về thực chất, người làm CTXH đòi hỏi phải có rất nhiều kỹ năng, có đạo đức nghề nghiệp, có sự cảm thông, chia sẻ bởi những trường hợp của lĩnh vực này rất phức tạp, thường nhạy cảm, dễ tổn thương. Hiện nay, vai trò của nhân viên CTXH đã được khẳng định, họ chính là cầu nối quan trọng để hỗ trợ, kết nối những hoàn cảnh khó khăn với các tổ chức, các nguồn lực trong xã hội, giúp người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.

Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và hiểu rõ ý nghĩa của nghề CTXH, những người công tác trong lĩnh vực này góp phần không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, hướng đến một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì củng cố đội ngũ hơn 800 cán bộ, viên chức, nhân viên, CTV CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước xã hội hóa, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn tỉnh”, bà Thy cho biết thêm.

Mục tiêu tổng thể của Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 tỉnh Phú Yên là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các cấp, ngành phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của địa phương; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/318979/cau-noi-voi-cac-doi-tuong-bao-tro-xa-hoi.html