Nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề ở tỉnh Long An đã đạt những kết quả nhất định, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 75,63%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33,70%. Sau đào tạo có hơn 90% học sinh, sinh viên được giới thiệu có việc làm.

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề luôn được tỉnh quan tâm thực hiện

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề luôn được tỉnh quan tâm thực hiện

Theo Kế hoạch số 2363/KH-UBND ngày 06/8/2024 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện chỉ số Đổi mới sáng tạo của tỉnh năm 2024 đã chỉ rõ nhiệm vụ và chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tiếp tục thực hiện nâng cao tỷ lệ số lao động đang làm việc đã qua đào tạo với tổng số lao động đang làm việc.

Thực hiện chỉ đạo này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp.

Đó là đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Triển khai các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh và phụ huynh ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; tổ chức cho học sinh lớp 9, lớp 12 tham quan, trải nghiệm học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cử nhà giáo tham gia giảng dạy tiết hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 tại 45 trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai, ngoài các giải pháp tuyên truyền trên thì phải thực hiện tốt nhóm giải pháp kỹ thuật. Theo đó, sở và các đơn vị, các cấp, các ngành liên quan thường xuyên rà soát, đánh giá, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực đội ngũ giáo viên thuộc mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; rà soát, cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo để tăng quy mô, mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của học sinh, người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.

“Đầu tư cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động thu thập, phân tích, dự báo và thông tin thị trường lao động. Vận hành hiệu quả hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, Sàn giao dịch việc làm tỉnh. Nâng tần suất và chất lượng các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa hình thức tổ chức, vận động sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề và thu hút nhiều đối tượng lao động tham gia” - bà Nguyễn Hồng Mai đề nghị.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thống kê, cập nhật dữ liệu nhu cầu đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động; dự báo, định hướng phát triển các ngành nghề trọng điểm, ưu tiên và gắn kết giữa đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, các ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao của tỉnh để huy động nguồn lực, đầu tư tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung ứng lao động, giới thiệu việc làm. Triển khai đặt hàng cho các Trường cao đẳng công lập trong tỉnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng theo Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh.

Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030” để thu hút, giữ chân người lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh; Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Long An năm 2024”.

Cũng theo bà Nguyễn Hồng Mai, tiếp tục phối hợp, liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo lại nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động của doanh nghiệp.

Tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thương hiệu, các trường đại học ngoài tỉnh để mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp tỉnh.

Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, học sinh, sinh viên; tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và học tập tiên tiến; triển khai mô hình đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn nước ngoài, nhất là các nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN và quốc tế./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-ty-le-lao-dong-dang-lam-viec-da-qua-dao-tao-a182137.html