Cầu tàu 230 triệu USD của Mỹ ở Gaza: Từ biểu tượng nhân đạo đến sự bất lực quốc tế

Cầu tàu do Mỹ xây dựng ở Gaza dù tốn hàng trăm triệu USD vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về viện trợ nhân đạo cho dải đất đang chìm trong xung đột.

Cầu tàu trị giá 230 triệu USD do Mỹ xây dựng tại Gaza từng được coi là một giải pháp khéo léo trong việc thuyết phục Israel cho phép dòng viện trợ nhân đạo đi vào dải đất này. Nhưng rồi cầu tàu nhanh chóng bị những cơn gió mùa hè Địa Trung Hải làm hư hại nặng đến nỗi gần như không thể hoạt động.

Rốt cục công trình này "trở thành biểu tượng của sự bất lực quốc tế trước sự không khoan nhượng của Israel trong cuộc chiến tại Gaza", theo tờ Financial Times.

 Cầu tàu do Mỹ xây dựng ở Gaza, trước và sau khi bị tháo dỡ. Ảnh: MAXAR

Cầu tàu do Mỹ xây dựng ở Gaza, trước và sau khi bị tháo dỡ. Ảnh: MAXAR

Hai tháng hoạt động chỉ bằng vài ngày

Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố về việc xây dựng cầu tàu ở Gaza trong Thông điệp Liên bang. Dù được công bố rầm rộ là vậy, cầu tàu do Mỹ xây dựng ở Gaza vẫn không giải quyết được bài toán viện trợ cho Gaza.

Theo kế hoạch ban đầu, cầu tàu do Mỹ xây dựng được dùng để ngăn chặn nạn đói ở Gaza một cách nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, trong hai tháng hoạt động, cầu tàu chỉ có thể cung cấp nguồn viện trợ tương đương số hàng viện trợ được chuyển đến khu vực này trong vài ngày, tính theo thời điểm trước xung đột.

Theo ước tính của Financial Times, số hàng viện trợ ít ỏi được chuyển đến thông qua cầu tàu chưa đến 600 xe tải. Có giai đoạn, số hàng này bị chất đống trên bờ biển và mục nát dưới nắng hè.

Đường sá lộn xộn, tình trạng vô luật pháp và sự khó lường tại các trạm kiểm soát của Israel ở Gaza khiến việc vận chuyển hàng hóa tới tay người dân Gaza gần như không thể thực hiện được.

“Nếu bạn là một người dân Gaza đang gặp nạn đói thì đây là một thảm họa không thể giải quyết được. Tại sao chúng ta lại phải làm một việc khó khăn như vậy. Tại sao chúng ta lại vận chuyển hàng hóa qua đường biển một cách khó khăn như vậy? Tại sao chúng ta không làm những gì chúng ta đã làm và cung cấp hỗ trợ trên bộ?” - ông Paul Eaton, một thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nói.

Đó cũng là câu hỏi mà nhiều cơ quan nhân đạo đặt ra. Tại sao hàng viện trợ cần phải di chuyển hàng trăm km bằng đường biển từ Cyprus để dỡ hàng lên một cầu tàu phức tạp, đắt tiền, trong khi cảng Ashdod của Israel chỉ cách 1 giờ lái xe về phía bắc và lực lượng Israel kiểm soát một số điểm vào Gaza?

“Mỹ muốn chứng tỏ rằng họ đang làm điều gì đó để hỗ trợ nỗ lực nhân đạo. Tuy nhiên, họ đã không thành công trong việc thúc đẩy Israel cho phép tiếp cận đầy đủ thông qua đường bộ hoặc cho phép tiếp cận từ các tuyến đường bộ” – bà Tania Hary, Giám đốc điều hành của một tổ chức nhân quyền ở Israel, nhận định.

Quân đội Mỹ cho biết cầu tàu đã bị hư hại ít nhất 3 lần do gió và sóng. Một số bộ phận của cầu tàu trôi dạt vào bờ biển Tel Aviv. Bà Hary cho biết có khi các tàu phải chuyển hướng đến cảng Ashdod. Từ cảng Ashdod, hàng viện trợ được vận chuyển bằng đường bộ đến Gaza – một tuyến đường mà theo bà Hary là hiệu quả hơn nhiều.

 Binh sĩ Mỹ đứng cạnh xe tải chở hàng viện trợ từ cầu tàu do Mỹ xây dựng ở Gaza. Ảnh: AP

Binh sĩ Mỹ đứng cạnh xe tải chở hàng viện trợ từ cầu tàu do Mỹ xây dựng ở Gaza. Ảnh: AP

Không thể thay thế đường bộ

Trong nhiều tháng qua, các cơ quan viện trợ đã cảnh báo rằng Gaza có nguy cơ phải đối mặt nạn đói toàn diện, trừ khi Israel tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ nhân đạo vào Gaza, cũng như phân phối hàng viện trợ đến tay 2,3 triệu người của dải đất.

Các nhóm viện trợ cho rằng khó khăn lớn nhất là những hạn chế mà Israel đưa ra. Chúng bao gồm giờ mở cửa biên giới, việc thanh tra rà soát rộng rãi các xe tải tại cửa khẩu Rafah (nối Gaza với Ai Cập).

Trước xung đột, Rafah là nơi dùng để vận chuyển từ 500 đến 600 xe tải viện trợ/ngày. Sau khi Israel nắm quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah vào đầu tháng 5, nguồn cung viện trợ đã chậm lại.

Theo Liên Hợp Quốc, vào tháng 6 chưa đến 1.300 xe tải được phép vào Gaza. Trong khi đó, lực lượng Israel cho rằng con số này cao hơn nhiều, dao động khoảng 5.000 xe tải.

Các cơ quan viện trợ cũng gặp khó khăn khi Gaza gần như trong tình trạng vô luật pháp, khan hiếm nhiên liệu và đường sá bị bom đạn phá hủy.

Cướp bóc diễn ra tràn lan và giao tranh hỗn loạn đã khiến nhiều tuyến đường giao thông bị tắc nghẽn. Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine, các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 200 người Palestine làm việc cho cơ quan cứu trợ này thiệt mạng.

Trong bối cảnh này, cầu tàu được xem là một giải pháp giúp đưa hàng viện trợ vào Gaza an toàn, thay cho đường biển. Dù vậy, các quan chức Mỹ nhiều lần nhấn mạnh cầu tàu là biện pháp bổ sung chứ không phải nhằm thay thế việc cung cấp viện trợ bằng xe tải.

Thực tế quá trình hoạt động của cầu tàu đã chứng minh nhận định của các quan chức là có cơ sở.

Tuần trước, phía Mỹ cho biết họ khó có thể lắp lại bến tàu vì thời tiết sẽ xấu đi. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng vấn đề thực sự hiện nay là “nhận viện trợ xung quanh Gaza một cách hiệu quả”.

 Trẻ em ở TP Khan Younis (nam Gaza) xếp hàng chờ nhận thực phẩm vào cuối tháng 6. Ảnh: REUTERS

Trẻ em ở TP Khan Younis (nam Gaza) xếp hàng chờ nhận thực phẩm vào cuối tháng 6. Ảnh: REUTERS

Ông Sullivan cũng bác bỏ những chỉ trích về công trình này.

“Tôi thấy bất kỳ kết quả nào tạo ra nhiều thực phẩm hơn, nhiều hàng hóa nhân đạo hơn đến được với người dân Gaza đều là sự thành công” – ông Sullivan nói.

Các nhà hoạt động cứu trợ cũng ghi nhận cầu tàu do Mỹ xây dựng ở Gaza đã có đóng góp cho quá trình viện trợ vào Gaza nhưng không đáng kể.

Bà Alexandra Saieh – người đứng đầu chính sách nhân đạo và vận động tại tổ chức phi chính phủ Save the Children International – cho rằng: “Nếu tính tổng số ngày cầu tàu hoạt động thì đó chỉ là một phần nhỏ so với những gì hệ thống vận chuyển đường bộ có thể làm được. Các tuyến đường bộ là cách hiệu quả và an toàn nhất để đưa viện trợ nhân đạo tới Gaza”.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/cau-tau-230-trieu-usd-cua-my-o-gaza-tu-bieu-tuong-nhan-dao-den-su-bat-luc-quoc-te-post800814.html