Cầu Tình Yêu trên vịnh Cửa Lục đã sẵn sàng phục vụ người dân
Những ngày đầu năm mới 2022, người dân Quảng Ninh đã có thể đi trên cầu Tình Yêu sau khi cầu này hoàn thành các hạng mục xây dựng chính. Đây cũng là cây cầu giúp nhân dân rút ngắn thời gian và khoảng cách đi từ Hoành Bồ tới trung tâm TP Hạ Long.
Cầu được thiết kế 6 làn xe, chiều dài toàn tuyến 4.265m, là công trình có rất nhiều đột phá trong ngành xây dựng cầu Việt Nam từ trước đến nay khi nó được bố trí 5 nhịp thép liên tục và không cần bố trí khe co giãn trong 5 nhịp vòm dài tới 290 mét. Đó là sự ưu việt so với các cầu thông thường tại Việt Nam hiện nay.
Cầu Cửa Lục 1 về đêm. Ảnh: CTV
Công trình được xây dựng bởi các nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả làm tổng thầu thực hiện trong 20 tháng. Điều đáng nói, thời điểm khởi công cầu Cửa Lục 1, dịch bệnh covid-19 leo thang, việc tiêm phòng chưa được thực hiện rộng rãi như hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình triển khai xây dựng.
Bài toán của tỉnh Quảng Ninh đặt ra cho Tập đoàn Đèo Cả là nghiên cứu kiến trúc 3 chiếc cầu trên vịnh Cửa Lục, gồm Cửa Lục 1, Cửa Lục 2 và Cửa Lục 3 không chỉ thuần túy sử dụng cho mục đích giao thông. Tập đoàn Đèo Cả cho biết, họ đã cùng lãnh đạo tỉnh tham khảo ý kiến góp ý của rất nhiều chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, kiến trúc, kết cấu… Đặc biệt có góp ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng đã gợi ý các cầu Cửa Lục nên có kiến trúc đột phá, tạo điểm nhấn, không đơn thuần chỉ là những chiếc cầu để lưu thông xe cộ mà phải là công trình mang tính biểu tượng hàng trăm năm của Quảng Ninh.
“Để làm điều này chúng tôi nghĩ phải có sự đồng lòng liên thông cơ chế từ trung ương đến địa phương, từ địa phương đến các nhà thầu, từ nhà thầu đến người dân. Đặc biệt là được sự ủng hộ của lãnh đạo Trung ương. Tôi nhớ chiều 30 Tết Tân Sửu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến công trường Cửa Lục thăm, chúc tết, tặng quà các cán bộ công nhân viên và đặt ra câu hỏi liệu thời gian hoàn thành dự án này có đảm bảo tiến độ không khi dịch bệnh bùng phát? Thật sự Thủ tướng đến thăm dự án, là niềm vinh dự, sự động viên rất lớn lao cho đội ngũ cán bộ công nhân viên đang thi công tại dự án nhưng đó cũng là gắn trách nhiệm cam kết đúng hẹn của Tập đoàn Đèo Cả đối với đất nước”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả tặng hoa chúc mừng năm mới cán bộ nhân viên tại dự án cầu Cửa Lục 1, chiều tối ngày 1/1/2022. Ảnh: CTV.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết khi có sẵn nhân sự, máy móc thiết bị và cả sự chuẩn bị rất kỹ về kế hoạch thực hiện, họ đã sẵn sàng để nhập cuộc thực hiện Cửa Lục 2. Thiết kế công trình Cửa Lục 2 đã được các chuyên gia kết cấu của Tập đoàn Leonhardt (Cộng hòa Liên Bang Đức) đánh giá sẽ là công trình nằm trong top 10 cây cầu dây văng - hệ khung vòm nghiêng nổi tiếng thế giới.
“Chúng tôi đã chinh phục thành công các cung đèo hiểm trở tại miền Trung, hoàn thành cao tốc điển hình ở phía Bắc là Bắc Giang - Lạng Sơn và phía Nam là Trung Lương - Mỹ Thuận nhưng cầu vượt biển, có địa chất phức tạp là cột mốc mới mà Tập đoàn Đèo Cả đã chinh phục được”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khi nói về việc hoàn thành cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu) tại Quảng Ninh.
Tập đoàn Đèo Cả hiện đang là đơn vị hàng đầu về hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Đến thời điểm này họ là liên danh nhà đầu tư duy nhất huy động thành công nguồn vốn để thực hiện 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện theo hình thức PPP, đó là đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Song song với đó, Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu thực hiện các gói thầu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam là hầm Thung Thi (Thanh Hóa) và hầm Trường Vinh (Thanh Hóa - Nghệ An).
Tại Quảng Ninh ngoài việc đưa Cửa Lục 1 cán đích đúng hẹn, chuẩn bị hoàn thành Cửa Lục 3, họ còn tham gia tư vấn cho địa phương xử lý các bài toán huy động vốn bằng mô hình 3P ở dự án Vân Đồn - Móng Cái. Đặc biệt, cũng trong không khí những ngày đầu năm này, những người làm hầm Đèo Cả cũng đã hoàn thành hầm Bao biển dài hơn 200m trong điều kiện địa chất ở Quảng Ninh rất phức tạp mà chỉ trong 8 tháng là một kỷ lục mới.