Cầu treo đáy kính không phép 'treo' đến bao giờ?
Cầu treo đáy kính dài hơn 221m, 'nối' thắng cảnh du lịch cấp quốc gia Thung lũng Tình yêu và Khu du lịch Đồi mộng mơ (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), sừng sững, lồ lộ. Song, nó đã được thi công đến giai đoạn hoàn thiện mới 'phát hiện' không có giấy phép xây dựng. Sau đó, hành vi vi phạm này đã bị xử phạt và cho thời hạn để 'khắc phục hậu quả' nhưng chưa biết 'lơ lửng' đến bao giờ?
NDĐT- Cầu treo đáy kính dài hơn 221m, “nối” thắng cảnh du lịch cấp quốc gia Thung lũng Tình yêu và Khu du lịch Đồi mộng mơ (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), sừng sững, lồ lộ. Song, nó đã được thi công đến giai đoạn hoàn thiện mới “phát hiện” không có giấy phép xây dựng. Sau đó, hành vi vi phạm này đã bị xử phạt và cho thời hạn để “khắc phục hậu quả” nhưng chưa biết “lơ lửng” đến bao giờ?
Theo thông số kỹ thuật, cầu treo đáy kính 7D này có chiều dài mặt cầu 221,5m, rộng 2,09m; khoảng cách giữa hai mặt ngoài mố neo dây cáp cầu dài 325m… Dù mới chỉ được UBND tỉnh Lâm Đồng “hoan nghênh và ủng hộ” ý tưởng đầu tư; đồng thời, đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, bảo đảm điều kiện triển khai đầu tư.
Các sở, ngành liên quan đã đóng góp ý kiến và đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định. Nhưng, thời điểm chính quyền địa phương “phát hiện” việc xây dựng cầu đáy kính không phép (vào trung tuần tháng 1-2020), chủ đầu tư đã cho xây dựng hai mố neo 10x15m, cao 10m; hai trụ đỡ có kích thước 8x8m, cao 20 và 28m; lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ, kích thước 8x20m, cao 4m… Tức, công trình đến giai đoạn hoàn thiện.
Phát hiện thì sự đã rồi! Đến ngày 14-1, UBND TP Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt Công ty CP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là TTC Lâm Đồng), chủ đầu tư công trình cầu đáy kính (tại lô B3, khoảnh 507, tiểu khu 144B; thuộc địa bàn phường 8, TP Đà Lạt), số tiền 40 triệu đồng, về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công công trình; thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính 13-1-2020). Hết thời hạn trên, chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép xây dựng hoặc sau khi được cấp giấy phép, phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp theo giấy phép xây dựng và nội dung thiết kế đã được phê duyệt.
Hết thời hạn buộc “khắc phục hậu quả trong 60 ngày”, cây cầu vẫn vươn mình trên hai mố trụ vững chãi. Đến ngày 20-3, UBND TP Đà Lạt tiếp tục ra thông báo “gia hạn” đối với chủ đầu tư, về thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm, trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày gửi thông báo (tính theo dấu bưu điện). Hết thời hạn trên, phần “rường cột” cây cầu vẫn thế. Nhiều người hồ nghi, liệu thông báo trên của UBND TP Đà Lạt “có đến được” với TTC Lâm Đồng?!
Có thể thông báo đã đến nên ngày 30-3, UBND TP Đà Lạt mới nhận được văn bản của TTC Lâm Đồng, về việc “gia hạn” thời gian khắc phục sai phạm trong đầu tư xây dựng cầu đáy kính.
Trình bày với chính quyền địa phương, chủ đầu tư cho rằng, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính vi phạm hành chính, chấp hành đình chỉ thi công công trình; đã tháo dỡ các hạng mục phụ trợ, nhà chờ, bậc tam cấp dẫn lên cầu…; trồng cây, hoa và thảm cỏ, để khôi phục cảnh quan diện tích đất bị ảnh hưởng trong quá trình thi công… Đơn vị chủ đầu tư cũng cho rằng, đã hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung trình Sở Xây dựng Lâm Đồng thẩm định và báo cáo UBND tỉnh xem xét trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt thỏa thuận bổ sung hạng mục “Cầu treo đáy kính” vào quy hoạch dự án.
Giải quyết đề nghị “gia hạn” của TTC Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt cho rằng, việc thi công “cầu treo đáy kính” khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là “đã vi phạm trong hoạt động xây dựng theo quy định và đã được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, đây là công trình sử dụng kỹ thuật xây dựng, công nghệ nước ngoài và phải có đội ngũ thi công, giám sát bảo đảm trình độ cao để thực hiện. Do vậy, khi thực hiện việc tháo dỡ để khắc phục hậu quả với công trình trên, cần phải được thực hiện cẩn trọng, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật và trình độ của người thực hiện việc thi công tháo dỡ. Trong khi, hiện nay đội ngũ kỹ sư, giám sát và công nhân người nước ngoài có trình độ không có mặt tại Việt Nam; đồng thời, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc tập trung nhân lực để tháo dỡ là không đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng nên chủ đầu tư không thể bảo đảm việc tháo dỡ công trình sai phạm theo “Thông báo cưỡng chế tháo dỡ…” của UBND TP Đà Lạt!
Từ những lý do trên, UBND TP Đà Lạt cho phép TTC Lâm Đồng được “gia hạn thời gian tháo dỡ công trình sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng”. Tuy nhiên, văn bản không thể hiện “hạn”! Và, cây cầu treo không phép này chưa biết “treo” đến bao giờ?