Cấu trúc lại mô hình xã hội học tập
Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết, vai trò, tác động, ích lợi của học tập suốt đời và những điều kiện xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận bình đẳng với hệ thống giáo dục mở là điều cần thiết và cần được triển khai tới tất cả địa bàn dân cư.
TẠI SAO CẦN CẤU TRÚC LẠI MÔ HÌNH XÃ HỘI HỌC TẬP?
Trong 20 năm qua (2005-2025), sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta đã trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn I: Xây dựng mô hình xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 (Quyết định 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005) với nhiệm vụ chính:
- Triển khai Đề tài độc lập cấp Nhà nước "Xác định cấu trúc xã hội học tập phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam" (Quyết định 616/QĐ-BKHCN, 19/4/2007).
- Thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng mô hình "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", "Cộng đồng khuyến học".
Giai đoạn II: Xây dựng mô hình xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 (Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 22/12/2011) với nhiệm vụ chính:
- Xây dựng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" (Quyết định 281/QĐ-TTg, 20/2/2014).
- Phát triển mạnh hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện học tập thường xuyên cho nhân dân trên địa bàn hành chính cấp xã.
- Tổ chức các hình thức học tập không chính quy và phi chính quy tại Thư viện, Nhà văn hóa, Câu lạc bộ, Bưu điện văn hóa xã.
Giai đoạn III: Xây dựng mô hình xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 1373/QĐ-TTg, 30/7/2021) với nhiệm vụ chính:
- Xây dựng các mô hình học tập (Quyết định 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022).
- Xây dựng mô hình "Công dân học tập" (Quyết định 677/QĐ-TTg).
- Vận động các trường đại học phát triển các phương thức học có tính Mở và những dịch vụ giáo dục để nhân dân có thêm điều kiện học tập thường xuyên.
- Liên kết với các Bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp chung tay xây dựng xã hội học tập, triển khai cuộc vận động xây dựng mô hình "Công dân học tập", "Đơn vị học tập" trong các tổ chức của họ.

Bắt đầu từ giai đoạn III, cấu trúc xã hội học tập được định hình theo hình trên.
Những yếu tố mới xuất hiện, đòi hỏi phải cấu trúc lại mô hình xã hội học tập theo hiện đại hóa, trở thành một hệ thống hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực
Yếu tố thứ nhất: Đại hội Đảng lần thứ XIV sẽ là một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự thắng lợi của đất nước sau 40 năm đổi mới; Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới, đủ điều kiện tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới một quốc gia hạnh phúc và thịnh vượng.
Yếu tố thứ hai: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại những công nghệ cao mà việc làm chủ những công nghệ đó (như công nghệ Trí tuệ nhân tạo - AI, Điện toán đám mây - Cloud, công nghệ chuỗi khối - Blockchain, Internet kết nối vạn vật - IoT, Robot thông minh...) sẽ tạo nên một xã hội thực - ảo với một hệ thống sản xuất mới chưa từng có, một lối sống mới hiện đại và con người với năng lực vượt trội những thế hệ đàn anh.
Yếu tố thứ ba: Những chiến lược quốc gia như Chiến lược đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh đều đòi hỏi những mẫu hình nhân cách mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của từng chiến lược đề ra.
Yếu tố thứ tư: Đảng và Chính phủ yêu cầu tiến hành hoạt động của xã hội học tập phải thực sự đổi mới theo tinh thần Bình dân học vụ số: Xóa mù về chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị cũng như mọi hệ thống khác.
Yếu tố thứ năm: Thực hiện một cuộc cách mạng về tinh giản toàn bộ hệ thống tổ chức, nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, phát huy năng lực của từng cá nhân, từng tập thể lao động, tạo nên một xã hội năng động, sáng tạo, cống hiến hết mình cho sự nghiệp.
Yếu tố thứ sáu: Học tập suốt đời phải trở thành nghĩa vụ của từng người dân với sự phát triển bền vững của xã hội, mọi người dân là học tập suốt đời để trở thành con người có tri thức, có lối sống văn hóa hiện đại, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hi sinh vì sự thịnh vượng đất nước, vì hạnh phúc nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các học sinh tiêu biểu tham dự Chương trình ''Trại hè yêu thương'' vào tháng 5/2024. Ảnh: VPCTN
Những thách thức mà nền giáo dục phải đối mặt, việc xây dựng xã hội học tập phải đổi mới và hoàn thiện mô hình hiện đang vận hành
1. Tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức, trước hết là các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế đều bộc lộ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao với trình độ đào tạo ở bậc đại học. Vốn nhân lực (Human Capital) trong kinh tế tri thức hạn chế thì năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ thấp kém. Hiện trạng này đòi hỏi các hệ thống giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy trong xã hội học tập phải được tổ chức lại và đổi mới đồng bộ.
2. Trong giai đoạn 2025-2035, rất nhiều nghề mới xuất hiện, nhiều nghề cũ biến mất, cơ cấu ngành nghề thay đổi nhanh. Nhiều nghề đồi hỏi phải đào tạo mới hoàn toàn, nhiều nghề lại yêu cầu nhanh chóng nâng cao những kỹ năng đã có (Upskills), song cũng không ít việc làm đòi hỏi đào tạo lại kỹ năng (Reskills). Đây là một bài toán khó trong việc tiến hành học tập của người lớn vì công việc họ đang đảm nhận.
3. Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, từ cuối thập niên 2021-2030, hiện tượng già hóa dân số ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện, và đến năm 2040, dân số Việt Nam sẽ vượt qua mức 107 triệu người. Tại thời điểm đó, thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam kết thúc. Tỷ lệ dân số phụ thuộc tăng lên theo thời gian. Nếu người cao tuổi không có một chương trình học tập thường xuyên có hiệu quả, áp lực về ngân sách quốc gia chi cho các lĩnh vực an sinh của người lớn sẽ ngày càng cao. Học tập suốt đời đối với người về hưu, người già cả, người sống lâu sẽ ra sao để người cao tuổi luôn được sống vui, sống khỏe, sống có ích?
4. Việc triển khai xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn về phương diện thể chế. Trong Hiến pháp, Luật giáo dục và nhiều văn bản dưới luật về giáo dục còn rất lu mờ về xã hội học tập, về những chính sách giáo dục thường xuyên, giáo dục người lớn và học tập suốt đời. Nguyên nhân sâu xa là sự nhận thức của không ít cán bộ quản lý xã hội, quản lý giáo dục cũng như cán bộ trong các cơ quan hoạch định chính sách phát triển sự nghiệp xã hội học tập còn nhiều hạn chế, thiếu tầm nhìn xa về sự nghiệp này và cũng thiếu thấu hiểu các xu thế phát triển xã hội học tập trên thế giới.
5. Nhiều bộ, ngành và tổ chức xã hội, nhiều doanh nghiệp và nhiều trường đại học vẫn chưa trực tiếp tham gia xây dựng xã hội học tập. Điều này làm hạn chế sức mạnh liên kết các lực lượng xã hội trong xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa.

Người dân có thể tiếp cận với mọi nguồn tri thức từ hệ thống thư viện mở. Minh họa: Bộ VHTT và DL
Những yêu cầu đặt ra cho việc cấu trúc lại mô hình xã hội học tập và bổ sung những chỉ số đánh giá trong bộ tiêu chí đánh giá các mô hình học tập
1. Đối với việc cấu trúc lại mô hình xã hội học tập
Trong giai đoạn 2025-2030, mô hình xã hội học tập hiện tại cần có những thay đổi trong cấu trúc tổng quát bởi:
- Chương trình chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi phải chuyển đổi số triệt để trong toàn bộ các hệ thống, trong đó có hệ thống giáo dục mở (xã hội học tập) từ cơ cấu tổ chức, hệ thống nhân sự, phương thức quản trị, mục tiêu đào tạo.
- Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có đủ nhân lực để thực hiện một nền kinh tế xanh, một phương thức tuần hoàn trong sản xuất, một môi trường sinh thái xanh với những con người có những kỹ năng xanh (tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh).
- Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khóa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học và công nghệ, phát huy mọi tài năng, tận dụng tối đa tiềm năng của các dữ liệu, nâng cao năng lực tự chủ đối với các công nghệ chiến lược (Strategic Technology), công nghệ cốt lõi (Core Technology) và công nghệ nguồn (Source Technology).
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi mọi lĩnh vực hoạt động trong hệ thống kinh tế quốc dân, bao gồm lĩnh vực giáo dục phải tạo ra những đột phá làm nền tảng cho sự cất cánh. Xã hội học tập ở Việt Nam đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức trên địa bàn cơ sở và bắt đầu thực hiện mục tiêu "Cả nước là một xã hội học tập" trên nền tảng phát triển tỉnh học tập, thành phố học tập. Cấu trúc của xã hội học tập của Việt nam sẽ được thiết kế để có thể tạo ra những thành phố học tập, những khu đô thị học tập, những khu công nghiệp học tập... Trên nền tảng mô hình học tập cấp xã hiện nay; tham gia ngày càng sâu rộng mạng lưới thành phố học tập toàn cầu theo quan điểm chỉ đạo trong Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư.
2. Đối với mô hình công dân học tập
Dựa trên yêu cầu cấu trúc lại mô hình xã hội học tập, mô hình công dân học tập sẽ cần được bổ sung những kỹ năng và phẩm chất của người dân trong xã hội số với nền kinh tế số và xã hội xanh, xã hội thông mình, hòa mình và thân thiện với môi trường thiên nhiên.
- Năng lực số (Digital Competence) được coi là năng lực cốt lõi hàng đầu để mỗi công dân thực hiện được yêu cầu học tập suốt đời và tự học chủ yếu theo phương thức học tập điện tử (e-learning), triển khai học tập trực tuyến nhằm giúp cho việc học tập thường xuyên năng động, linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả cao.
- Chỉ đạt được danh hiệu "công dân số" thì mới coi là đạt yêu cầu chính trong việc phấn đấu trở thành công dân học tập.
- Những công dân học tập có đủ tố chất của công dân toàn cầu sẽ được coi là công dân học tập xuất sắc.
- Tỷ lệ công dân học tập trong gia đình phải đạt mức cao (80-90% số thành viên trong gia đình) thì gia đình mới đạt danh hiệu "Gia đình học tập" trong giai đoạn 2026-2030.
- Gia đình học tập là chỉ số cơ bản để công nhận danh hiệu "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập".
Đề xuất cấu trúc mới của mô hình xã hội học tập giai đoạn 2026-2030

Mô hình xã hội học tập (dự kiến) trong giai đoạn chuyển đổi số theo tinh thần Bình dân học vụ số.
Cấu trúc xã hội học tập giai đoạn 2026-2030 vẫn nên theo 3 yêu cầu về xã hội học tập mà UNESCO thể hiện qua logo "tòa nhà xã hội học tập" có 3 phần:
Mái nhà: Những lợi ích phải đạt được trong triển khai xã hội học tập.
Cột nhà: Những yêu cầu trong các hoạt động khi mô hình xã hội được vận hành.
Thềm nhà: Những điều kiện bảo đảm việc xây dựng và phát triển mô hình xã hội học tập được bền vững.