Cậu Vàng và lão Hạc Kim Lân trong 'Làng Vũ Đại ngày ấy': Chuyện bây giờ mới kể
Cháu gái nhà văn Kim Lân, Lão Hạc của 'Làng Vũ Đại ngày ấy' kể, cậu Vàng trong phim có thể chăn đàn bò 30 con, ông chủ người dân tộc có hoàn cảnh khá giống lão Hạc.
Ngay từ khi công bố những hình ảnh đầu tiên, Cậu Vàng – bộ phim điện ảnh lấy cảm hứng từ một số tác phẩm của nhà văn Nam Cao - đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của những người yêu văn học và điện ảnh. Hôm nay (8/1), khi bộ phim được công chiếu rộng rãi tại các rạp.
Bên cạnh việc chờ đón xem liệu chú chó Nhật Inu Shiba có hợp với vai diễn trong phim mới không, nhiều khán giả Việt nhớ đến một cậu Vàng khác từng xuất hiện rất ấn tượng trên màn ảnh, đó là cậu Vàng trong bộ phim kinh điển Làng Vũ Đại ngày ấy sản xuất năm 1982, đạo diễn là NSND Phạm Văn Khoa. Nhân vật lão Hạc do nhà văn Kim Lân đảm nhận.
Chị Hiền Trang, cháu nội nhà văn Kim Lân, chia sẻ câu chuyện hậu trường thú vị của bộ phim này và nhân vật cậu Vàng với phóng viên VTC News trong thời điểm khán giả chờ xem phim "Cậu Vàng" vừa sản xuất.
Trong hồi ức của cô cháu gái, nhà văn Kim Lân là người chỉn chu, tinh tế trong mọi việc. Ông viết ít, đóng phim cũng không nhiều, nhưng dù là sáng tác hay nhập vai, ông đều nghiên cứu tỉ mỉ, trăn trở, đau đáu. Ở phân cảnh lão Hạc tự tử bằng bả chó, Kim Lân tập diễn thử nhiều lần ở nhà, có lúc khiến người thân lo lắng vì tưởng ông ốm, mệt.
Tuy nhiên, cảnh người đóng còn có thể kiểm soát được, chứ các cảnh đóng cùng bạn diễn 4 chân đều khiến cả ông và đoàn làm phim lo lắng.
“Ông tôi kể rằng, vào thời điểm ấy, cả đoàn làm phim rất đau đầu khi đi tìm một chú chó có thể vào vai Cậu Vàng, nhất là lại cho một phân cảnh lấy nước mắt khán giả. Ông và đoàn làm phim đã nuôi và rèn một chú chó khác hơn cả tháng trời, nhưng trong buổi quay thử, chú chó vẫn không hợp tác”, chị Hiền Trang nói.
Giữa lúc tất cả đang “vật lộn" ở phim trường vì không thể thuần phục chú chó được huấn luyện, người dân xúm vào xem, một người đàn ông dân tộc cũng dắt chó của mình đến. “Đó hẳn là một khoảnh khắc rất đặc biệt, vì ông tôi lập tức bị ấn tượng mạnh!”, cháu gái nhà văn Kim Lân nói.
Trong câu chuyện trà dư tửu hậu sau này với cô cháu gái, "lão Hạc" hào hứng kể: “Ông già người dân tộc đó người săn chắc, quắc thước. Bên cạnh ông ấy là một con chó to, cả hai lững thững đi từ khu rừng ra. Con chó Bắc Hà chỉ đứng đó, điềm tĩnh và thản nhiên nhìn con chó của đoàn phim đang quay cuồng trong phim trường".
Sau một hồi, thấy các diễn viên quá vất vả, người đàn ông dân tộc ngỏ ý cho đoàn phim mượn con chó của mình, tên là… Gấu, giống Bắc Hà sống ở vùng núi cao Tây Bắc, vốn được mệnh danh là một trong “tứ đại quốc khuyển” của Việt Nam.
Dù được cho mượn chó quý nhưng ban đầu, đoàn làm phim vẫn có phần e ngại vì Gấu chưa quen. Nhưng thật bất ngờ, khi chủ ghé tai và bảo: "Từ nay, ông này sẽ là chủ của mày nhé, ông ấy bảo gì mày phải nghe lời!", người bạn 4 chân ngoan ngoãn để nhà văn Kim Lân dắt đi cùng đoàn phim.
Để làm thân, Kim Lân cho Gấu ăn hằng ngày, chơi với nó như bạn. “Dù vậy, thi thoảng ông tôi bảo vẫn có cảm giác hơi rón rén, vì Gấu rất to, sự điềm tĩnh nhưng cũng rất dữ dội của nó toát ra át vía người xung quanh", chị Hiền Trang kể. Dần dần, Gấu đã quen hơn. Trong đoàn làm phim, cứ mỗi khi “lão Hạc” đi đâu thì Gấu cũng theo đấy, như thể ông là chủ thật của nó.
Chú chó diễn rất đạt những biểu cảm trong phân cảnh quan trọng khi bị bắt. Ấn tượng nhất là khi được bảo "Giả chết đi!", diễn viên 4 chân lập tức lăn ra, hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc, không hổ danh là chó Bắc Hà.
“Khi phim đóng máy, ông tôi vì quá thích Gấu nên đã ngỏ lời mua lại chó của ông chủ người dân tộc. Nhưng người đàn ông ấy chỉ cười: ‘Vợ tôi đã mất, con tôi đi bộ đội nên tôi coi Gấu như con. Chó của tôi một ngày chăn cả đàn bò 30 con, ngày nào không có nó tôi rất vất vả. Tôi nhớ nó lắm, không có nó làm sao được!".
Kỳ lạ, câu chuyện ấy có rất nhiều nét tương đồng với chuyện của lão Hạc trong truyện ngắn Nam Cao, cũng vợ mất sớm, con trai đi xa, cũng coi chú chó sống cạnh mình như con, không nỡ rời xa.
Khi hoàn thành nhiệm vụ đóng phim, nghe ông chủ đích thực của mình huýt sáo gọi, "cậu Vàng" trở lại làm Gấu - chú chó chăn bò và về với nơi thuộc về mình, vùng rừng núi.
“Sau này, ông nội tôi vẫn nhớ thương chú chó ấy. Ông nuôi nhiều chó, và cũng đặt tên vài con là Gấu, nhưng khôn và tinh nhanh như cậu Vàng năm ấy chắc cũng là xưa nay hiếm!” - cháu nội nhà văn Kim Lân nói.