Cầu vượt 17 km là cơ hội để Cần Giờ tham gia cuộc chơi kinh tế biển
Huyện Cần Giờ nằm trong một hệ sinh thái kinh tế biển có sẵn và đang rất phát triển ở hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Cầu vượt biển Cần Giờ sẽ là cơ hội để TP.HCM gia nhập cuộc chơi này.
Bổ sung cầu vượt biển Cần Giờ nối huyện Cần Giờ với TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào quy hoạch chung xây dựng TP.HCM giai đoạn 2021-2040, tầm nhìn đến 2060 là đề xuất vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) một lần nữa gửi tới thành phố.
Kiến nghị này của HoREA gợi lên băn khoăn về tính thực tế khi mà cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) vẫn đang chờ nguồn vốn và phà Bình Khánh là lựa chọn duy nhất của người dân nơi đây nếu muốn di chuyển vào trung tâm TP.HCM.
Vậy, việc xây một cầu vượt biển nối huyện Cần Giờ với Bà Rịa - Vũng Tàu có phải mục tiêu quá xa vời?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, lý giải đề xuất này được đưa ra với tầm nhìn dài hạn chứ không phải thực hiện ngay trong nay mai. Nếu trong bản quy hoạch chung tầm nhìn đến 2060 của TP.HCM không có chủ trương này thì có lẽ người dân Cần Giờ sẽ khó có được một cây cầu vượt biển trong tương lai gần.
Ở góc nhìn bao quát hơn, quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity, cho rằng việc phát triển Cần Giờ phải được đặt trong bối cảnh vùng thay vì chỉ gói gọn ở sự phát triển của TP.HCM.
Tại sao chọn cầu vượt biển thay vì hầm?
Trong bản góp ý được gửi đi hồi đầu tháng 2, HoREA đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc nghiên cứu bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ nối Cần Giờ với Vũng Tàu vào quy hoạch chung TP.HCM; và bổ sung vào quy hoạch đường ven biển phía đông (đoạn từ TP.HCM qua Cảng biển quốc tế Tân Tập tỉnh Long An và các tỉnh ven biển phía nam đến tỉnh Kiên Giang).
Đề xuất xây hầm vượt biển dài 25 km hoặc cầu vượt biển dài 17 km nối Cần Giờ và Vũng Tàu đã được một số nhà khoa học đưa ra từ năm 2017. Mục tiêu là hình thành chuỗi đô thị biển từ Vũng Tàu đến Cần Giờ và tới Gò Công (Tiền Giang). Kể từ đó, HoREA đã nhiều lần đưa kiến nghị này với TP.HCM. Theo ý tưởng của HoREA, cây cầu sẽ dài khoảng 17 km với độ tĩnh không lên tới xấp xỉ 56 m để tàu biển quốc tế có thể ra vào thuận lợi.
Về giá trị giao thông, ông Châu cho rằng cây cầu sẽ là “dấu gạch nối” hoàn thiện tuyến đường ven biển phía đông. Hiện, tuyến đường này bắt đầu từ Hàm Tân (Bình Thuận) và đến Bà Rịa - Vũng Tàu thì kết thúc, phương tiện phải di chuyển một quãng đường rất xa để tới TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (từ quốc lộ 51 qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để ra quốc lộ 1A).
Nếu có cây cầu vượt biển này, từ tuyến đường ven biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân có thể dễ dàng tới TP.HCM qua Cần Giờ. Ông Châu cho biết thêm một tập đoàn lớn đã có đề nghị làm đường trên cao của đường Rừng Sác, kết nối với cầu Cần Giờ để nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Từ đó, con đường nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây.
Nhìn xa hơn, bên kia huyện Nhà Bè là cảng biển quốc tế Tân Tập (Cần Giuộc, Long An), tạo thành tuyến đường ven biển nối cầu Mỹ Lợi thông suốt xuống miền Tây.
Ngoài giá trị giao thông, du lịch, ông Châu cho rằng cây cầu vượt biển này sẽ mang tính chất biểu tượng, là điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan cho Vùng TP.HCM.
Lý giải việc đề xuất xây cầu thay vì hầm, ông Châu dẫn chứng hầm Thủ Thiêm được mệnh danh là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, thế nhưng, thực tế công trình ngầm này không thể tạo cảnh quan cho thành phố. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho hầm đường bộ tốn gấp 3 lần đầu tư cầu nổi, chi phí bảo dưỡng lớn hơn. Do đó, việc chọn đầu tư cầu vừa tạo ra cảnh quan, vừa hiệu quả về kinh tế.
Đại diện HoREA cho biết để thực hiện một cây cầu phải qua nhiều bước, nhưng trước hết là phải bổ sung vào quy hoạch giao thông đường bộ quốc gia.
Nói về bài toán tài chính, ông Châu nhận định chắc chắn nguồn vốn Nhà nước “không kham nổi” mà phải thu hút đầu tư bằng xã hội hóa, nhưng để thu hút được trước hết phải có chủ trương.
“Nếu cây cầu này không có trong quy hoạch thì đừng nói đến tính thực tiễn. Cứ có quy hoạch thì sẽ có nhà đầu tư, còn không có quy hoạch, tức không có chủ trương, thì làm sao nhà đầu tư tham gia được”, ông phân tích.
Bảo vệ cơ hội cho tương lai
Nhìn rộng hơn về tiềm năng phát triển của Cần Giờ, quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity, cho rằng nơi đây có cơ hội phát triển như một đô thị độc lập vì khoảng cách xa với trung tâm.
Phân tích sâu hơn, ông nhận định Cần Giờ có 2 vấn đề cần giải quyết là kinh tế biển và môi trường.
Nếu chỉ nhìn vào ranh giới hành chính, Cần Giờ rất “trơ trọi” trong TP.HCM. Nhiều người lo lắng về sự phát triển của địa phương do đặc điểm xa trung tâm cũng như cần đảm bảo các yếu tố về bảo tồn hệ sinh thái. Nhưng ở góc độ liên kết vùng, huyện này nằm trong hệ sinh thái về kinh tế biển đã hình thành và đang lớn mạnh.
Phía Đông Nam Cần Giờ là vịnh Gành Rái với một vùng công nghiệp biển sôi động gồm khu công nghiệp lọc dầu Long Sơn, khu công nghiệp dầu khí Vũng Tàu, khu công nghiệp nặng Phú Mỹ, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Trong bối cảnh đó, hai bên vịnh Gành Rái rất cần khai thác cơ hội để nơi đây có thể trở thành vịnh Tokyo (Nhật Bản), vịnh San Francisco (Mỹ) hay vùng vịnh cửa sông Châu Giang (Quảng Đông, Trung Quốc). Việc kết nối giữa Cần Giờ và Vũng Tàu qua vịnh Gành Rái có thể được xem xét trong bối cảnh này.
Ông Dũng cho rằng nếu chỉ nhìn vào Cần Giờ trong ranh giới TP.HCM, chúng ta sẽ thấy một vùng đất xa xôi và nhạy cảm về môi trường. Nhưng nếu mở rộng tầm mắt sang phía bên kia sông Thị Vải và vịnh Gành Rái, chúng ta sẽ thấy rất nhiều cơ hội kinh tế.
Cần đưa vào quy hoạch một kết nối giao thông giữa Cần Giờ và Vũng Tàu để bảo vệ cơ hội cho tương lai
Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng
"Điều này có nghĩa rằng chúng ta cần nhìn nhận cả thách thức về môi trường và cơ hội về kinh tế trong bối cảnh vùng. Tôi đồng ý rằng cần đưa vào quy hoạch một kết nối giao thông giữa Cần Giờ và Vũng Tàu để bảo vệ cơ hội cho tương lai, còn việc triển khai thực tế phải được đánh giá so sánh giữa chi phí và lợi ích mang lại”, ông Dũng chỉ ra vấn đề.
Chuyên gia kiến nghị TP.HCM phải chớp cơ hội, tận dụng mặt tiền biển tại Cần Giờ và tham gia vào hệ sinh thái kinh tế biển đang rất lớn mạnh ở phía Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời phối hợp với tỉnh bạn để bảo vệ giá trị môi trường cốt lõi của Cần Giờ.
Vịnh Gành Rái là trung tâm hậu cần của kinh tế biển ở Việt Nam với cảng, khu công nghiệp, khu lọc dầu đã và đang hình thành. Chuyên gia dự báo đây sẽ là một trung tâm kinh tế biển lớn nhất nước và cần tiếp tục được phát triển để chúng ta có thể làm chủ và khai thác biển đảo Việt Nam.
“Cần Giờ có thể là một cơ hội cho TP.HCM tham gia vào cuộc chơi. Tôi cho rằng điều quan trọng là thành phố phải có vai trò dẫn dắt, ít nhất là về chiến lược tổng thể. Còn tất nhiên các nhà đầu tư mới là đơn vị triển khai, nhưng thành phố phải biết là thành phố muốn gì ở đấy”, ông Dũng nói.
Ông Dũng lưu ý thêm Cần Giờ không thể chỉ là một dạng bất động sản mà cần một chiến lược toàn diện về kinh tế biển. Kế hoạch của nhà đầu tư phải là một phần trong chiến lược tổng thể của TP.HCM cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa khu vực vịnh Gành Rái thành một trung tâm kinh tế biển hùng mạnh.
“Đặt trong bối cảnh đấy thì thấy cơ hội rất lớn. Kinh tế biển là điều rất quan trọng với Việt Nam bởi vì muốn bảo vệ chủ quyền biển thì phải có năng lực quản lý và khai thác nó. Chúng ta phải có hiểu biết về vùng biển thuộc chủ quyền thì mới có thể bảo vệ nó được”, ông phân tích.