Cấy 32 con chip vào người để thanh toán
Paumen đưa chip vào người để thanh toán không chạm, mở cửa tự động. Ông cho rằng mình không thể sống nếu thiếu chúng.
Patrick Paumen (37 tuổi) thường gây xôn xao mỗi khi thực hiện thanh toán trong các cửa hàng hay quán ăn. Thay vì dùng thẻ ngân hàng hay điện thoại như thông thường, người đàn ông này lại đặt tay trái của mình gần đầu đọc thẻ để trả tiền.
Paumen đã sử dụng công nghệ cấy chip thanh toán phi vật lý vào tay từ năm 2019. “Quá trình này chỉ đau như có người véo nhẹ vào da thôi”, Paumen chia sẻ với BBC.
Paumen tự mô tả mình là một người “bẻ khóa sinh học” (biohacker), với sở thích cấy các công nghệ vào cơ thể nhằm cải thiện cơ chế sinh học của bản thân. Người đàn ông này đã cấy tổng cộng 32 thiết bị vào người, trong đó bao gồm chip giúp mở cửa tự động và hút nam châm.
Ông thậm chí còn muốn cấy thêm nhiều thứ khác vào người. “Những thiết bị cấy ghép này mở rộng giới hạn của cơ thể tôi. Tôi không muốn sống nếu thiếu chúng”, Paumen chia sẻ.
Lo ngại về bảo mật thông tin, theo dõi người dùng
Với nhiều người, việc cấy chip vào người nghe có phần man rợ. Tuy nhiên, trong một khảo sát 4.000 người tại Anh và các nước thuộc Liên minh châu Âu, 51% cho biết họ sẽ cân nhắc về lựa chọn này. Tuy nhiên, những vấn đề về xâm phạm và bảo mật vẫn là mối lo ngại với những người này.
Theo CEO Wojtek Paprota của công ty cấy chip Walletmor, đây không phải là vấn đề cần lo.
“Chip sử dụng những công nghệ xuất hiện trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Từ chìa khóa điều khiển từ xa, thẻ xe buýt đến thẻ ngân hàng đều sử dụng thanh toán phi vật lý”, ông Paprota khẳng định.
Mặt khác, khi công nghệ này trở nên tân tiến, lưu trữ nhiều dữ liệu cá nhân hơn, câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể bảo mật những thông tin này hoặc có theo dõi người dùng hay không.
Theo Theodora Lau, chuyên gia trong lĩnh vực fintech, những con chip này chỉ là một cách thức mới giúp con người liên kết và trao đổi dữ liệu. Dù ủng hộ ý tưởng này vì độ tiện lợi và nhanh chóng của nó, Lau cho rằng người dùng cần cân nhắc một vài rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là khi những con chip này chứa thông tin riêng tư của họ.
“Chúng ta sẽ phải trả giá bao nhiêu cho sự tiện lợi? Liệu đâu mới là giới hạn để bảo vệ riêng tư và bảo mật của người dùng? Và ai mới là người kiểm soát công nghệ này”, cô liên tục đưa ra những nghi vấn.
Nada Kakabadse, giáo sư tại Đại học University of Reading, cho rằng mặt tối của công nghệ này có thể sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Cấy chip vào người sẽ mở ra cơ hội cho kẻ xấu kiểm soát, thao túng hoặc áp bức người khác.
“Ai sẽ là người người sở hữu và có khả năng truy cập vào khối dữ liệu khổng lồ này? Liệu việc cấy chip vào người có phù hợp với quy chuẩn đạo đức hay không”, bà đặt vấn đề.
Thanh toán không cần thẻ ngân hàng hay điện thoại
Steven Northam, giảng viên tại Đại học Winchester, cho rằng những nghi vấn trên không hề có cơ sở. Ông đã nghiên cứu về chip phi vật lý từ 2017 và công bố con chip giúp người khuyết tật mở cửa tự động.
“Tôi đã thực hiện 500 cuộc phẫu thuật cấy ghép trên toàn nước Anh. Công nghệ này đã được sử dụng trên động vật trong nhiều năm qua và những con chip rất nhỏ, không hề gây hại”, ông khẳng định.
Đã xuất hiện từ năm 1998 nhưng công nghệ cấy chip vào người chỉ mới phổ biến trong vòng vài năm trở lại đây. Walletmor là công ty đầu tiên mở bán dịch vụ này cho người dùng. Wojtek Paprota, nhà sáng lập và CEO của hãng, cho biết con chip có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, miễn là chấp nhận thanh toán phi tiếp xúc.
Con chip của Walletmor nặng chưa đến 1 gram và chỉ lớn hơn hạt gạo một chút. Nó bao gồm một vi mạch siêu nhỏ và một ăngten được bọc trong polyme sinh học, vật liệu có nguồn gốc từ tự nhiên, tương tự như nhựa.
Wojtek Paprota khẳng định công nghệ này hoàn toàn an toàn, đã được chính quyền thông qua và có thể sử dụng ngay sau khi cấy vào da người. Con chip sẽ được cố định tại chỗ và không cần sử dụng pin hoặc các nguồn điện khác. Vị CEO còn cho hay hiện công ty đã bán được hơn 500 con chip ra ngoài thị trường.
Về mặt kỹ thuật, con chip của Walletmor dựa trên công nghệ NFC, vốn được ứng dụng trong các hệ thống thanh toán không tiếp xúc trên smartphone. Còn những hãng cấy chip khác sẽ sử dụng công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến (RFID), thường thấy trong thẻ tín dụng thông thường.
Tuy nhiên, khoảng cách sử dụng sẽ bị giới hạn bởi chiều dài của sợi ăng ten. Do đó, công nghệ này chỉ hiệu quả khi con chip nằm trong trường điện từ của đầu đọc NFC hoặc RFID.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ong-cay-32-con-chip-vao-nguoi-post1309889.html