Cây bồ đề thay lá
Cây bồ đề đã trút hết các lá vàng và giờ đây thay bằng từng nhành lá non tươi mới. Cây thay lá như lòng người trút bỏ bao muộn phiền, trở về nguồn cội sơ khai. 'Nhân chi sơ, tính bổn thiện', có lẽ khởi đầu của tất cả chúng ta đều là những con người lương thiện, vô tư, như những chiếc lá bồ đề xanh non này, lung linh hồn nhiên, vi vi vu vu vờn quanh tượng Phật trong một ngày nắng mới.
Cây bồ đề đã trút hết các lá vàng và giờ đây thay bằng từng nhành lá non tươi mới. Cây thay lá như lòng người trút bỏ bao muộn phiền, trở về nguồn cội sơ khai. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, có lẽ khởi đầu của tất cả chúng ta đều là những con người lương thiện, vô tư, như những chiếc lá bồ đề xanh non này, lung linh hồn nhiên, vi vi vu vu vờn quanh tượng Phật trong một ngày nắng mới.
Tác giả: Bùi Thị Kim Loan
Công Ty Gốm Sứ Minh Phát
Số 1/330 Khu Phố Hòa Lân 2, Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương
Tôi ngồi dưới táng cây bồ đề, nhìn lên thấy từng chùm lá non đang ánh lên dưới mặt trời một màu xanh mơn mởn. Trên cao có những chùm mây trắng trôi lơ đãng. Tiếng chim ríu ríu trên cành như đang ca hát say sưa. Giữa sớm mai thanh khiết đó, làn hương trầm ai đó vừa thắp thong thả bay lên, cay cay tròng mắt. Cây bồ đề gần trăm năm tuổi lừng lững một khoảng trời. Ngự dưới bóng mát cây bồ đề là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, bên áng hương rì rầm tiếng Nam mô khấn nguyện.
Mỗi năm một lần sau tết Âm lịch, tôi đến Bồ đề đạo tràng ở trung tâm thị xã Châu Đốc, An Giang thắp hương lễ Phật. Thành lệ, tôi đi từ chiều tối hôm trước từ nhà, và đến đây cũng là lúc trời vừa rạng sáng, khi những tia nắng đầu tiên soi trên mái tam quan.
Bồ đề đạo tràng có kiến trúc đơn giản, phía trước là Quan Âm Các, phía sau là Chánh điện, ở giữa là khoảng sân có cây bồ đề và một hồ sen nhỏ. Một lầu chuông và một lầu trống nằm khiêm tốn hai bên Chánh điện. Lúc tôi vừa đặt chân đến cũng là lúc một hồi chuông sớm vang lên, bồng bềnh trong không gian yên tịnh.
Ảnh: Kim Loan
Thường thì sau khi hành lễ, tôi đến ngồi lên chiếc ghế đá mà phật tử cúng dường cạnh tường rào của đạo tràng để chiêm ngưỡng cảnh thiền, điều mà tôi vô cùng thích thú mỗi khi đến đây.
Đưa tay nhặt một chiếc lá bồ đề có lẽ đã rụng từ đêm qua, tôi mường tượng từng đường nét của đức Phật đang tọa thiền thấp thoáng trong đường gân lá. Cảm giác bình yên cũng như làn gió sớm lan tỏa tận các ngõ ngách tâm hồn, chảy tràn ra ánh mắt, khiến ánh mắt nhìn ai cũng thật dịu dàng, ấm áp.
Chắc có lẽ điều đó bắt nguồn từ Phật tích của nơi này. Cây bồ đề này chính là cây con của cây bồ đề bảo thọ ở Ấn Độ khi xưa mà đức Phật đã tọa thiền và đã đạt được giác ngộ.
Năm 1951, Đại đức Jinara Jadasa, cố Hội trưởng Hội Thông thiên học quốc tế tại Ấn Độ hiến cây bồ đề cho nước Việt Nam để làm quốc bửu.
Ông Phạm Ngọc Đa, Hội trưởng Hội Thông thiên Học Việt Nam xin được cây bồ đề và nhờ bà Nguyễn Thị Hai sang Ấn Độ thỉnh về để trồng tại tỉnh lỵ Châu Đốc.
Điều này được khắc trên bia cẩm thạch gắn trên mặt tháp tứ giác tại Bồ đề đạo tràng. Phật tích này cũng giải thích vì sao nơi này có tên gọi như vậy, vì được đặt theo tên gọi nơi mà đức Phật thiền định đạt thành chánh quả.
Bồ đề đạo tràng Châu Đốc còn hai Phật tích nữa. Phật tích thứ nhì là vào năm 2000, ông Trương Hưng – một thành viên của Bồ đề đạo tràng (Châu Đốc) có dịp đi Ấn Độ chiêm bái Bodh Gaya. Tại cội bồ đề linh thiêng, ông đã kính thỉnh nhúm đất nơi gốc cây này đem về đựng trong bảo tháp đặt tại Bồ đề đạo tràng.
Phật tích thứ ba, vô cùng trân quý, là viên ngọc xá lợi màu trắng bóng, nhỏ cỡ hai hạt gạo. Ngọc xá lợi được đựng trong một chiếc hộp đặt trong tủ kính. Tủ kính này được đặt trong Xá lợi bảo tháp, tọa lạc giữa Chánh điện. Xá lợi bảo tháp hình tháp tứ giác, bốn mặt ghi kể phật tâm của những người góp sức làm nên Bồ đề đạo tràng.
Lan man theo dòng suy nghĩ và xuất sứ của cây bồ đề, tôi cảm thấy mình gần gũi làm sao với đấng từ bi. Từng bước chân đức Phật nhẹ nhàng nở những đóa hoa sen, đưa hương thơm rưới vào lòng người, xoa dịu những khổ đau trần thế. Những lời dạy từ chính cách sống của đức Phật, cách đối diện với vô thường như còn sống mãi với thời gian.
Ấy vậy mà có đôi lúc con người ta cũng lãng quên đi những đạo lý ấy giữa dòng đời vội vã. Mục đích mỗi năm đều đến đây một lần của tôi là một cách để nhắc nhớ và đánh thức chánh niệm, không để nó lu mờ hoặc bị cuốn trôi đi theo gió bụi trần.
Lại một năm nữa trôi qua, cây bồ đề đã trút hết các lá vàng, giờ đây thay bằng từng nhành lá non tươi mới. Cây thay lá như lòng người trút bỏ bao muộn phiền, trở về nguồn cội sơ khai. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, có lẽ khởi đầu của tất cả chúng ta đều là những con người lương thiện, vô tư, như những chiếc lá bồ đề xanh non này, lung linh hồn nhiên, vi vi vu vu vờn quanh tượng Phật trong một ngày nắng mới.
Tác giả: Bùi Thị Kim Loan
Công Ty Gốm Sứ Minh Phát
Số 1/330 Khu Phố Hòa Lân 2, Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cay-bo-de-thay-la.html