Cây bưởi trên đất rừng Đồng Quế

Với lợi thế về đất đai, gia đình ông Nguyễn Công Ninh, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích khu đất đồi rừng kém hiệu quả trở thành những vườn bưởi sum suê, trĩu quả. Nhờ mô hình này đã giúp gia đình ông Ninh có nguồn thu nhập ổn định hằng năm và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Phát triển cây bưởi đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Nguyễn Công Ninh. Ảnh: Trà Hương

Phát triển cây bưởi đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Nguyễn Công Ninh. Ảnh: Trà Hương

Nằm sâu trong vùng đất đồi rừng thuộc thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế, những vườn bưởi xanh của gia đình ông Ninh làm cái nắng oi ả của mùa hè dường như dịu lại.

Đưa chúng tôi đi thăm những vườn bưởi hàng trăm gốc, ông Ninh tự hào khoe đây là thành quả của việc mạnh dạn chuyển đổi rừng cây bạch đàn, cây tre bạc màu sang trồng cây ăn quả của gia đình từ nhiều năm trước.

Ông Ninh chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 ha đất đồi rừng, trước đây chỉ trồng tre, bạch đàn, giá trị kinh tế thấp lại khiến đất đai trở nên khô cằn, bạc màu. Với mong muốn tận dụng lợi thế đất đai phát triển kinh tế, gia đình tôi quyết định chuyển hướng cải tạo đất rừng sang trồng cây ăn quả để mảnh đất cằn cỗi "đơm hoa kết trái".

Nghĩ là làm, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu thông tin các loại cây trồng trên sách báo và đi tham quan, học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi. Năm 2016, gia đình tôi bắt đầu cải tạo 1 ha đất rừng trồng cây kém hiệu quả sang trồng bưởi vì theo tìm hiểu, bưởi vốn là giống cây dễ thích nghi với đất vườn đồi, khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương".

Sau bao thời gian, công sức cải tạo, quy hoạch rừng thành vườn cây, nhằm khắc phục khó khăn đất cằn cỗi, ông Ninh kết hợp mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gia cầm lấy chất thải cải tạo đất.

Để cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, ông Ninh còn dành thời gian lựa chọn, tìm mua những cây bưởi giống ở các nhà vườn uy tín tại nhiều địa phương. Với 1 ha đất rừng đã cải tạo, ông Ninh trồng khoảng 700 gốc bưởi các loại như bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi ngọt, bưởi tôm xanh….

Thời gian ban đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, nên vườn cây của gia đình phát triển kém, một số cây bị mắc bệnh và chết, buộc phải trồng lại. Không nản lòng, ông tiếp tục tự mày mò tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi.

Cây bưởi phát triển tốt trên đất rừng khô cằn, bạc màu. Ảnh: Trà Hương

Cây bưởi phát triển tốt trên đất rừng khô cằn, bạc màu. Ảnh: Trà Hương

Ngoài ra, khi chăm sóc cây, ông hạn chế thấp nhất chất hóa học, chủ yếu sử dụng phân vi sinh, hữu cơ và các loại bẫy thủ công để diệt côn trùng gây hại. Nhờ đó, vườn bưởi ngày càng phát triển, hạn chế được sâu bệnh, năng suất, sản lượng tăng dần theo từng năm.

Sau 4 năm, vườn bưởi ban đầu đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Nhận thấy cây ngày càng phát triển và phù hợp với chất đất của gia đình, ông quyết định trồng thêm 100 gốc bưởi da xanh để gia tăng giá trị kinh tế.

Không phụ lòng người, sau 6 năm vất vả, hiện nay trên diện tích 1 ha đất đồi rừng, gia đình ông Ninh đã trồng và chăm sóc tốt khoảng 800 gốc bưởi các loại. Mỗi năm một vụ, vườn bưởi nhà cho năng suất khoảng 1 vạn quả/vụ.

Với giá bán từ 10-50 nghìn đồng/quả (tùy từng loại), gia đình ông Ninh có nguồn nhập hàng trăm triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng tre, bạch đàn như trước đây. Bởi nằm xa trung tâm huyện, nên ngoài bán bưởi tại vườn, gia đình ông Ninh còn nhận ship hàng tận nơi, thu hút khách hàng không chỉ trong xã, huyện mà các địa phương lân cận như Hà Nội, Tuyên Quang... thường xuyên đặt mua.

Nhờ cần cù, chịu khó và nêu cao tinh thần “dám nghĩ dám làm”, gia đình ông Ninh đã có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng khá giả. Từ đó càng khẳng định việc chuyển đổi đất đồi rừng trồng cây kém hiệu quả sang cây có giá trị cao của gia đình ông Ninh thực sự mở ra hướng làm vườn rừng mới, cần được nhân rộng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94871//cay-buoi-tren-dat-rung-dong-que