'Cây bút' nghị lực

12 tuổi - căn bệnh oái ác ập đến ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cô bé Nguyễn Phương Thúy (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì). Hơn 25 năm sống trong hình hài teo tóp, cơ thể liệt 90%, đôi tay chỉ cử động được hai ngón nhưng cũng là chừng ấy năm chị nỗ lực vượt lên số phận nghiệt ngã, thắp ngọn lửa đam mê với nghiệp văn chương. Bằng chất văn mượt mà, ngôn từ sâu lắng, chị đã mang đến góc nhìn mới mẻ cho độc giả yêu văn thơ. Mỗi sáng tác của chị luôn mang đậm hơi thở cuộc sống, truyền cảm hứng, sự lạc quan và niềm hy vọng đến mọi người xung quanh.

Những tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn Nguyễn Phương Thúy.

Nguyễn Phương Thúy (sinh năm 1985) là hội viên tiêu biểu của Hội Liên hiệp VNHT tỉnh Phú Thọ- Chuyên ngành Văn xuôi; hội viên Câu lạc bộ Thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ. Chị sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, mẹ mắc bệnh ung thư. Cũng như bao đứa trẻ khác, chị chào đời với một hình hài khỏe mạnh, hoạt bát, tâm hồn trong trẻo mang bao ước mơ, hy vọng vào tương lai.

Nhà văn Nguyễn Phương Thúy.

Vậy nhưng số phận thật trớ trêu, năm lên 12 tuổi một cơn sốt cao ập tới khiến cơ thể chị co cứng, rồi dần mất khả năng vận động. Kể từ ngày đó, mọi sinh hoạt thường nhật, vui chơi và học tập của cô bé tuổi trăng tròn đều chỉ gói gọn trên chiếc giường đơn trong căn phòng nhỏ khép kín. Để nguôi ngoai đi nỗi đau bệnh tật, ngày ngày Phương Thúy tìm kiếm niềm vui và hình dung về cuộc sống tươi đẹp bên ngoài qua những cuốn sách, tập thơ, truyện tranh, những thước phim truyền hình… Chẳng hay từ bao giờ, đam mê văn học, thơ ca dần thắp lên ngọn lửa hy vọng, thôi thúc Thúy nỗ lực vượt khó, để rồi từ đôi bàn tay co quắp, cử động khó khăn, chị bắt đầu luyện viết, sáng tác văn thơ… Năm 1999, bài viết “Cái vốn quý nhất” sáng tác đầu tiên của Phương Thúy được đăng tải trên Báo Thiếu niên Tiền Phong đã ghi dấu mốc đầu tiên của chị trong sự nghiệp văn thơ.

Là người khuyết tật việc sinh hoạt hằng ngày vốn đã rất khó, để tiếp cận với thực tiễn cuộc sống làm phong phú mảng đề tài trong sáng tác văn- thơ chạm đến trái tim độc giả với chị lại càng không dễ dàng. Nhưng bằng tinh thần ham học hỏi, ngày ngày chị nỗ lực tìm hiểu về cuộc sống, xã hội bên ngoài thông qua báo chí, truyền hình, nghiền ngẫm những mảnh ghép chuyện đời - chuyện người qua những thước phim, những câu chuyện hay được chia sẻ trên các diễn đàn tâm sự, trân quý những cơ hội được gặp gỡ các tiền bối tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ để trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm,... để khơi nguồn sáng tạo.

Không đi theo một nguyên tắc cụ thể, Phương Thúy lựa chọn cho mình phong cách sáng tác đa dạng, đa sắc màu. Mảng đề tài nhà văn hướng đến cũng rất phong phú với nhiều chủ đề như: Giới trẻ, tình cảm gia đình, tình yêu tuổi mới lớn, tình yêu quê hương, đất nước, đời sống - xã hội, những lát cắt, phận người trong cuộc sống,… Bằng vốn từ phong phú, chất văn mềm mại, lắng đọng, 25 năm bén duyên với sự nghiệp sáng tác văn thơ, Phương Thúy đã cho ra mắt tám tác phẩm thuộc hai thể loại thơ và truyện ngắn gồm: Cho em một lần (năm 2012); Hôn thầm trong mơ (năm 2013); Đi qua cơn mơ yêu (năm 2015); Bí mật đêm giáng sinh (năm 2016); Có một điều em giấu (năm 2016); Tình trong cõi vô thường (năm 2017); Mộng kỳ duyên (năm 2019) và quyển tập truyện ngắn Những giao lộ phận người (năm 2022).

Quyển tập truyện ngắn “Những giao lộ phận người” NXB Văn học ấn hành ra mắt vào tháng 3 năm 2022 đã để lại tiếng vang lớn trong chặng đường cống hiến cho nền văn thơ nước nhà của Nguyễn Phương Thúy, đánh dấu sự “lột xác”, sự biến hóa đa dạng trong phong cách sáng tác của chị. Đây cũng là tác phẩm đã đạt giải B giải thưởng VHNT toàn quốc năm 2022 và giải C giải thưởng VHNT tỉnh năm 2022. Thông qua tác phẩm, tác giả muốn truyền tải đến độc giả thông điệp sống ý nghĩa đã giúp chị vượt lên số phận: “Hãy sống tích cực. Luôn cảm thông, khoan dung, tha thứ với những nỗi đau, bất hạnh của bản thân và mọi người xung quanh để chữ “tình” luôn còn mãi, chữa lành những tổn thương, nhân lên niềm tin, thắp sáng hy vọng phía cuối đoạn đường u tối …”.

Bích Ngọc

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//net-dep-doi-thuong/cay-but-nghi-luc/190933.htm