Cây cà gai leo trên đồng đất xã Vĩnh Xá
Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Xá (Kim Động) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nông dân xã Vĩnh Xá thu hoạch cà gai leo
Toàn xã đang có trên 5ha trồng cây dược liệu, trong đó cây cà gai leo đang được nhiều hộ dân ở xã lựa chọn là cây trồng chính để phát triển kinh tế. So với nhiều loại cây trồng khác, cây cà gai leo dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh nhưng mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Trung bình, mỗi ha cho năng suất từ 2 đến 3 tấn/vụ. Hiện nay, cà gai leo khô đang được thu mua với giá khoảng 50 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cà gai leo được Hợp tác xã (HTX) Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) bao tiêu nên đầu ra luôn ổn định. Chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Ngô Xá cho biết: Vụ này gia đình tôi trồng 1 sào cà gai leo, mỗi vụ cho thu hoạch 3 đợt, dự kiến đợt này thu hoạch được từ 2,5 đến 3 tạ/sào đã phơi khô. Trời nắng thu hoạch vất vả hơn nhưng dược liệu sẽ nhanh khô và cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Với vai trò là đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu đã đồng hành với người dân xã Vĩnh Xá trong suốt quá trình triển khai, thực hiện. Ông Nguyễn Duy Quý, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập từ năm 2017, gắn liền với việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng cà gai leo. Với mô hình liên kết này, người dân bỏ sức lao động và phân bón, HTX hướng dẫn kỹ thuật và cam kết tiêu thụ tại chỗ, ổn định, bền lâu. Trồng cà gai leo mang lại hiệu quả sản xuất cao gấp 5 đến 6 lần so với gieo cấy lúa cùng chân ruộng.
Theo kinh nghiệm sản xuất của nông dân, cà gai leo là cây trồng ưa sáng, dạng thân bụi, sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt, không chịu được úng ngập; nhân giống bằng hạt, trồng 1 lần có thể cho thu hoạch từ 3 đến 4 năm, thích hợp với chân đất pha cát giàu dinh dưỡng. Căn cứ vào các đặc tính sinh học nói trên, nông dân cần điều tiết các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cà gai leo theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để tăng dược tính cho các vị thuốc cà gai leo, trong quá trình canh tác cây trồng này, cần sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh và hạt đậu tương nghiền mịn, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phòng, trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học, làm cỏ thủ công kết hợp dùng màng nilon phủ luống để giữ ẩm đất, giảm tưới nước, chống xói mòn rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tại địa phương, trồng và phát triển cây dược liệu còn gặp một vài khó khăn như: Việc trồng và mở rộng các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ; các vùng sản xuất dược liệu mang tính hàng hóa tập trung ít, thiếu liên kết bền vững trong sản xuất, chế biến còn gặp nhiều khó khăn… Để khắc phục khó khăn này, xã cần chủ động liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp cùng ngành hàng, gắn sản phẩm với chuỗi giá trị sản xuất, tiêu dùng; đồng thời tăng cường thông tin quảng bá sản phẩm; cải tiến quy trình công nghệ; không ngừng gia tăng năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Phát triển cây dược liệu là hướng đi đang được xã khuyến khích đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu, đặc biệt là trên diện tích đất kém hiệu quả tại địa bàn.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202212/cay-ca-gai-leo-tren-dong-dat-xa-vinh-xa-8652086/