'Cây cam ngọt của tôi': Hành trình bước qua nỗi đau và khám phá vị ngọt tình yêu thương
'Cây cam ngọt của tôi' là tác phẩm thành công vang dội của José Mauro De Vasconcelos. Kể từ khi ra mắt bạn đọc, cuốn sách đã được bán bản quyền cho 20 quốc gia, được đưa vào chương trình tiểu học của Brazil, chuyển thể thành phim điện ảnh... Lật giở từng trang sách, để cảm xúc nương theo những nụ cười, giọt nước mắt, hạnh phúc và đớn đau của cậu bé Zezé, độc giả hiểu được điều gì đã làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt của cuốn tiểu thuyết với văn phong mộc mạc, trong sáng, chân thực trong tình huống truyện, tinh tế trong cảm xúc...
José Mauro De Vasconcelos (1920-1984) sinh ra trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Rio de Janeiro, Brazil. Lớn lên ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng với tài kể chuyện thiên bẩm, trí nhớ phi thường, trí tưởng tượng tuyệt vời cùng vốn sống phong phú, José bắt đầu sáng tác từ năm 22 tuổi. “Cây cam ngọt của tôi” là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện đầy chân thực, độc đáo.
“Cây cam ngọt của tôi” (Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết NXB Hội Nhà văn, 2021) xoay quanh cuộc sống thường ngày và diễn biến tâm lý phức tạp của cậu bé Zezé. Đó là một đứa trẻ lanh lợi, thông minh, ham học hỏi, tinh nghịch và có những suy nghĩ rất khác, “khôn trước tuổi” so với bạn bè đồng trang lứa. Nhiều điều mà cậu bé 5 tuổi ấy có thể làm, những điều cậu bộc bạch khiến người lớn cũng phải ngạc nhiên, xuýt xoa: “Thằng bé này có thể tiến xa”. Tuy nhiên, cuộc sống nghèo khổ và tâm lý áp đặt, phán xét của những người hàng xóm cùng sự vô cảm, thiếu quan tâm từ chính người thân như bóng ma đè nặng lên cuộc sống, tâm hồn đứa trẻ. Em lớn lên như cây cỏ dại ven đường, đón nhận tất cả vang động của cuộc sống mà không có ai đủ thấu cảm, đủ bao dung, nhẫn nại để định hướng, chỉ đường.
Cuộc sống nghèo khó khiến cho gia đình của Zezé luôn chìm trong sự nặng nề. Khắc nghiệt của cuộc sống dạy cho những đứa trẻ biết cách tiết kiệm từng chút một; dạy cho chúng hiểu rằng, mình vô cớ bị đánh bởi vì mình chỉ là một miệng ăn vô tích sự; dạy chúng cách thích bất cứ thứ gì và thích tất cả mọi thứ... Ngay cả trong buổi tối Giáng sinh – cái ngày để mọi người dành thời gian bên gia đình và trao gửi yêu thương thì với Zezé, đó cũng là những trải nghiệm tồi tệ: “Buổi tối giống lễ tang của Chúa Hài Đồng hơn là lễ mừng ngày sinh của Người... Không ai ôm ai cũng chẳng ai nói lời ấm áp nào. Mẹ đi về phòng. Tôi chắc mẹ làm thế để có thể khóc một mình không ai hay biết...”. Trong đêm Giáng sinh ấy, đứng trước đôi giày trống không quà tặng với cảm giác hụt hẫng, thất vọng, Zezé đã thốt lên: “Thật kinh khủng khi có một người cha nghèo!”.
Và Zezé - đứa trẻ nhỏ đáng thương ấy luôn là người phải chịu đòn roi đau đớn mỗi khi cha hay những người anh, chị của mình cần ai đó để trút giận, để giải tỏa những bực dọc, áp lực trong cuộc sống. Hoặc chẳng vì gì cả, họ đánh Zezé một cách tàn nhẫn, lạnh lùng chỉ vì họ nghĩ em đáng bị như thế. Họ gán cho cậu bé là “đứa con của quỷ” chuyên phá bĩnh và bày trò. Đã từng có lần, Zezé bị chính chị gái và anh trai của mình đánh cho thừa sống thiếu chết, chỉ có thể “trú ẩn dưới cái bóng khiêm tốn của cây cam”. Đã có lúc, trong cơn mê man sau trận đòn khốc liệt của cha, thoi thóp trên giường, Zezé “thốt ra câu nói có lẽ là lời buộc tội nặng nề nhất đối với cuộc đời mình”: “Mẹ ơi, đáng lẽ ra con không nên được sinh ra trên đời này”. Đã có lúc, Zezé vốn hoạt bát, nhanh nhẹn trở nên câm lặng, thờ ơ, bàng quan với mọi điều. Trong lúc chán chường và tuyệt vọng nhất, Zezé đã từng có ý nghĩ điên rồ, đã từng nghĩ đến cái chết, như là sự trả thù...
Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, Zezé là đứa trẻ nhạy cảm, ấm áp, chan chứa tình yêu thương, sẻ chia. Vì lẽ đó, không ai khác ngoài em có thể nghe thấy cây cam ngọt cất lời thủ thỉ nói chuyện. Đó là cái cây ở khoảng vườn sau ngôi nhà mà gia đình em chuyển đến sinh sống. Zezé là đứa trẻ đặc biệt khi có khả năng trò chuyện cùng mọi vật. Và rồi, trên hành trình lớn lên, Zezé và cây cam ấy đã trở thành bạn của nhau, chia sẻ với nhau mọi vui buồn trong cuộc sống. Cậu nhóc đặt tên cho cây cam ngọt của mình là Pinkie, cùng với đó là cái tên gọi thân mật – Bạn yêu. Nếu không có tâm hồn nhạy cảm, sự đồng cảm lớn lao, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được về thế giới sinh động sắc màu, tràn ngập âm thanh của đá, núi hay các loài cây – những điều tưởng như vô tri.
Zezé là đứa trẻ tinh nghịch, luôn là tác giả của những trò đùa tinh quái. Nhưng hiếm có đứa trẻ nào hiểu chuyện, biết quan tâm người khác như Zezé. Vì trót lỡ lời với cha trong đêm Giáng sinh, để rồi khi đối diện với ánh mắt buồn bã của cha, Zezé đau đớn, giằn vặt chính mình: “Ôi Chúa lòng lành, tại sao con làm thế?... Tại sao tôi lại càng trở nên ích kỷ hơn, trong khi mọi chuyện vốn đã quá buồn rồi?”. Cảm giác tội lỗi và muốn làm điều gì đó bù đắp cho cha đã đưa Zezé đến quyết định sẽ ra phố đánh giày thuê kiếm tiền mua quà cho cha của mình. Để đủ tiền mua gói thuốc lá như món quà tặng cha, Zezé đã làm việc cật lực với bộ đồ nghề đánh giày nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc là vô hạn. Có điều quan trọng, cậu bé thiện lương, trong sáng, quyết không lấy số tiền công như người ta bởi vì cậu cảm thấy mình chưa đủ chuyên nghiệp với nghề. Mặc dù rất cần tiền nhưng trước những lời đề nghị được giúp đỡ, cậu luôn nhã nhặn từ chối. Đoạn hội thoại giữa 2 cha con khi Zezé mang tặng cha gói thuốc lá khiến bạn đọc xúc động mà mỉm cười. Từ trong niềm vui, giọt nước mắt và cả nụ cười ấy, chúng ta thấm thía một điều rằng: Những khó khăn, bất mãn trong cuộc sống sẽ chẳng là gì nếu bên cạnh chúng ta luôn có tình yêu thương, chở che của gia đình.
Zezé có một trái tim ấm áp, nhân hậu, tấm lòng biết sẻ chia. Khi biết được lý do vì sao Zezé lại lẻn vào vườn nhà người khác cắt trộm một bông hoa; vì sao em lại từ chối nhận sự giúp đỡ hằng ngày của cô Cecília Paim, bạn đọc xót thương và cảm mến biết nhường nào. “Em không thể ngày nào cũng nhận tiền được... Bởi vì vẫn còn những đứa trẻ nghèo khác chẳng mang gì để ăn”. Zezé kể chuyện về Dorotília – bạn gái da đen nhỏ nhắn cùng lớp: “Dorotília thậm chí còn nghèo hơn em. Các bạn gái khác không thích chơi với bạn ấy vì bạn ấy nghèo và là người da đen. Vậy nên lúc nào Dorotília cũng lủi thủi một góc”. Bởi vậy, Zezé thường chia phần bánh ngọt mà cô giáo đưa cho bạn Dorotília. Những lời Zezé nói với cô giáo như đang truyền đi thông điệp yêu thương đến tất cả chúng ta: “Thỉnh thoảng, cô có thể cho bạn ấy thay vì cho em ạ. Mẹ bạn ấy là thợ giặt và có mười một người con. Tất cả đều còn bé.Thứ bảy hằng tuần, bà em vẫn cho họ một ít gạo và đậu để giúp đỡ họ. Và em chia bánh cho bạn ấy vì mẹ em đã dạy chúng em phải biết chia sẻ những thứ ít ỏi của mình với những người còn thiếu thốn hơn”.
Trẻ con như những chồi non xinh đẹp, mơn mởn sức sống nhưng dễ bị tổn thương giữa phong ba, bão táp cuộc đời. Quá trình dung dưỡng, chăm sóc đứa trẻ ấy khôn lớn, trưởng thành cần có tình yêu thương, kiên trì, nhẫn nại, bao dung, sẻ chia. “Ông có thể giết một người nào đó trong trái tim ông. Không yêu người đó nữa. Và thế là một ngày, người đó sẽ chết” – lời tâm sự chân thành của Zezé là bài học đắt giá dành cho mỗi người lớn, đặc biệt là các bậc làm cha làm mẹ trên hành trình nuôi dạy con cái của mình.