Cây cảnh độc lạ đón Tết Nhâm Dần: Quất, chanh sai lúc lỉu trên thân bưởi cổ thụ
Cây cảnh độc lạ đón Tết Nhâm Dần: Quất, chanh sai lúc lỉu trên thân bưởi cổ thụ Những quả chanh, quất ngả màu vàng đỏ bắt mắt sống khỏe trên gốc bưởi cổ thụ tạo thành loại cây cảnh 'độc nhất vô nhị' trên thị trường Tết năm nay. Để có được các sản phẩm này, chủ vườn đã phải mất nhiều năm trời lao động miệt mài với lòng yêu nghề thực sự.
Cây cảnh đã trở thành thú chơi không thể thiếu của người Việt nhiều năm nay. Từ mai, đào, quất, bưởi đến cái chậu bonsai, các loại hoa… Mỗi người một sở thích theo ý nghĩa từng loại nhưng tựu chung đều muốn mang niềm sinh khí mới về nhà trong dịp Năm mới. Nắm bắt được xu thế này, các nhà vườn đều có sự chuẩn bị từ đầu năm để mang về hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Đặc biệt là phải tích cực sáng tạo những sản phẩm độc đáo thì mới mong chinh phục được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tết Nhâm Dần năm nay, sản phẩm hút khách vẫn là các loại cây ghép lạ mắt có mức độ công phu cao. Đặc biệt nhất là những cây bưởi cổ thụ nhưng trên cảnh lại “mọc” ra chi chít những quả chanh và quất. Những cây bưởi này đang ở vườn của anh Nguyễn Văn Hưng (xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Anh Hưng chia sẻ, để có được một cây lên dáng chuẩn “hàng độc”, tầng tầng, lớp lớp tán cho ra trái xum xuê, anh đã phải mất nhiều năm nghiên cứu, thực hiện. “Làm cái này mà không yêu nghề thì không làm nổi đâu!”, anh Hưng khẳng định và tiết lộ thêm, chơi bonsai cỡ lớn chính là niềm đam mê lớn của anh lâu nay.
Cụ thể, để cành quất sống khỏe và cho ra trái trên gốc bưởi cổ thụ, phải trải qua 2 bước lớn. Đầu tiên là phải ghép cành quýt lên thân bưởi, đợi những cành quýt này qua một vụ đơm quả. Sau đó mới ghép cành quất vào những cành quýt đã ghép trên thân bưởi. “Quất không thể ghép trực tiếp lên thân bưởi, bắt buộc phải qua một bước như vậy, ghép quýt 1 năm lấy quả ăn chơi rồi mới ghép quất vào những cành quýt thì mới được”, anh Hưng giải thích. Khi quất đã sống khỏe trên thân bưởi, anh Hưng cũng phải tự tay tạo tán từng cành một để nương theo tán tự nhiên. Bởi đây là công việc đòi hỏi sự hiểu biết và tỉ mỉ, nếu thuê người làm còn mất thời gian hơn.
Dẫn chúng tôi tới một cây quất ghép trên thân bưởi có thế rất độc đáo, anh Hưng giới thiệu: Đây là cây quất Phụ tử gồm 2 thân “cha” và “con”. Nó cũng là tác phẩm mà anh Hưng yêu quý nhất. Mặc dù việc định giá cây cảnh không dễ, đối với người thích, giá cao mấy vẫn là rẻ, còn đối với người không thích, đôi khi cho cũng không đắt hàng nhưng riêng cây quất này, anh Hưng cho biết không bao giờ bán giá dưới trăm triệu đồng.
Nói thêm về ý tưởng ghép quất với bưởi, anh Hưng chia sẻ: Cây quất tượng trưng cho niềm vui, may mắn, bình an, sức khỏe, trường thọ. Bởi vậy mà mỗi dịp Tết đến Xuân về, hầu như gia đình nào cũng phải có một cây trưng Tết. Có thể người mua nghe nhiều đến Quất Quảng Bá, Tứ Liên hơn nhưng nếu được nhìn tận mắt thì có thể khẳng định quất Văn Giang không hề thua kém.
Quất cảnh Văn Giang có đặc điểm cây khỏe, lá đẹp, do nằm ở vùng bồi đắp của sông hồng nên rất đẹp mã, quả to, bóng. Và đặc biệt một điều không thể không kể tới là bàn tay của những người nông dân nơi đây, đã tạo nên một nét đẹp riêng không đâu có.
So với quất, bưởi ít phổ biến hơn nhưng vài năm gần đây, loại cây này cũng được rất nhiều người mua về chơi Tết. Cũng mang ý nghĩa cho năm mới cát tường, no đủ nhưng bưởi lại được dùng để thể hiện đẳng cấp của gia chủ nhiều hơn. Khi mua bưởi, người ta chú ý tới gốc nhiều hơn. Càng những cây có tuổi đời lâu năm, thế đẹp thì giá càng cao. Thực tế có cây dáng độc nhiều người chỉ cần nhìn qua đã muốn xuống tiền dù được được định giá hàng trăm triệu đồng.
Từ ý nghĩa này, anh Hưng đã nảy sinh ý tưởng ghép quất vào bưởi để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng thích cả hai loại cây này. Theo chủ vườn, số lượng quất ghép bưởi của anh hiện không nhiều vì quá trình thực hiện thực sự rất kỳ công. Giá bán ra thị trường khoảng từ 80 - 150 triệu đồng.
Ngoài quất thì anh Hưng còn ghép những cây chanh, quýt lên trên gốc bưởi. Việc này đơn giản hơn, chỉ cần ghép thẳng vào thân bưởi là được. Có những cây chanh cổ thụ này được anh Hưng gọi vui bằng “cụ” vì gốc của nó là những gốc bưởi cổ thụ hàng trăm tuổi. Cây đắt nhất giá 200 triệu đồng, có tới 5 nhánh cây, đường kính khoảng 20 cm, tán rộng 4m, chiều cao 4m tính cả chậu.
“Chanh tứ quý là giống chanh ngoại, chưa quen với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất nhãn Hưng Yên nên khi trồng trực tiếp thì cây phát triển kém, nhiều sâu bệnh. Sau khi tìm tòi và học hỏi, tôi đã sử dụng gốc bưởi để ghép chanh, hiệu quả cho thấy cây phát triển rất tốt, quả sai và không sâu bệnh”, anh Hưng cho biết.
Để tăng màu sắc và giá trị cho chanh bonsai, anh Hưng còn ghép thêm chanh đào hoặc bưởi với ý nghĩa tượng trưng cho sự no đủ, đầm ấm.
-> Toyota Việt Nam trồng cây hưởng ứng tháng hành động vì môi trường