Cây cảnh... lãnh đủ: Trái đắng

Cây cảnh (bonsai) thú chơi tao nhã tồn tại hàng trăm năm của bao thế hệ, tuy nhiên, nhiều kẻ đã lợi dụng thú chơi này để thổi giá trục lợi khiến không ít nông dân rơi cảnh khốn đốn.

Cây sanh của nhà ông Nguyễn Khắc T. có thời điểm được trả 250 cây vàng. Ảnh: MĐ

Cây sanh của nhà ông Nguyễn Khắc T. có thời điểm được trả 250 cây vàng. Ảnh: MĐ

Ở Việt Nam, cây sanh là loại cây cảnh phổ biến vì dễ trồng. Tuy nhiên, theo giới sành chơi cây cảnh, dù là loại cây dễ trồng nhưng để tạo được tán đẹp lại không hề đơn giản. Để có được một cây cảnh đạt đến độ “chân - thiện - mỹ” phải hao công tốn của.

Tại các hội chợ sinh vật cảnh, có những cây sanh được định giá lên tới cả chục tỷ đồng, thậm chí là trăm tỷ đồng. Dù được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, nghệ thuật nhưng thực hư việc mua bán, giao dịch những “siêu mộc” này diễn ra như thế nào đến nay vẫn chỉ là ẩn số.

Cách đây chừng chục năm, thú chơi sanh bonsai rộ lên ở nhiều vùng quê, điển hình như Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…

Nhớ lại thời điểm này, một số cây sanh được giới chơi cây cảnh xếp vào dạng “hiếm có, khó tìm” ở Việt Nam. Có lúc, 1 cây sanh tuổi đời trên 100 năm được đám thương lái thổi giá từ 200 đến 250 lượng vàng. Thậm chí có cây được cho là có tuổi đời 300 năm được hét giá 400 tỷ, 500 tỷ đồng. Việc đưa đẩy giá trị của cây sanh khiến người người buôn sanh, nhà nhà trồng sanh lâm cảnh bần cùng.

Năm 2010, thị trường bonsai đặc biệt là sanh, từ Ninh Bình đến Phú Thọ… khắp đường làng, ngõ xóm, người người trồng sanh, nhà nhà trồng sanh, ngồi đâu cũng thấy người dân bàn tán về sanh. Điều thú vị, thời gian này, những bài thơ về sanh cũng sòn sòn ra đời và có những người còn xuất bản cả tập thơ.

Cùng với phong trào trồng sanh, đám “cò” xuất hiện ngày càng nhiều. Chính vì thế, nhiều “cò” bịa ra những câu chuyện cổ tích hà hơi cho những cây sanh trăm tuổi để thổi giá. Việc thổi giá khiến những cây sanh nằm trong khuôn viên của căn nhà cấp 4 cũ kỹ bất ngờ có giá lên tới hàng trăm lượng vàng, thậm chí cả trăm tỷ.

Điểm qua một số cây sanh được giới chơi cây cảnh xếp vào dạng “hiếm có, khó tìm” ở Việt Nam. Điển hình như siêu cây “mâm xôi con gà” được đẩy giá 100 tỷ đồng. Một số thương lái cho rằng, cây “mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ có tuổi đời hơn 100 tuổi. Qua nhiều tay của các đại gia chơi cây, cây này đang được ông Nguyễn Nam Thành (ở Việt Trì, Phú Thọ) sở hữu.

Năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, siêu cây “mâm xôi con gà” được giới chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật. Nó hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ - văn” và giống như một bức tranh thiên nhiên hoàn thiện với “Tay ngón long quần thụ - Bông tán tản vân - Thân vách dáng làng - Thạch thụ tương sinh”. Thời điểm đó, cây “mâm xôi con gà” được định giá 6 triệu USD, tương đương với 120 tỷ đồng. Nhưng đến nay, không còn ai quan tâm đến số phận của cây “mâm xôi con gà” nữa.

Cây sanh triệu đô để hoang

Một cây sanh dáng “long”, trong dịp triển lãm sinh vật cảnh lần 2 ở Phúc Thọ, Hà Nội được chủ nhân giới thiệu có người trả giá triệu đô nhưng ông chưa bán. Cây sanh này thuộc sở hữu của ông Lê Văn Đồng ở Đông Anh, Hà Nội. Ông Đồng là chủ nhân của vườn cây cảnh rộng trên 3.000m2, quy tụ hàng trăm cây cảnh quý hiếm. Ông Đồng cho biết, đây đều là những tác phẩm tâm huyết mà ông phải theo đuổi nhiều năm mới có được. Giá trị của cây vì thế khó mà đong đếm bằng tiền.

Mới đây, gặp lại ông Đồng vẫn là khu vườn 3.000m2 song hầu như ông đã bỏ hoang và chuyển sang kinh doanh gas.

Trò chuyện với Tiền Phong, ông Đồng thành thật, mình cũng không phải là người quá đam mê cây cảnh, nhưng vì phong trào và ham lợi nhuận nên mới tham gia. Khi tham gia cảm thấy bị “say” như say bạc, cứ mua đi bán lại và cuối cùng “ôm” cả 1 vườn nhưng sau đó không bán lại được cho ai. ông Đồng thừa nhận dính bẫy đám "cò".

Ông Đồng cho rằng, cùng lắm người ta bỏ vài tỷ, không ai dại gì, chi vài trăm tỷ để tậu 1 cây sanh.

Mua chó, xích, dựng lều để trông cây

Ngày đó nhiều nông dân chơi cây sanh nhiều tuổi như trúng số độc đắc. Đáng chú ý, ruộng vườn của nhiều gia đình được trưng dụng trồng sanh. Khi những cây sanh thành tài sản quý giá thì nạn trộm cắp cũng đồng hành. Có gia đình trộm dùng xe cẩu cả chậu lẫn cây. Để đối phó với nạn trộm bonsai, nhiều gia đình, mua xích, khóa, chó Béc-giê... thậm chí làm lều ngủ cạnh cây sanh để canh trộm.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Khắc T. ở Kim Sơn, Ninh Bình, ngày nào, gia đình cũng đón vài chục khách vào xem cây sanh, khiến ông không chỉ mất thời gian tiếp khách mà ngày nào cũng mất vài chục nghìn tiền trà pha nước. Không những thế, ông T. còn dựng tạm chiếc lều bên cây sanh, chia cắt các thành viên hằng đêm túc trực trông sanh.

Thời điểm đó, ông T. cũng tậu 1 chú chó Béc-giê xích ngoài cổng để phòng trộm.

Sanh bonsai bị đốn làm củi

Thời gian gần đây chúng tôi trở lại các điểm “nóng” về sanh thấy nguội tanh.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều sanh "siêu mộc" một thời được người dân đưa ra trồng ven đường, thậm chí là những cây được uốn nắn, tạo thế rất đẹp, đặt trong những chậu cũng rất đẹp tập kết ven đường. Vườn sanh của nhiều chủ bị bỏ hoang, xin là cho, thậm chí có gia đình còn đốn làm củi. Nạn trộm cắp sanh cũng biến mất.

Cây sanh ở nhiều gia đình ở Ninh Bình bị đốn làm củi Ảnh: M.Đ

Cây sanh ở nhiều gia đình ở Ninh Bình bị đốn làm củi Ảnh: M.Đ

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Tôn, Kim Sơn, Ninh Bình cho biết, năm 2009, những đồng tiền của vợ chồng anh chắt chiu cả chục năm, thậm chí còn vay mượn bà con để đầu tư trồng và kinh doanh sanh. Theo anh Tôn, lúc đó, cây bình thường, không dáng, không thế, cao tầm từ 1,5 đến 2m có giá vài triệu. Cây lâu năm, được chăm sóc tạo dáng lên tới cả trăm triệu. Nếu là cây gắn với kỷ niệm, có tuổi đời trên 100 năm cả chục tỷ cũng không mua được.

Tuy nhiên, đầu năm 2020, anh Tôn chỉ để lại một số cây có thế, dáng và trồng trên chậu, còn lại khu vườn sanh rộng gần 1.000m2 đã đốn làm củi.

Anh Tôn gạt những hạt bụi bám trên cánh tay rót nước mời chúng tôi chia sẻ: Anh thấy đấy, trước thì nhà nhà trồng sanh giờ thì nhà nhà chặt sanh. Dân mình chết là, cứ thấy ai làm gì là cả làng ồ vào làm theo. Đúng là các cụ nói chẳng sai tẹo nào, “người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào”.

Nghệ nhân Lê Đức Nam: Người ta đã chứng kiến cảnh vác cả bao tải tiền để đi mua cây sanh, nhưng bao nhiêu người vỡ nợ, phải bỏ quê đi khất thực.
Nhiều làng quê, cây sanh bị vứt bỏ ra ngoài đường, ngoài bờ sông, bờ ruộng, bị chặt bỏ làm củi.

M.Đ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/cay-canh-lanh-du-trai-dang-1778406.tpo