'Cây cao bóng cả' gìn giữ hồn cốt dân ca Mường

Mặc dù tuổi đã cao, thế nhưng với niềm đam mê, tình yêu cháy bỏng với dân ca Mường, bà Bùi Thị Bẹ, xóm Nghia, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) ngày ngày cần mẫn lưu giữ hồn cốt của dân ca Mường.

Bà Bùi Thị Bẹ (áo đỏ) là hạt nhân nòng cốt trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa

Bà Bùi Thị Bẹ (áo đỏ) là hạt nhân nòng cốt trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa

truyền thống của dân tộc Mường tại xã Lạc Sỹ (Yên Thủy).

Bà Bùi Thị Bẹ đã 74 tuổi, khi nhắc đến những làn điệu dân ca của dân tộc Mường, đôi mắt, khuôn mặt bà ánh lên niềm vui. Có thể nói, những câu hát dân ca đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách của mỗi người con dân tộc Mường.

Theo bà Bẹ, từ khi còn nhỏ, bà đã được đắm chìm trong những câu hát ru. Rồi khi trở thành thiếu niên, bà thường xuyên được nghe mọi người trong xóm hát dân ca Mường. Để rồi những làn điệu, câu hát đã ăn sâu vào tiềm thức bà từ lúc nào không hay. Những câu hát dân ca Mường được vang lên ở nhiều không gian, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Từ khi ra đồng, lúc làm nương rẫy, hát ru con, đến hát mừng ngày vui, lễ, Tết. Bởi vậy mà người dân tộc Mường coi dân ca là cốt lõi trong đời sống tinh thần. Còn với riêng bà, những làn điệu dân ca Mường là sợi dây vô hình gắn kết mọi người lại gần với nhau.

Hát thường rang – bộ mẹnh (Mẹng), hát đúm (đúp) giao duyên là những thể loại dân ca Mường diễn ra phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày. Lời hát đa phần đều không có sẵn mà tùy thuộc vào bối cảnh, sự kiện, hoạt động cụ thể mà người hát sẽ sáng tạo, nhanh nhạy ứng biến, sử dụng trí thông minh để sáng tác từng câu chữ sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Trước đây đã từng đảm nhiệm nhiều công việc như giáo viên, Hội LHPN xã, Hội Người cao tuổi xã, Phó Chủ tịch HĐND xã, bởi vậy bà Bẹ sở hữu vốn từ ngữ đa dạng, phong phú. Những câu hát của bà luôn gần gũi, mộc mạc, dung dị nhưng cũng không kém phần sâu lắng. Ví dụ như để ca ngợi sự đổi mới, tình yêu quê hương Lạc Sỹ, bà sáng tác câu hát: Nơi đây đổi mới hàng ngày/Thênh thang đường nhựa tràn đầy niềm tin; Thương bạn vượt núi leo đồi/Vào trong Lạc Sỹ ăn nồi cơm chung…

Suốt cả cuộc đời gắn bó với dân ca Mường, hiện tại, bà vẫn nhớ như in kỷ niệm một lần hát giao lưu. Nhiều năm trước đây, một số người cho rằng đất Lạc Sỹ không trồng được bông nên bà phải cất công sang xã Bình Hẻm (Lạc Sơn) để mượn đất trồng bông. Khi ấy, thanh niên trong làng đã đến tận nơi, ngỏ ý mời bà tham gia hát giao lưu thế nhưng bà đã từ chối bởi vì công việc bận rộn, không thể sắp xếp được thời gian. Được các bậc cao niên trong xóm động viên cố gắng tham gia, thanh niên sẽ đến giúp đỡ công việc phát rừng trồng bông. Lúc đầu bà cười trừ cho qua vì nghĩ đó chỉ là những câu nói đùa vui. Thế nhưng sáng hôm sau, 6 thanh niên trong xóm đã đến và phát rừng giúp bà. Chỉ trong buổi sáng, công việc không những làm xong mà họ còn chặt thêm được cả cây rừng để làm hàng rào ngăn không cho gia súc vào phá hoại. Khi công việc đã hoàn thành, họ mới giao lưu hát dân ca Mường.

Nhận thấy ở nhiều địa phương đã thành lập được câu lạc bộ (CLB) hát dân ca Mường. Những năm gần đây, bà Bẹ cùng một số phụ nữ cao tuổi trong xóm thường trò chuyện, chia sẻ về mong muốn có một sân chơi lành mạnh, bổ ích để giao lưu hát dân ca Mường. Ý tưởng thành lập CLB được ấp ủ từ đó. Tháng 7/2022, CLB hát dân ca Mường xã Lạc Sỹ chính thức được thành lập. Ban đầu chỉ có 5 thành viên, đến nay, CLB quy tụ hơn 20 thành viên có chung niềm đam mê, sở thích với dân ca Mường.

Kể từ khi thành lập, CLB hát dân ca Mường xã Lạc Sỹ không chỉ thường xuyên tham gia giao lưu với các xã trên địa bàn huyện Yên Thủy mà còn giao lưu cùng các huyện trong tỉnh và một số tỉnh bạn như: Thanh Hóa, Ninh Bình. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song trên cương vị chủ nhiệm CLB, bà Bùi Thị Bẹ đã động viên, khuyến khích thành viên tích cực tham gia hoạt động của CLB, đồng thời lan tỏa phong trào hát dân ca Mường đến từng thôn, xóm, khu dân cư. Bà ấp ủ dự định bảo tồn, gìn giữ, khơi dậy, vun đắp tình yêu, lòng tự hào đối với dân ca Mường tới thế hệ kế tiếp, để dân ca Mường sống mãi với dòng chảy thời gian. Bên cạnh đó, bà còn là thành viên tích cực của CLB chiêng Mường xã Lạc Sỹ. Nhiều năm qua, với dàn chiêng Mường của mình, bà đã đến từng xóm truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Những việc làm của bà Bùi Thị Bẹ đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường tại xã Lạc Sỹ.

Linh Nhật

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/175648/cay-cao-bong-ca-gin-giu-hon-cot-dan-ca-muong.htm