Cây cao su bị bệnh lạ, lan nhanh chưa được ngăn chặn
Gần một tháng nay, nhiều diện tích cây cao su tại tỉnh Quảng Trị xuất hiện bệnh lạ, cành khô, lá rụng bất thường. Bệnh lây lan nhanh nhưng chưa được ngăn chặn. Người trồng cao su luôn thấp thỏm, lo lắng, Tết đã cận kề, cao su bị bệnh không thể lấy mủ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thương, ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trồng 3 héc ta cây cao su đang thời kỳ khai thác mủ. Khoảng nửa tháng nay, cây cao su của gia đình mắc bệnh lạ, cành khô và lá rụng bất thường. Lúc đầu chỉ rải rác vài cây bị bệnh, sau đó lan rộng ra cả vườn. Nhiều cây bị nặng khô cành và rụng hết lá. Bình thường nếu cây cao su khỏe mạnh, cứ 2 ngày khai thác mủ một lần. Mỗi lần khai thác, gia đình bà Thương thu được khoảng 1,5 triệu đồng từ bán mủ cao su.
Bà Nguyễn Thị Thương lo lắng, từ ngày cây bị bệnh, sản lượng mủ cao su cũng giảm, nhiều cây không thể tiết ra mủ: “Hiện tượng cây khô cành, khô từ dưới lên trên. Trước đây, cao su bị một số bệnh khác hoặc bị sương muối là cây chết từ trên đọt xuống, bây giờ không biết nguyên nhân vì sao, cây cao su có hiện tượng bị bệnh từ dưới lên”.
Hiện tượng cây cao su tại tỉnh Quảng Trị bị khô cành, rụng lá xuất hiện khoảng nửa tháng nay. Mức độ bệnh lây lan rất nhanh nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn nên người trồng cao su rất lo lắng. Nhiều cây cao su bị bệnh nặng, người trồng phải ngừng cạo lấy mủ. Huyện Cam Lộ là địa phương đầu tiên xuất hiện bệnh lạ trên cây cao su. Toàn huyện này có hơn 4000 nghìn hécta cao su, hiện đã có 200 hécta bị nhiễm bệnh và đang lan rộng.
Ông Phạm Viết Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ cho biết, đơn vị cử cán bộ kỹ thuật đến điều tra, thống kê diện tích bị bệnh và hướng dẫn người dân tạm thời ngừng cạo lấy mủ, vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy lá, cành cây bị bệnh: “Hiện nay, đã xác định tổ hợp nấm gây hại và tốc độ lây lan nhanh. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh cũng triển khai phun thuốc thí điểm tại Cam Lộ 3 hécta để có cơ sở triển khai nhân rộng”.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 500 héc ta cao su bị bệnh gây hại xảy ra tại các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh và Gio Linh. Bệnh gây hại tập trung ở các vườn cao su trong giai đoạn khai thác mủ từ 10 năm tuổi trở lên. Hiện tượng khô cành, rụng lá trên cây cao su lần đầu tiên xuất hiện tại Quảng Trị đến nay vẫn chưa có giải pháp phòng ngừa. Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, bệnh phát sinh trùng vào giai đoạn cây rụng lá sinh lý (rụng theo chu kỳ) nên người dân dễ bị nhầm lẫn và chủ quan. Hiện nay chưa có đánh giá cụ thể nhưng chắc chắn, những cây bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mủ.
Ngày 13/1, Viện Bảo vệ Thực vật đã có kết quả phân tích cho biết, hiện tượng khô cành, rụng lá trên cây cao su tại Quảng Trị là do tổ hợp 2 loại nấm Colletotrichum và Neopestalotiopsis gây ra. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị đã thí điểm phun thuốc trừ bệnh bằng thiết bị bay không người lái tại huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh với diện tích 5 hécta. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị tiếp tục thu thập mẫu bệnh gửi Trung tâm Giám định - Kiểm định - Kiểm dịch thực vật Trung ương để phân tích, giám định chủng loại nấm và đưa ra giải pháp và loại thuốc phun trừ hữu hiệu nhất.
Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, ngày 25/01, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Viện Bảo vệ thực vật... sẽ có Đoàn công tác vào tỉnh Quảng Trị để kiểm tra, đánh giá tình hình và đưa ra biện pháp xử lý dập dịch: “Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục dùng thiết bị bay không người lái kết hợp nhiều loại hóa chất để phòng trừ tổ hợp nấm gây bệnh này. Chu kỳ khảo nghiệm thuốc trừ bệnh phải ít nhất sau nửa tháng đến 21 ngày mới thể hiện kết quả rõ. Hiện nay, trời mưa nên việc phun thuốc phòng trừ cũng gặp khó khăn, khuyến cáo bà con trong lúc chưa xử lý được phải thu gom cành lá bị bệnh tiêu hủy và dừng khai thác mủ để phục hồi cây”.