Cây cầu 'huyền thoại'

'Sừng sững bóng cầu Hàm Rồng đứng/ Soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang...'. Lời bài hát 'Chào sông Mã anh hùng' của nhạc sĩ Xuân Giao về cầu Hàm Rồng - một cây cầu từng được xem là 'con đường huyết mạch' trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh đầy oanh liệt. Trải qua biết bao năm tháng đi qua, chiến tranh đã lùi xa, cầu Hàm Rồng vẫn sáng ngời biểu tượng tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, phát triển của dân tộc.

Cầu Hàm Rồng hiên ngang bắc qua dòng sông Mã.

Cầu Hàm Rồng hiên ngang bắc qua dòng sông Mã.

Cầu Hàm Rồng bắc ngang qua dòng sông Mã, nằm giữa núi Ngọc và núi Rồng. Nếu đứng từ trên mà nhìn xuống, có thể ngắm toàn cảnh dòng sông Mã thơ mộng với khung cảnh đẹp tựa bức tranh sơn thủy hữu tình. Theo sử sách ghi lại: Cầu được chính thức xây dựng vào năm 1904 bởi một kỹ sư người Pháp và là cây cầu đường sắt hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Năm 1946, cầu bị phá hủy theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược. Sau đó đến năm 1963, cầu được các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ thiết kế và thi công khôi phục lại và có hình dáng hoàn thiện như ngày nay.

Cây cầu có chiều rộng lên tới 17m, gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ được khánh thành đúng dịp sinh nhật lần thứ 74 (19/5/1964) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù đã nhiều lần bị tàn phá trong chiến tranh nhưng cầu Hàm Rồng vẫn đứng hiên ngang, sừng sững như một chứng tích lịch sử quan trọng cho ý chí kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước của quân dân xứ Thanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong chiến tranh leo thang ra miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt con đường huyết mạch giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 1965-1972, cầu Hàm Rồng đã trải qua hàng trăm lần bị đánh phá bởi không quân Mỹ, hàng ngàn tấn bom đạn đã trút xuống mảnh đất này khiến sắt thép cong vênh, đất đá ngổn ngang. Dưới làn mưa bom bão đạn, những đơn vị pháo cao xạ, những đội thanh niên xung phong, những người dân địa phương đã ngày đêm bám trụ, chiến đấu bảo vệ cây cầu. Họ đã dùng máu xương của mình để giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo cho tuyến đường Bắc - Nam được vận hành liên tục, và đập tan âm mưu phá hoại của quân Mỹ bằng chiến thắng Hàm Rồng vang danh sử sách. Hình ảnh cầu Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng lịch sử, văn hóa cũng như ý chí kiên cường, bất khuất của Nhân dân xứ Thanh.

Cho đến hôm nay, trải qua biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm của lịch sử, cầu Hàm Rồng cùng hai chữ “Quyết Thắng” vẫn uy nghiêm tạc vào sườn núi như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Chữ nằm đó để nhắc nhớ cho mỗi người khi đi qua cây cầu và dòng sông này về một thời khói lửa đau thương, để biết giá trị của mỗi phút hòa bình đã được đánh đổi bằng đau thương, mất mát.

Quân, dân phối hợp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Quân, dân phối hợp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Chiến tranh đi qua, cầu Hàm Rồng lịch sử lại mang trong mình sứ mệnh đặc biệt quan trọng bởi nó không chỉ góp phần thúc đẩy giao thương, kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa phát triển, mà còn là một địa chỉ “về nguồn” của lớp lớp thế hệ đi sau. Có biết bao thế hệ học sinh, sinh viên đã tìm về đây để tham quan, tìm hiểu lịch sử, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi đắp niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Và đặc biệt cầu Hàm Rồng còn là một địa điểm tham quan thu hút khách du lịch mỗi khi tới TP Thanh Hóa. Đứng trên cầu, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Mã uốn lượn, bao quanh là những cánh đồng xanh mướt, những ngọn núi hùng vĩ và những ngôi làng yên bình. Du khách cũng có thể ngắm nhìn toàn cảnh TP Thanh Hóa từ trên cao. Từ đây, không khó để có thể nhìn thấy những tòa nhà cao tầng, những con đường nhộn nhịp và những công trình văn hóa nổi bật như, động Tiên Sơn, động Long Quang, núi Ngọc, núi Cánh Tiên, đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, làng cổ Đông Sơn, Tượng đài Thanh niên xung phong...

Cầu Hàm Rồng không chỉ là một cây cầu huyết mạch, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược. Mỗi nhịp cầu, mỗi phiến đá, mỗi dấu vết bom đạn còn sót lại đều là những trang sử sống động, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào của dân tộc. Hình ảnh cây cầu sẽ luôn khắc sâu trong tâm khảm và nhắc nhở lớp thế hệ đi sau phải luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng để biến khát vọng thịnh vượng trở thành hiện thực, để bản hùng ca Hàm Rồng chiến thắng mãi được ngân vang trên quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cay-cau-huyen-thoai-244318.htm