Cây chè trên đất Bắc Mê

Không có những đồi chè bát ngát, nằm bao quanh chân núi như các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang hay Quang Bình,... nhưng huyện Bắc Mê vẫn có hàng trăm ha chè chất lượng cao. Tuy nhiên, tính đến nay huyện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu chè. Chính vì vậy, sức cạnh tranh yếu, giá thành sản phẩm và thị trường đầu ra không ổn định đang kéo theo nhiều khó khăn đối người trồng chè tại địa phương.

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Phiêng Luông bị người dân chặt cành.

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Phiêng Luông bị người dân chặt cành.

Theo thống kê hiện nay, Bắc Mê có trên 460 ha chè, sản lượng hàng năm cho thu hoạch hơn 1.000 tấn. Trong đó, xã Giáp Trung và Phiêng Luông có diện tích cây chè cổ thụ tương đối lớn... Trong những năm qua, mức độ đầu tư thâm canh diện tích chè của nông dân huyện Bắc Mê còn thấp, nhiều hộ dân chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chè búp tươi không cao, phát triển vùng nguyên liệu chưa bền vững. Việc trồng cải tạo chè già cỗi và chăm sóc chè trong thời kỳ kiến thiết cơ bản còn hạn chế, chưa chú trọng đầu tư về nhân lực, vật tư cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc để tạo cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Đơn cử như các xã: Đường Âm, Đường Hồng, Minh Ngọc,... diện tích chè chỉ chiếm khoảng 17 - 25 ha, đa phần là trồng xen với các loại cây lâm nghiệp khác; hàng năm, số diện tích này cho thu hoạch không đáng kể. Nhiều hộ dân đã phá bỏ chè chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp khác.

Tại thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông, trong quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ có 79 cây chè Shan tuyết, do 5 hộ dân quản lý. Những cây Chè Shan tuyết cổ này có tuổi đời trên 100 năm. Đặc tính của cây chè là càng lâu năm, chất lượng càng tốt, dược tính càng cao. Tuy nhiên, người dân chưa biết cách khai thác, chế biến, chưa mang lại hiệu quả kinh tế nên công tác quản lý và chăm sóc không hiệu quả. Hiện nay, trong quần thể những cây chè Shan tuyết cổ thụ này, một số cây bị người dân chặt cành khiến cho sản lượng không còn; một số cây có hiện tượng sâu bệnh.

Một trong số các hợp tác xã (HTX) chè mới thành lập, như: HTX Nông, lâm nghiệp Bản Lạn, thị trấn Yên Phú; HTX Nông, lâm nghiệp Kiên Giang, xã Minh Ngọc,... hoạt động cũng chỉ cầm chừng, không mang lại hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp Bản Lạn, cho biết: Khi được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn, HTX được thành lập với 7 xã viên. Hiện, HTX có tổng diện tích chè sản xuất là 20 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường được hơn 2 tấn chè khô. Tuy nhiên, HTX hiện đang gặp khó bởi diện tích cây chè trong thôn còn ít, sản phẩm chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong huyện. Cùng với đó, HTX cũng đang thực sự khó khăn khi xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cây chè chưa phát huy được tiềm năng tương xứng với diện tích như: Lãnh đạo một số địa phương nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh chè chưa sâu sắc, thiếu sự chỉ đạo sát sao. Nhiều hộ dân chỉ trồng đủ phục vụ gia đình, có hộ chế biến chạy theo lợi ích trước mắt, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và uy tín. Bên cạnh đó, việc phát triển vùng nguyên liệu chè mới không đạt mục tiêu về diện tích, chưa hình thành được vùng nguyên liệu chè tập trung có chất lượng tốt nên không thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chế biến. Các cơ sở chế biến chè hiện có thì chưa mạnh dạn đầu tư, nâng cấp thiết bị hay các dây chuyền chế biến hiện đại và chưa có chiến lược lâu dài để nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Đặc biệt, mối quan hệ giữa người sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp, HTX còn thiếu sự gắn bó. Đối với người trồng chè, thu nhập còn thấp, giá trị sản xuất trung bình chỉ đạt khoảng 10 - 20 triệu đồng/ha/năm; vì vậy, người dân chưa thực sự tha thiết với cây chè.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ mời các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng Việt Nam lên để phân tích, đánh giá chất lượng chè của Bắc Mê. Nếu chất lượng kém, huyện chỉ khoanh và bảo vệ diện tích chè hiện có. Mặt khác, rà soát lại toàn bộ diện tích chè Shan tuyết cổ thụ, khuyến khích người dân chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật.

Có thể thấy, cây chè có tầm quan trọng không kém gì cây trồng ngắn ngày khác (ngô, lúa, đậu tương) đối với người nông dân ở Bắc Mê. Hy vọng rằng, giải pháp được đưa ra sẽ phát huy hiệu quả tối đa để giá trị cây chè ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202004/cay-che-tren-dat-bac-me-757658/