Cấy chỉ chữa bệnh

Đây được xem là phương pháp châm cứu hiện đại, điều trị hiệu quả đối với các bệnh lý mạn tính mà ngay cả điều trị trong Tây y thất bại

Bị đau nhức xương khớp và thoái hóa khớp gối nhiều năm nay, bà Đỗ Thị Cúc (55 tuổi, ở quận 12, TP HCM) tìm đến phương pháp cấy chỉ tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT - TP HCM). Ở lần thứ 2 trở lại cấy chỉ, bà đưa chồng, cũng bị hội chứng bệnh ở người lớn tuổi, đến điều trị cùng mình. Khoảng 10 năm trước, phương pháp cấy chỉ này đã giúp con trai bà trị khỏi bệnh hen suyễn.

Phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân

Một ca bệnh đặc biệt khác là người nhà (60 tuổi) của một bác sĩ bệnh viện Tây y lớn tại TP HCM, bị song thị do liệt dây thần kinh vận nhãn số 3 nhưng điều trị Tây y không hiệu quả. Khi được Bệnh viện YHCT tiếp nhận, ca bệnh tiên lượng khó phục hồi. Tuy nhiên, sau 2 lần cấy chỉ đã có những thay đổi tích cực và đến lần thứ 3 thì hết hẳn. "Điều này cho thấy, YHCT dần hiện đại hơn và có thể giải quyết những vấn đề mà Tây y gặp khó khăn. Tùy thuộc vào bệnh lý mà bác sĩ có những chỉ định như điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu, cấy chỉ..." - BS chuyên khoa I Nguyễn Kỳ Xuân Nhị, Phó trưởng Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện YHCT (TP HCM), bày tỏ.

Theo BS Nhị, những năm gần đây, xu hướng điều trị bằng phương pháp cấy chỉ được nhiều bệnh nhân quan tâm. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 lượt bệnh nhân điều trị cấy chỉ. Cấy chỉ là phương pháp đưa sợi chỉ tự tiêu vào trong mô dưới da, nơi có các huyệt đạo, đường kinh lạc hoặc một mục tiêu khu trú nào đó mà bác sĩ muốn điều trị. Sợi chỉ được đưa vào thông qua kim giống như kim châm cứu thông thường, vì vậy còn gọi đây là phương pháp châm cứu chôn chỉ hay nhu châm. Sợi chỉ có vai trò kích thích huyệt đạo, thời gian tác dụng 24/24. Phương pháp này có thể điều trị các triệu chứng như đau, tê, yếu liệt trong các bệnh lý về thần kinh, cơ xương khớp như đau thần kinh tọa, hội chứng cổ vai tay, hội chứng ống cổ tay, thoái hóa khớp, tai biến mạch máu não...". Ban đầu, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm kết hợp giữa châm cứu truyền thống và sợi chỉ tiêu hiện đại. Chính vì vậy, tôi và các bác sĩ bệnh viện dành rất nhiều thời gian trao đổi, nghiên cứu cùng các bác sĩ đầu ngành đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản để có phương pháp kết hợp an toàn, hiệu quả nhất cho bệnh nhân" - BS Nhị nói.

ThS-BS Lê Thị Tường Vân, Phó Khoa YHCT - Bệnh viện An Bình (TP HCM), giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết cấy chỉ là phương pháp điều trị không dùng thuốc an toàn, phù hợp cho nhiều đối tượng bệnh nhân. Với phương pháp này, người bệnh không cần đến bệnh viện mỗi ngày như châm cứu truyền thống. Mỗi lần cấy chỉ kéo dài khoảng 30 phút, có tác dụng kéo dài từ 2 tuần hoặc lâu hơn (tùy vào loại chỉ và mức độ bệnh lý). Nhờ vậy, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. "Quá trình tiêu chỉ sẽ giúp tăng quá trình đồng hóa và giảm quá trình dị hóa của cơ thể. Đồng thời, tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng tại vùng cấy chỉ, nhờ đó sẽ tăng cường khả năng miễn dịch cho người bệnh" - BS Vân thông tin thêm.

Bác sĩ y học cổ truyền thực hiện cấy chỉ cho một người bệnh

Bác sĩ y học cổ truyền thực hiện cấy chỉ cho một người bệnh

Áp dụng cho cả làm đẹp, giảm cân

Một ưu điểm nổi trội khiến cấy chỉ dần được phái đẹp quan tâm nhiều hơn chính là tác dụng giảm cân và làm đẹp cho da. Ngoài ra, cấy chỉ còn tác dụng theo cơ chế giảm béo phì khu trú bằng việc cấy chỉ luồn vào giữa lớp cơ và mỡ dưới da, giúp tăng sinh collagen và elastin, làm giảm mỡ khu trú như ở vùng bụng, eo hông, bắp tay, đùi... Chị Minh Thùy (35 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết sau 2 tháng cấy chỉ, chị cảm thấy rất hài lòng với vóc dáng hiện tại, đồng thời cũng cảm thấy làn da mịn màng, hồng hào hơn.

Theo BS Nhị, giảm cân là quá trình đòi hỏi phải phối hợp giữa 3 yếu tố: Chế độ ăn uống, tập luyện và phương pháp điều trị hiệu quả. Trong đó, cấy chỉ đóng vai trò là phương pháp điều trị. Tùy vào béo phì thuộc thể bệnh nào trong YHCT mà bác sĩ lựa chọn công thức huyệt phù hợp để điều trị, chủ yếu giải quyết các nguyên nhân như hội chứng đàm thấp (tăng lipid máu) hoặc rối loạn công năng của tỳ, vị, can, thận. Từ đó, giúp người bệnh giảm bớt cảm giác thèm ăn, giảm cảm giác nê trệ cơ thể...

Theo các bác sĩ, cấy chỉ là một kỹ thuật cao, đòi hỏi bác sĩ phải thuần thục kỹ năng châm cứu trước đó, khả năng khám, chẩn đoán và chọn huyệt chính xác với tình trạng người bệnh. Do đó, kinh nghiệm lâm sàng rất quan trọng quyết định đến hiệu quả. "Yêu cầu cơ bản của kỹ thuật viên cấy chỉ chính là có chứng chỉ đào tạo về cấy chỉ, phải có kiến thức về phòng chống nhiễm khuẩn và quan trọng hơn là được sự cho phép hành nghề từ cơ quan có thẩm quyền tại địa phương" - BS Nhị nhấn mạnh.

Cẩn trọng

Theo giới chuyên môn, việc các thẩm mỹ viện, spa đăng tin thực hiện phương pháp giảm cân, làm đẹp bằng cấy chỉ hiện đang nở rộ. Bệnh viện YHCT TP HCM từng tiếp nhận nhiều ca biến chứng như nhiễm trùng, lồi chỉ, u hạt sau khi cấy chỉ tại dịch vụ làm đẹp bên ngoài. "Người bệnh nên tìm đến những cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và áp dụng phương pháp cấy chỉ an toàn, hiệu quả, tránh những biến chứng không đáng có"- một chuyên gia cảnh báo.

Bài và ảnh: HUẾ XUÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cay-chi-chua-benh-196241213210527582.htm