Cây cỏ mần trầu có tác dụng gì?

Mần trầu là loại thảo dược quen thuộc mọc hoang nhiều ở các vùng quê, vậy cây cỏ mần trầu có tác dụng gì?

Trong các loại thảo dược Đông y, cỏ mần trầu là loại nguyên liệu khá phổ biến, xuất hiện trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, lợi ích và công dụng thật sự của loại thảo dược này lại không được quá nhiều người biết đến.

Bài viết của Lương y Hoài Vũ trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, cỏ mầu trầu còn có tên là cỏ dáng, cỏ bắc, thiên kim thảo, thanh tâm thảo. Tên khoa học của cây là Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.), thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

Cỏ mần trầu sống hằng năm, rễ mọc khỏe, mọc thành cụm. Thân mọc thẳng, cao chừng 40-60cm, bò dài ở đoạn gốc. Lá mọc cách xa nhau, hình dải, mềm nhẵn, nhọn đầu, dài 10-30cm, rộng 3-7mm; bẹ lá có lông, ôm lấy thân cành. Cụm hoa mọc thành bông, gồm 5-7 bông, mọc ở ngọn và có đến 2 bông khác mọc thấp hơn trên cán hoa, trông giống như những ngón tay; mỗi bông lại mang nhiều hoa nhỏ. Quả thuôn dài, ráp, gần như 3 cạnh, dài 1,5mm, vỏ quả mềm.

Cỏ mần trầu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Cỏ mần trầu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Cỏ mần trầu có tác dụng gì?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, nhiều nghiên cứu của Đông y và Tây y, trong cỏ mần trầu chứa nhiều thành phần hóa học công dụng tốt với sức khỏe, cụ thể là:

Trong Đông y

Theo nghiên cứu của các thầy thuốc Đông y, cỏ mần trầu đặc tính mát. Vị của loại cây này có phần hơi đắng. Cây mần trầu thường được sử dụng trong những bài thuốc trị ho, giúp mát gan và hỗ trợ lợi tiểu.

Trong Tây y

Dưới đây là một vài công dụng đặc biệt của cỏ mần trầu trong nghiên cứu y học hiện đại:

Hạ sốt và kháng viêm: Trong loại cây này chứa C-glycosylflavones với khả năng chống viêm khá hiệu quả ở đường hô hấp đối với chuột thực nghiệm bị viêm phổi hoặc bị cúm. Ngoài ra, một thực nghiệm khác cho thấy dịch chiết liều 600mg/kg có thể hạ sốt (tương đương với 100mg acetylsalicylic cho 1kg).

Hạ huyết áp: Điều này được chứng minh ở trên chuột bị tăng huyết áp với L – NAME với phần dịch chiết từ cây có thể hạ huyết áp (tương đương với liều 12,5mg/kg của Losartan).

Kháng khuẩn: Dược liệu thân thảo này có khả năng kháng khuẩn với cấp độ từ thấp cho đến trung bình với một vài loại vi khuẩn ví dụ như Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn Staphylococcus aureus và cả vi khuẩn Salmonella choleraesuis.

Bảo vệ các chức năng của thận: Một nhóm chuột sau khi được tiêm L-NAME được đưa vào nghiên cứu với phần dịch chiết liều 200mg/kg cho thấy, hiệu quả trong việc kiểm soát những chỉ số như urea, creatinine hay ion K+ và ion Na+ với những con chuột được điều trị với 12,5mg/kg Losartan.

Bảo vệ gan và hỗ trợ cho việc chữa trị chứng rối loạn lipid máu: Một nhóm chuột bị béo phì được thực nghiệm với phần cao chiết ở trong dung môi hexan có thể làm giảm được nồng độ cholesterol toàn phần. Phần cao chiết này làm giảm được nồng độ LDL-cholesterol và cũng làm tăng được nồng độ HDL-cholesterol với những chú chuột đối chứng. Ngoài ra, các chỉ số như ALT hay AST của chuột cũng được cải thiện.

Trên đây là những tác dụng của cây cỏ mần trầu, thế nhưng, bạn cũng cần phải thật cẩn thận khi sử dụng, cần tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng nhằm đảo bảo sự an toàn cho sức khỏe và đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho từng trường hợp.

Hạ An (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cay-co-man-trau-co-tac-dung-gi-ar886995.html