Những người nên hạn chế ăn thanh long
Thanh Long là loại quả được nhiều người yêu thích, nhưng không phải ai cũng có thể ăn được loại quả này, dưới đây là những người không nên ăn thanh long.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Vũ Thanh Tuấn cho biết, trong quả thanh long chứa lượng lớn chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất.
Quả thanh long và những giá trị dinh dưỡng với sức khỏe
Vitamin C: Cứ 100g thanh long sẽ chứa khoảng 34,7mg vitamin C, đáp ứng khoảng 58% nhu cầu nạp của người trưởng thành mỗi ngày;
Vitamin B: Trong thanh long chứa các nhóm vitamin B gồm B1, B2 và B3;
Canxi: Cứ 100g thanh long sẽ chứa khoảng 0,5mg sắt. Sắt có tác dụng bổ trợ cho sức khỏe tim mạch và tăng cường tuần hoàn máu;
Chất xơ: Cơ thể con người cần chất xơ để hỗ trợ chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường;
Chất chống oxy hóa: Quả thanh long được biết đến là nguồn chứa nhiều chất chống oxy hóa như polyphenol, anthocyanin, carotenoid và vitamin C. Cơ thể người cần chất chống oxy hóa để ngăn ngừa nguy cơ các tế bào ung thư phát triển và cả các bệnh lý về tim mạch.
Những tác dụng của quả thanh long
Ngăn ngừa lão hóa
Chất chống oxy hóa có tác dụng chống lại các gốc tự do có trong cơ thể - một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư và giúp cho làn da giữ được vẻ tươi trẻ.
Với việc chứa các chất chống oxy hóa polyphenol, carotenoid và vitamin C, quả thanh long thực sự là nguồn cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa tự nhiên tuyệt vời. Sử dụng thanh long kết hợp mật ong để làm mặt nạ dưỡng da sẽ giúp cho làn da chống lại những tác nhân gây lão hóa.
Phòng ung thư
Chất caroten được tìm thấy trong quả thanh long, chất này tác dụng ngăn ngừa các tế bào có khả năng gây ung thư, thậm chí là làm giảm khối u ung thư. Bên cạnh đó, chất tạo màu đỏ lycopene cho quả thanh long còn giúp phòng ngừa bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Ăn thanh long giúp làm giảm hàm lượng cholesterol có trong máu, mặt khác, thanh long còn hỗ trợ sản sinh các chất béo tốt cho cơ thể. Từ đó, sức khỏe tim mạch của bạn sẽ tốt hơn.
Đã có những nghiên cứu về tác dụng của quả thanh long đối với sức khỏe tim mạch, kết quả cho thấy bổ sung thanh long vào thói quen ăn uống sẽ giúp phòng ngừa tốt các bệnh về tim mạch, điều hòa huyết áp. Loại "siêu trái cây" này cung cấp chất béo bão hòa đơn rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Bổ máu
Sắt là chất cần thiết để cơ thể sản sinh ra hemoglobin và chất này có nhiều trong quả thanh long. Hemoglobin hay huyết sắc tố chiếm 33% trọng lượng hồng cầu. Loại protein phức chứa ion sắt này có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đi đến các cơ quan, sau đó vận chuyển CO2 từ các cơ quan về phổi. Quả thanh long là nguồn thực phẩm chứa nhiều sắt, vì vậy, ăn thanh long sẽ giúp máu lưu thông trong cơ thể trở nên tốt hơn.
Hỗ trợ tiêu hóa
Chất xơ giúp hỗ trợ hoạt động của đường ruột tốt hơn. Ăn nhiều thanh long sẽ giúp tiêu hóa tốt, tránh táo bón và ngăn ngừa nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích. Bên cạnh đó, loại quả này còn có thể cân bằng vi khuẩn lành mạnh có trong ruột.
Những người không nên ăn thanh long
Theo Chinatimes & Sohu Thanh long tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn thanh long:
Tuy thanh long tốt nhưng do chứa hàm lượng kali cao nên những người mắc bệnh thận mạn tính phải hạn chế kali không thích hợp ăn loại quả này.
Ngoài ra, do thanh long tính mát nên những người hay bị tiêu chảy, cơ thể hư hàn, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt không nên ăn thanh long.
Mặc dù thanh long là loại quả tốt và dinh dưỡng nhưng bạn cũng nên ăn thanh long với mức độ phù hợp. Tránh lạm dụng loại quả này sẽ gây tác dụng ngược, tổn hại tới cơ thể.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-nen-han-che-an-thanh-long-ar894707.html