''Cây của nhà nghèo'' giảm dần diện tích
Cây điều được ví là 'cây của nhà nghèo' và huyện Đạ Huoai đang gầy dựng nhãn hiệu 'Hạt điều Đạ Huoai', nhưng trên thực tế diện tích trồng loại cây này ngày một giảm dần. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho phép hạt điều Đạ Tẻh, Cát Tiên cùng chung nhãn hiệu tập thể (bằng sự cho phép văn bản của 2 huyện) nhưng thực tế tại 2 huyện này, nông dân cũng đang chuyển đổi để trồng cây trồng khác.
Trong việc xây dựng nhãn hiệu nông nghiệp, ngoài các yếu tố để xác định chất và lượng của sản phẩm thì có một yếu tố khác vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đến sự tồn tại của nhãn hiệu nông sản chính là vùng nguyên liệu. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đang ra sức để phát triển nhãn hiệu “Hạt điều Đạ Huoai”. Huyện Đạ Huoai đã phối hợp cùng Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh Bình Thuận tổ chức tập huấn marketing và xây dựng chuỗi giá trị cho hạt điều Đạ Huoai. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu hạt điều của ba huyện phía Nam đang bị chặt bỏ dần để chuyển đổi sang cây trồng có kinh tế và được xem là “vua” của các loại trái cây: sầu riêng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đạ Huoai, diện tích điều hiện nay của huyện đang giảm dần. Cụ thể, năm 2021, huyện Đạ Huoai còn đến khoảng 7.800 ha thì nay chỉ còn 5.640 ha. Cũng theo dự báo của Phòng NN&PTNT huyện Đạ Huoai, đến năm 2025, diện tích điều sẽ tiếp tục giảm và còn khoảng 5.500 ha.
Riêng nhà máy chế biến hạt điều đặt trên địa bàn huyện Đạ Huoai hiện không thu mua điều cho bà con. Theo ông Nguyễn Văn Tú - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đạ Huoai, khi mới thành lập, nhà máy có thu mua điều của bà con, sau đó thì không thu mua nữa. Cho nên hạt điều tươi ở huyện Đạ Huoai được các thương lái thu mua rồi đưa đi nhập ở các tỉnh, thành khác.
Tại xã Mađaguôi, là một vùng gò đồi, được quy hoạch, ưu tiên để phát triển cây điều, nhưng diện tích đã giảm một cách đáng kể. Lãnh đạo xã Mađaguôi cho biết, diện tích điều của xã vài năm trở lại đây giảm khoảng 30%, chỉ những vùng đồi cao, không có nguồn nước tưới, người dân mới không chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Năm 2022, xã có khoảng 630 ha, năm 2024 còn khoảng trên 400 ha trồng điều. UBND xã cũng đã khuyến cáo bà con diện tích nào chuyển đổi được sầu riêng thì chuyển đổi, còn đối với các địa hình đồi núi có độ dốc lớn thì nông dân nên giữ lại cây điều.
Huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên đã chấp nhận đăng ký thương hiệu tập thể “Hạt điều Đạ Huoai”, tạo nên một vùng nguyên liệu rộng lớn. Tuy nhiên, diện tích cũng đang giảm từng ngày, cây điều đang bị chặt bỏ để thay thế dần cho cây sầu riêng và các loại cây trồng khác. Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh cho biết: Hiện nay toàn huyện có 5.500 ha điều, trong đó diện tích điều trên đất nông nghiệp khoảng 3.000 ha, diện tích điều trên đất lâm nghiệp khoảng 2.500 ha. Nếu so sánh với năm 2017 thì diện tích điều trên đất nông nghiệp giảm khoảng 5.000 ha, còn từ năm 2020 đến nay thì giảm khoảng 2.000 ha điều trên đất nông nghiệp. Mặt khác, với giá điều hiện nay thì mỗi ha cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng nên nông dân cũng không chú trọng đầu tư; thời tiết diễn biến thất thường đã làm giảm năng suất chỉ còn 8 đến 9 tạ/ha. Hầu hết diện tích cây điều chuyển đổi là sang trồng sầu riêng và cây dâu tằm.
Theo ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cát Tiên, diện tích cây điều ở huyện cũng đang giảm. Từ năm 2020 đến nay đã giảm khoảng 1.000 ha, hiện còn trên 5.000 ha. Chủ yếu diện tích điều đã được chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, cây ăn trái, cây nguyên liệu và một số cây công nghiệp khác.
Đến nay, tổng diện tích cây điều của 3 huyện phía Nam gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên là khoảng 16.000 ha (tổng hợp số liệu của Phòng NN&PTNT các huyện). Tuy nhiên, theo nhận định có xu hướng giảm diện tích trong những năm tiếp theo, điều này sẽ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu trong tương lai. Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể cho hạt điều là cần thiết để phát huy giá trị của cây trồng chủ lực, phát huy đặc trưng thế mạnh của cây trồng, nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng có tính quyết định là phải giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu thì tại các huyện phía Nam đang đi theo chiều ngược lại, giảm dần diện tích qua các năm.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202407/cay-cua-nha-ngheo-giam-dan-dien-tich-ac12aeb/