Cây đa, giọt nước Ia Nueng

Dân làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) không biết rõ những cây đa ở cuối làng do ai trồng, chỉ biết rằng nó đã soi bóng bên giọt nước đã hơn 300 năm qua. Với họ, cây đa và giọt nước luôn là biểu tượng của làng Ia Nueng.

Cây đa tỏa bóng trên con đường xuống giọt nước làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: T.D

Cây đa tỏa bóng trên con đường xuống giọt nước làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: T.D

VỊ THẦN LÀNG

Dù nằm trong phố nhưng Ia Nueng vẫn giữ được vẻ xanh mát, trong lành bởi những cây cổ thụ rợp bóng ở cuối làng. Trong đó phải kể đến sự tồn tại của 3 cây đa hàng trăm năm tuổi ngày ngày vẫn vươn lên mạnh mẽ, dẻo dai.

Theo chân già làng Hmrik, chúng tôi tận mắt chiêm ngưỡng những gốc đa sừng sững, xù xì khoảng chục người ôm không xuể. Theo lời ông Hmrik, những cây đa ấy được trồng từ bao giờ, những người già trong làng bao đời nay cũng không rõ lắm, chỉ nghe truyền tai nhau rằng chúng xuất hiện ở mảnh đất trống cuối làng, cạnh giọt nước khoảng 300 năm trước. Từ xưa đến nay, cây đa được xem là nơi Yàng trú ngụ để bảo vệ dân làng khỏi thiên tai, đem đến cuộc sống ấm no, đủ đầy. “Đối với dân tộc Jrai mình, làng phải có cây đa thì mới thành làng. Bởi vậy, dân làng luôn ý thức gìn giữ chúng như máu thịt của mình”-ông Hmrik chia sẻ.

Già làng Hmrik bên gốc đa hàng trăm năm tuổi của làng. Ảnh: T.D

Già làng Hmrik bên gốc đa hàng trăm năm tuổi của làng. Ảnh: T.D

Đưa bàn tay gân guốc sờ lên những chùm rễ đa, ông Hmrik xúc động kể: “Những gốc đa này gắn bó với đời mình cùng biết bao thăng trầm. Trải qua bom đạn chiến tranh, chúng vẫn không gục ngã”. Vốn là loài cây nhiệt đới, cũng có rễ phụ như cây si, nhưng rễ phụ của cây đa ít hơn, không lòe xòe rậm rì, âm u mà cứng cỏi, tráng kiện hơn nhiều. Vì thế mà gốc đa mang một vẻ đẹp rất quyền lực. Cây đa của làng Ia Nueng không đơn độc bởi chúng có tới 3 cây đứng gần nhau tạo cảm giác quây quần, vững chãi. Tán cây như bóng mẹ vươn cánh tay ra chở che mưa nắng cho đàn con. Tiếng lá rì rào trong gió như muốn chia sẻ với những câu chuyện muôn đời không bao giờ cũ của những người làng chất phác hiền lành. Biết bao làn điệu dân ca và cũng biết bao chuyện làng, chuyện nước được kể từ đời này qua đời khác dưới gốc đa làng.

Đến hôm nay, qua bao vật đổi sao dời nhưng những cây đa của làng Ia Nueng vẫn còn hiện hữu. Ông Puih Nhin (65 tuổi) trầm ngâm cho hay: “Người ta không dám phá đi những gốc cây linh thiêng ấy bởi cha ông mình trồng cây đa đều có lý do. Trồng đa là để thần linh có nơi trú ngụ, cho trẻ nhỏ nô đùa… Và hơn hết cây đa là nơi để mọi người nhận biết đâu là làng mình”. Bên cạnh 3 cây đa cổ thụ này, người làng đã trồng thêm vài cây đa nhỏ xung quanh. Khi bước đến cuối làng, làn hơi nước mát lạnh từ giọt nước hòa lẫn với bóng cây khiến cho bao mệt mỏi tan biến, chỉ còn lại cảm giác thư thái hòa hợp với thiên nhiên.

“Hiện nay, những gốc đa cổ thụ làng Ia Nueng thân cây vẫn vươn cao sừng sững, khỏe mạnh, cây nào cũng to, tán tỏa rộng khắp, gốc cây phải đến chục người ôm không xuể. Nhiều năm trước, vì thấy cây to, giá trị cao nên nhiều người đến hỏi mua nhưng làng không bán mà một lòng giữ gìn, bảo vệ”-ông Hmrik khẳng định.

GÌN GIỮ GIỌT NƯỚC LÀNG MÌNH

Nếu hình ảnh cây đa ăn sâu vào tiềm thức người làng Ia Nueng thì giọt nước cũng đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của người dân trong làng. Theo lời kể của những người lớn tuổi thì nước ở đây rất trong, dù trời khô hạn nhưng nguồn nước chưa bao giờ cạn.

Dưới tán những cây đa cổ thụ, dòng nước trong vắt từ mạch ngầm, khe núi chảy về cuối làng từ bao đời nay như trở thành vật báu của hết thảy người làng Ia Nueng. Mỗi ngày làm việc vất vả trên rẫy của người dân làng Ia Nueng thường kết thúc tại giọt nước của làng. Xung quanh dòng nước mát lành ấy biết bao câu chuyện vui buồn. “Chiều chiều, các bà, các chị mang gùi ra giọt nước, hứng vào vỏ các quả bầu khô hoặc các chai nhựa rồi gùi về phục vụ sinh hoạt cho cả gia đình. Nước mang về nhà chỉ dùng để uống và nấu ăn, còn tắm giặt thì ở đây luôn”-chị H’Oanh-một phụ nữ trong làng-cho biết.

Niềm vui bên giọt nước của làng. Ảnh: T.D

Niềm vui bên giọt nước của làng. Ảnh: T.D

Hiện nay, khu vực cây đa-giọt nước của làng Ia Nueng đã được sửa sang thoáng mát, sạch đẹp. Ngoài việc phục vụ sinh hoạt cho 216 gia đình trong làng thì nay giọt nước cũng đang là điểm tham quan, tìm hiểu của phần lớn du khách khi tới đây. “Làng mình đang phấn đấu xây dựng làng trở thành làng du lịch cộng đồng. Du khách tới làng không chỉ được tìm hiểu về cồng chiêng hay điệu xoang mà còn được thăm thú ruộng vườn, đặc biệt được hòa mình vào đời sống sinh hoạt của người làng tại cây đa, giọt nước”-ông Hmrik tự hào nói.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku: “Ia Nueng được thành phố chọn xây dựng thành làng nông thôn mới kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn hỗ trợ của thành phố, chúng tôi đang triển khai xây dựng cổng làng, đường hoa, hệ thống cống thoát nước, làm lại khuôn viên hội trường, sân bóng đá và tôn tạo khu vực cây đa, giọt nước. Chúng tôi cũng đã mời chuyên gia về du lịch ở TP. Hồ Chí Minh ra khảo sát, hướng dẫn TP. Pleiku phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng”.

TRẦN DUNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202003/cay-da-giot-nuoc-ia-nueng-5674575/