Cây đa Mường Hung – Biểu tượng của tinh thần kiên trung, bất khuất

Di tích lịch sử Cây đa Mường Hung, huyện Sông Mã là một chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp và là một biểu tượng của sự kiên trung bất khuất đối với Đảng, với cách mạng của nhân dân Mường Hung nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung. Thực dân Pháp đã bắt các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ra cây đa để tàn sát, nhằm uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân.

Di tích lịch sử Cây đa Mường Hung.

Di tích lịch sử Cây đa Mường Hung.

Thời kỳ thuộc Pháp, Mường Hung là một tổng, bao gồm các xã: Nà Nghịu, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương, Mường Sai và Mường Hung, trụ sở đặt tại bản Mường Hung ngày nay. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng lâm thời xã Mường Hung được thành lập. Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Sơn La. Chính quyền kháng chiến vừa mới ra đời đã bắt tay ngay vào xây dựng chính quyền cách mạng, thành lập các tổ chức kháng chiến, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong vùng ủng hộ để đánh đổ thực dân Pháp và tay sai. Đội du kích xã Mường Hung được tổ chức và rút vào hoạt động bí mật.

Toàn cảnh cây đa Mường Hung.

Toàn cảnh cây đa Mường Hung.

Nhằm lật đổ chính quyền cách mạng, thực dân Pháp và tay sai điên cuồng đàn áp phong trào kháng chiến ở Mường Hung. Năm 1948, chúng đã bắt 2 đồng chí quân báo là Lò Văn Địa, Cầm Văn Lùn và tổ chức hành quyết bằng cách thiêu sống. Gương hy sinh của các đồng chí đã cổ vũ thêm tinh thần ủng hộ kháng chiến, lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Mường Hung. Không tiêu diệt được cơ sở kháng chiến, chúng bắt bớ tiêu diệt các cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta; bắt một số người mang ra cây đa cạnh bờ sông Mã cắt cổ rồi thả xác trôi sông để uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân.

Giáo viên Trường THCS Mường Hung giới thiệu cho học sinh lịch sử cây đa Mường Hung.

Giáo viên Trường THCS Mường Hung giới thiệu cho học sinh lịch sử cây đa Mường Hung.

Khu vực cây đa Mường Hung trở thành điểm tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống hằng năm của xã.

Khu vực cây đa Mường Hung trở thành điểm tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống hằng năm của xã.

Ngày 29/9/1949, Đội du kích Mường Hung phối hợp với bộ đội chủ lực và du kích các xã Mường Sai, Chiềng Cang và Đại đội chủ lực tổ chức đánh đồn Mường Hung. Nhân dân đã tích cực ủng hộ bộ đội và du kích bằng cách góp hàng nghìn cây tre, bí mật đóng thành nhiều bè để chở bộ đội và du kích qua sông. Bị tấn công bất ngờ, quân địch ngoan cố dựa vào hỏa lực mạnh chống trả điên cuồng. Do vũ khí trang bị của ta yếu hơn nên trận đánh này, quân ta không thể tiêu diệt được đồn Mường Hung, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Sau khi đồn Mường Hung bị tấn công, địch tiếp tục tăng cường kiểm soát toàn bộ khu vực phòng tuyến sông Mã và ra sức đàn áp phong trào cách mạng, khủng bố nhân dân. Thời điểm này, nhiều chiến sĩ cách mạng và gia đình những người đi theo cách mạng đã bị chúng bắt bớ, tra tấn, chém đầu, mổ bụng moi gan, phanh thây, thả xác trôi sông, treo cổ hoặc thiêu sống… tại gốc cây đa Mường Hung.

ĐVTN xã Mường Hung giáo dục truyền thống yêu nước tại cây đa Mường Hung.

ĐVTN xã Mường Hung giáo dục truyền thống yêu nước tại cây đa Mường Hung.

Mặc dù bị đàn áp dã man, nhưng với tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc Pháp và bọn tay sai bán nước, cán bộ và nhân dân Mường Hung vẫn một lòng theo cách mạng; tiếp tục nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ; đội du kích địa phương vẫn bí mật hoạt động uy hiếp quân địch. Đến ngày 24/12/1952, bộ đội chủ lực đã phối hợp với dân quân du kích và nhân dân địa phương đứng lên tấn công đồn Mường Hung, lật đổ chính quyền tay sai của thực dân Pháp. Trong trận tấn công này, ta đã tiêu diệt 4 tên sĩ quan Pháp, 78 tên lính dõng, 32 tên phỉ, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng của địch, Mường Hung hoàn toàn giải phóng.

ĐVTN xã dọn vệ sinh khu vực cây đa Mường Hung.

ĐVTN xã dọn vệ sinh khu vực cây đa Mường Hung.

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Mường Hung được xây dựng cạnh Cây đa Mường Hung.

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Mường Hung được xây dựng cạnh Cây đa Mường Hung.

Chiến thắng Mường Hung được ví như một khúc ca tráng lệ của những người nông dân áo vải chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh của thực dân Pháp, cổ cũ tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm cho các vùng lân cận. Theo thống kê, giai đoạn 1945-1954, đã có 16 cán bộ, 9 chiến sĩ bộ đội, 365 người dân của xã Mường Hung anh dũng hy sinh.

Học sinh Trường THCS Mường Hung dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ.

Học sinh Trường THCS Mường Hung dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ.

Cây đa Mường Hung mọc tự nhiên bên bờ phải sông Mã, cách sông Mã 30 m, thuộc bản Mường Hung, xã Mường Hung hiện nay. Cây có đường kính 4m, cao 30m, tán cây xòe rộng 150 m. Ở độ cao 10 m, thân cây tách thành 4 cành, tỏa ra 4 hướng, trong đó có 2 cành hướng ra bờ sông Mã là khu vực thực dân Pháp từng treo cổ các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Cách di tích không xa là nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ xã Mường Hung đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày 13/12/2004, cây đa Mường Hung được UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lòng yêu nước của cán bộ, học sinh và nhân dân xã Mường Hung.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nhan-vat-su-kien/cay-da-muong-hung-bieu-tuong-cua-tinh-than-kien-trung-bat-khuat-tek474HNR.html