Cây đặc sản và sức bật HTX: Chìa khóa giảm nghèo vùng cao

Sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Thái Nguyên (mới) đã mang đến cho Thái Nguyên một nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa phong phú hơn. Cùng với sự thay đổi địa giới hành chính, địa phương này đang đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng đặc sản quý hiếm theo mô hình Hợp tác xã (HTX). Đây không chỉ là một hướng đi kinh tế mới mà còn là chiến lược quan trọng, mang lại nguồn sinh kế bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện rõ rệt đời sống cho người dân vùng cao của Thái Nguyên.

Miền núi phía Bắc của Thái Nguyên, sau khi mở rộng địa giới, giờ đây sở hữu những vùng đất của nhiều giống cây bản địa độc đáo, mang giá trị kinh tế và văn hóa cao.

Tiềm năng đặc sản

Từ những vườn đào, lê sai trĩu quả cho đến những rừng dẻ ván bạt ngàn, hay những cánh đồng bí xanh và đặc biệt là những ruộng lúa nếp Khẩu Nua Lếch… Tất cả đều là những “đặc sản” làm nên bản sắc mới của Thái Nguyên.

Tiềm năng ấy, vốn trước đây chưa được khai thác hiệu quả do sản xuất manh mún, thiếu liên kết và công nghệ, nay đang được các HTX khai mở mạnh mẽ, biến những sản vật địa phương thành hàng hóa có giá trị, vươn ra thị trường.

Tại các xã vùng cao như Ngân Sơn, Thượng Minh, Thượng Quan (trước đây thuộc Bắc Kạn, nay là một phần của Thái Nguyên), người dân đang gìn giữ và phát triển nhiều giống cây bản địa quý giá:

Chằng hạn như xã Ngân Sơn, với độ cao trung bình lớn và khí hậu mát mẻ quanh năm, là thủ phủ của các giống đào, lê bản địa. Đào thường cho quả vào tháng 7, quả lê thường cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 9.

Hồng không hạt là một trong những cây trồng đặc sản của Thái Nguyên hiện nay.

Hồng không hạt là một trong những cây trồng đặc sản của Thái Nguyên hiện nay.

Cũng tại Ngân Sơn, cây dẻ ván được người dân thu hái từ tháng 8 trở đi, đang được HTX và người dân chú trọng xây dựng thương hiệu, phát triển theo hướng hàng hóa, với giá bán bình quân 80.000-100.000 đồng/kg. Đây là một trong những cây trồng được đánh giá cho giá trị kinh tế cao, nhất là khi đầu tư chế biến sâu.

Còn ở vùng Thượng Minh nổi tiếng là thủ phủ của cây bí xanh thơm, loại cây gắn liền với thương hiệu nông sản hồ Ba Bể. Bí xanh thơm có thời vụ thu hoạch chủ yếu vào tháng 5, 6, hiện giá loại nông sản này dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg.

Một đặc sản khác là hồng không hạt, phân bố chủ yếu tại các xã Quảng Bạch, Đồng Phúc, Trần Phú, Na Rì (nay cũng thuộc Thái Nguyên). Giống hồng bản địa này có thời gian thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10, giá bán dao động 20.000–40.000 đồng/kg tùy loại và thời điểm.

Còn gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch ở xã vùng cao Thượng Quan (Thái Nguyên mới) cũng là một sản vật đặc trưng được quan tâm bảo tồn, phát triển. Sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao và phân phối đến các siêu thị, các cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh.

Những loại cây trồng này không chỉ thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương trên địa bàn Thái Nguyên.

HTX là đòn bẩy liên kết

Sự đang dạng của các loại cây đặc sản không chỉ cho thấy tiềm năng của các địa phương mà còn khẳng định vai trò của các HTX trong việc phát triển cây trồng đặc sản ở các vùng cao Thái Nguyên là vô cùng quan trọng. Các HTX không chỉ là nơi tập hợp các hộ sản xuất nhỏ lẻ mà còn là cầu nối quan trọng giữa nông dân, khoa học kỹ thuật và thị trường.

Các chương trình khuyến nông, OCOP đã và đang được các HTX áp dụng vào mạnh mẽ. Điều này giúp chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang phương pháp thâm canh kỹ thuật cao, đảm bảo chất lượng và năng suất.

Tập trung quy hoạch thành những vùng cây đặc sản lớn giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Tập trung quy hoạch thành những vùng cây đặc sản lớn giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Ví dụ điển hình HTX Nông nghiệp Tân Sơn (nay thuộc Thái Nguyên sau sáp nhập) đã triển khai sản xuất gừng, nghệ, bí xanh, dưa theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng, an toàn và dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp thu mua lớn. Hiện nay, các sản phẩm dưa, bí xanh của HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hoàn toàn có thể bán được vào các siêu thị. Về phía HTX cũng đã ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua toàn bộ củ nghệ; siêu thị tại Hà Nội thu mua củ gừng già, còn gừng non thì liên kết tiêu thụ với một doanh nghiệp khác.

Hay HTX Yến Dương (nay thuộc Thái Nguyên sau sáp nhập) đã xây dựng thương hiệu cho bí xanh, tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể trở thành một trong những nông sản chủ lực của vùng.

Đặc biệt, từ năm 2020, bí thơm của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Vùng nguyên liệu của HTX hiện đã lên đến hàng chục ha, trong đó có những diện tích đã đạt chuẩn hữu cơ; năng suất bình quân từ 25-30 tấn/ha bí phấn, 30 - 35 tấn/ha đối với bí vỏ xanh.

Hiện nay, với việc áp dụng quy trình chế biến và công nghệ hiện đại, HTX đã phát triển thêm nhiều sản phẩm từ quả bí thơm: Trà bí thơm túi lọc, trà bí thơm hòa tan, nước ép bí thơm,...

Điều thuận lợi là các HTX được ngành chức năng, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ máy móc sơ chế, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì... giúp tăng khả năng nhận diện và thâm nhập thị trường. Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc không chỉ đảm bảo minh bạch mà còn tăng cường niềm tin cho người tiêu dùng.

Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn cũ) với ngành nghề chính là chế biến nông sản, chủ lực là các sản phẩm chế biến từ củ nghệ vàng. Năm 2020, HTX được hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, từ đây, hoạt động của HTX có bước phát triển nhảy vọt. Có nhà xưởng, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, chế biến nên những sản phẩm tinh bột nghệ có chất lượng cao. Những mô hình như vậy đang được Thái Nguyên khuyến khích nhân rộng.

Ngoài ra, HTX còn đóng vai trò trung tâm trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản. Họ liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, và cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh, giúp sản phẩm đặc sản có mặt ở nhiều kênh phân phối.

Không đâu xa, sản phẩm nếp Khẩu Nua Lếch của xã Thượng Quan (nay thuộc Thái Nguyên) đã được chứng nhận OCOP 3 sao và được phân phối đến các siêu thị, các cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan đã thành công trong việc đưa sản phẩm này vào một số kênh phân phối lớn, ổn định đầu ra cho thành viên.

Thách thức và hướng đi bền vững

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc phát triển cây trồng đặc sản, đặc hữu ở các vùng cao Thái Nguyên vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều diện tích còn canh tác theo phương pháp truyền thống, thiếu thâm canh kỹ thuật, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, HTX và doanh nghiệp. Tình trạng sâu bệnh do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, khâu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế dẫn đến thời gian bảo quản ngắn, giá cả bấp bênh và tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn lặp lại ở nhiều nơi.

Có thể kể đến như quả hồng không hạt dù có HTX đầu tư phát triển sản xuất nhưng loại nông sản này vẫn chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ, chưa vào được các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội hoặc xuất khẩu. Nguyên nhân là các đối tác muốn đặt đơn hàng lên đến con số hàng tấn/lần thì người dân, HTX khó có để đáp ứng được nhu cầu.

Tương tự, sản phẩm hạt dẻ Ngân Sơn có giá trung bình tới 70.000 – 100.000 đồng/kg, nhưng việc xuất về xuôi còn gặp trở ngại. Quả mơ vàng hiện cũng không đủ cung cấp cho doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu đi Nhật vì thiếu nguồn cung…

Để phát triển bền vững và khai thác tối đa tiềm năng của các vùng đất mới sáp nhập, Thái Nguyên định hướng sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ từ các cấp, ngành chuyên môn, trong đó có các HTX trong việc tập trung quy hoạch các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, đảm bảo quy mô sản xuất lớn và đồng đều về chất lượng, đồng thời tích hợp các vùng sản xuất truyền thống và vùng sản xuất mới.

Nâng cao năng lực sơ chế, chế biến sâu, bảo quản nông sản cho các HTX vẫn là một trong những hướng quan trọng để kéo dài thời gian bảo quản, gia tăng giá trị sản phẩm và giảm thiểu rủi ro thị trường. Đây là yếu tố then chốt để các sản phẩm như đào, lê, dẻ ván, hồng không hạt không bị ép giá khi vào mùa vụ.

Theo các ngành chức năng, HTX đang đóng vai trò trung tâm trong việc biến những đặc sản của vùng cao Thái Nguyên thành nguồn thu nhập ổn định, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Với sự đồng lòng và những chính sách hỗ trợ đúng hướng, tương lai của cây trồng đặc sản và kinh tế tập thể ở vùng đất này hứa hẹn sẽ ngày càng khởi sắc, mang lại cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cay-dac-san-va-suc-bat-htx-chia-khoa-giam-ngheo-vung-cao-1108288.html