'Cây đức'!

Đời sống kinh tế-xã hội phát triển, hoạt động thiện nguyện ngày càng tô điểm cho vẻ đẹp cuộc sống, trở thành nhu cầu tự thân của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong phong trào chung của trường văn hóa ấy, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tham gia công tác thiện nguyện hiệu quả nhất.

Văn hóa thiện nguyện, vì thế, đã trở thành bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa doanh nghiệp, được quan tâm phát triển sâu rộng. Chính vì vậy, việc tìm ra và duy trì các phương thức, mô hình thiện nguyện sao cho hiệu quả, đi vào lòng người, kích thích các giá trị nhân bản, nhân văn trong đời sống cộng đồng được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm.

Hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp trao quà tặng con em hội viên phụ nữ xã Má Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: qdnd.vn

Hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp trao quà tặng con em hội viên phụ nữ xã Má Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: qdnd.vn

Chuyện trồng “cây đức” ở Xanh Toàn Cầu Group (TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Tại trụ sở công ty mẹ và tất cả công ty con, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo Xanh Toàn Cầu Group đều chỉ đạo triển khai mô hình “cây đức”! Về bản chất, đó là một chiếc thùng đặt ở vị trí công cộng để cán bộ, công nhân viên, người lao động, đối tác khách hàng... đóng góp từ thiện. Sự khác biệt nằm ở chỗ, “cây đức” được tạo hình, trang trí theo phong cách văn hóa truyền thống, nổi bật với dòng chữ: “Ô kìa! Cây đức”. Việc sử dụng ngôn từ biểu cảm gây ngạc nhiên, kích thích trực quan, tạo cảm giác thích thú, thu hút sự quan tâm của bất cứ ai bắt gặp. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, việc “trồng” và “chăm sóc” cho “cây đức” ở Xanh Toàn Cầu Group trở thành nét đẹp văn hóa doanh nghiệp, là hành động tự giác, nhu cầu tự thân của mỗi người. Cá nhân, tổ chức có thành tích trong sản xuất, kinh doanh; cán bộ, nhân viên, người lao động đến kỳ nhận lương, được khen thưởng, sinh nhật... đều tự nguyện góp phần chăm sóc “cây đức” với tâm nguyện mong cho “cây” mỗi ngày một lớn, tỏa bóng nhân, tích phúc, tích đức cho bản thân và con cháu...

Thành quả của “cây đức” được “thu hoạch” hằng năm, sử dụng cho công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng và sửa chữa nhà ở cho thương binh, gia đình liệt sĩ, chăm sóc người có công, tặng học bổng đối với học sinh nghèo, trẻ mồ côi... “Cây đức” ở Xanh Toàn Cầu Group đã cho những mùa “trái ngọt”, xây dựng, bàn giao được 142 căn nhà tình nghĩa, tình thương ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai... cùng hàng tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ thân nhân, gia đình liệt sĩ, người có công... những năm qua.

Vào mùa Tết trồng cây năm nay, hòa cùng không khí trồng cây gây rừng trên cả nước, Xanh Toàn Cầu Group tiếp tục triển khai phong trào trồng “cây đức” cho năm Quý Mão 2023 với quyết tâm năm nay “được mùa” hơn năm trước.

Trồng “cây đức” là một minh chứng sinh động của phương châm “Của cho không bằng cách cho” trong hoạt động thiện nguyện. “Cho đi là còn mãi”, nhưng cho như thế nào để không phải là sự ban phát, bố thí? Để cái cho và cái nhận là thuộc tính của phong cách văn hóa, phong tục văn hóa, giá trị văn hóa... thì mình phải vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của trường văn hóa ấy.

Tất cả đều khởi nguồn từ một thái độ-thái độ văn hóa!

TP Hồ Chí Minh là nơi khởi phát nhiều mô hình, phương thức hoạt động thiện nguyện. Những “quán cơm 1.000 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “gian hàng 1.000 đồng”, “cây ATM gạo”... giúp đỡ người yếu thế là những ví dụ. Ở đó, cả người cho và người nhận đều đến với nhau bằng thái độ trân trọng.

Đầu xuân mới, khởi nguồn vạn sự, bạn muốn trồng “cây đức”, “cây phúc”, “cây ATM gạo” hay “cây” gì đi nữa, cũng cần có thái độ ấy. Nhưng trước hết, hãy cứ “ươm” sẵn trong tâm mình một “hạt giống” thiện lành...

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cay-duc-718356