Cây dược liệu 'chữa nghèo' cho bà con ở Tu Mơ Rông

Ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), người dân khi nói về cây dược liệu đều nhận xét là cây 3 trong 1 (cây thoát nghèo, cây làm giàu và cây chủ lực). Thực tế là nhờ trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, nhiều người dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ để người dân phát triển bền vững cây dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với thành lập hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được gần 3.000ha cây dược liệu, trong đó có hơn 1.710ha sâm Ngọc Linh. Trong 3 năm qua, trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn nhờ vào trồng, mua, bán dược liệu.

Thoát nghèo nhờ cây dược liệu

Ông Dương Thái Khoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn, cây dược liệu được xác định là cây “3 trong 1” gồm cây chủ lực, cây giảm nghèo và cây làm giàu. Thực tế, cây dược liệu đã thay đổi bộ mặt đời sống của nông dân tham gia trồng.

Cây dược liệu được xác định là cây “3 trong 1” gồm cây chủ lực, cây giảm nghèo và cây làm giàu ở huyện Tu Mơ Rông.

Cây dược liệu được xác định là cây “3 trong 1” gồm cây chủ lực, cây giảm nghèo và cây làm giàu ở huyện Tu Mơ Rông.

Ở Ngọc Lây, trên địa bàn xã hiện đã có 267/514 hộ trồng sâm Ngọc Linh, nhiều nhất là tại thôn Lộc Bông gần như 100% hộ dân đều trồng sâm Ngọc Linh. Nhờ thu nhập từ cây dược liệu và sâm Ngọc Linh nên năm 2022, trên địa bàn xã giảm được 63 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 13,54%.

Lợi thế của dược liệu có nguồn gốc từ Tu Mơ Rông là có thể xuất ngoại, kể cả thị trường khó tính như châu Âu. Ông Hà Văn Phương, Giám đốc HTX Nông sản và Thảo dược Tu Mơ Rông cho biết: “Trong năm 2022, HTX đã bán cho đơn vị liên kết 15,3 tấn gừng, nghệ, chanh rừng, tỏi để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng để tạo ra số lượng sản phẩm nguyên liệu nhiều hơn nhằm phục vụ cho chế biến, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, ông Phương nói.

Ở xã Tê Xăng, để giúp người dân hiểu hơn về hiệu quả của phát triển cây dược liệu, cán bộ xã thường xuyên tham gia các buổi họp thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và triển khai giao chỉ tiêu phát triển về cây dược liệu trên địa bàn xã cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

UBND xã đã phối hợp với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, các hộ dân tổng hợp diện tích dược liệu và triển khai thực hiện ươm giống tại chỗ để đáp ứng nhu cầu giống đảm bảo về chất lượng cho người dân trên địa bàn. Để trồng cây dược liệu đạt hiệu quả, cán bộ, công chức xã còn xuống các thôn hướng dẫn người dân chuẩn bị đất, xử lý thực bì, đào hố; xây dựng các tổ, nhóm vận động người dân tham gia phát triển cây dược liệu. Riêng đối với cây sâm Ngọc Linh, UBND xã thường xuyên phối hợp với Lâm trường Ngọc Linh và bà con nhân dân các thôn thường xuyên kê khai việc trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Nhân rộng các mô hình chuỗi giá trị

UBND xã Tê Xăng cho biết đã xác định dược liệu là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Bởi vậy trong thời gian qua xã đã triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, kêu gọi thu hút đầu tư, các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã là 215,2ha. Nhờ phát triển dược liệu, ở xã Tê Xăng có nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được các vật dụng đắt tiền như hộ ông A Hải, A Đinh, A Biên (thôn Đắk Viên), A Muộn, A Phi, A Bù, A Mao (thôn Tu Thó), A Hình (thôn Đăk Sông).

Tu Mơ Rông đẩy mạnh mô hình liên kết giữa DN, HTX với người dân để phát triển diện tích dược liệu, đồng thời mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh.

Tu Mơ Rông đẩy mạnh mô hình liên kết giữa DN, HTX với người dân để phát triển diện tích dược liệu, đồng thời mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh.

Điển hình như gia đình ông A Hình hiện nay có cả nghìn cây sâm Ngọc Linh và 4-5 sào sâm dây. Ông A Hình kể gia đình ông trồng sâm Ngọc Linh từ 15 năm trước, mỗi năm ông tích góp, vay thêm các nguồn vốn để phát triển thêm một ít. Từ sâm Ngọc Linh và sâm dây, gia đình ông bán lá, củ, hạt, thu lời hàng trăm triệu đồng. Nhờ sâm Ngọc Linh, gia đình ông xây dựng được nhà cửa, mua sắm các vật dụng đắt tiền và cho các con ăn học đàng hoàng .

Để hỗ trợ người dân phát huy lợi thế từ dược liệu và sâm Ngọc Linh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, từ các nguồn vốn, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng các mô hình kinh tế trồng sâm, dược liệu để dân tham gia sản xuất; ưu tiên nguồn vốn cho dân vay để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, dược liệu. Nhờ phát huy được thế mạnh, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông giảm còn 47,26% (giảm 12,93% so với cuối năm 2021 là 64,79%).

Thấy rõ hiệu quả và con đường thoát nghèo vươn lên khá giả nhờ dược liệu và sâm Ngọc Linh, người dân Tu Mơ Rông đã có những chuyển biến trong nhận thức, chủ động đầu tư vườn sâm thay vì trông chờ hỗ trợ. Bằng chứng là năm 2022, tổng nguồn vốn vay đầu tư sâm Ngọc Linh của dân bằng 5 năm trước cộng lại.

Phát huy thế mạnh du lịch trên vùng dược liệu

Tháng 2/2023, đích thân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã lên thị sát vùng trồng sâm Ngọc Linh ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Tại đây, Bộ trưởng đã chia sẻ về cây sâm Ngọc Linh cũng như vấn đề phát triển du lịch địa phương.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, những gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong buổi thị sát đã giúp huyện định hướng phát triển dược liệu gắn với du lịch. Đó là phát triển nông nghiệp xanh, du lịch trải nghiệm dược liệu, du lịch khám phá rừng, thiên nhiên, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng.

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cũng cho biết: “Huyện Tu Mơ Rông luôn sẵn sàng mời gọi, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại địa bàn. Bất cứ nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân đến huyện tìm hiểu, lập dự án, liên kết trồng, chế biến các loại dược liệu, đặc biệt là liên kết với người dân trồng và phát triển sâm Ngọc Linh huyện đều hoan nghênh, ủng hộ, nhưng phải làm đúng, làm thật để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh”.

Ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum chia sẻ, công ty đang cùng người dân bảo vệ rừng, đồng thời cung cấp giống cho bà con để phát triển nguồn sâm. Mảnh đất Tu Mơ Rông nói riêng đã có rất nhiều tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh.

“Huyện đang đẩy mạnh mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với người dân để phát triển diện tích dược liệu, đồng thời mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh để người dân trực tiếp được hưởng lợi từ cây dược liệu quý. Huyện tăng cường quản lý tốt hơn nguồn giống để đảm bảo cây sâm Ngọc Linh giữ được thương hiệu, từ đó phát triển ra thị trường nhằm nâng cao đời sống của người dân trong thời gian tới”, ông Mạnh cho hay.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian tới, Tu Mơ Rông tiếp tục tăng cường quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của địa phương; cung cấp thông tin kịp thời các dự án đầu tư, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, kịp thời giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương và thực hiện tốt các cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Minh Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/cay-duoc-lieu-chua-ngheo-cho-ba-con-o-tu-mo-rong-1094731.html